23:53 EDT Thứ sáu, 03/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Nhiều người quan tâm


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Khó như đi… vay vốn

Thứ năm - 27/09/2012 05:36
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nông dân có cách ví von này, bởi đây luôn là cửa ải gian nan nhất, là rào cản lớn nhất chưa thể vượt qua. Ngay cả khi Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại giãn nợ tối đa 24 tháng đối với những trường hợp khách hàng tạm thời gặp khó khăn trên lĩnh vực chăn nuôi, chế biến thịt heo, gia cầm và cá tra; giảm lãi suất cho vay về mức 11%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên nhưng cho đến thời điểm này, việc tiếp cận vốn vẫn khó như... hái sao trên trời.
 
Người nuôi cá tra vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng để đầu tư mở rộng sản xuất.

Dài cổ chờ hỗ trợ

Chưa bao giờ người chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản lại gặp nhiều khó khăn đến thế. Lý do được đưa ra là thị trường tiêu thụ bấp bênh, dịch bệnh hoành hành, thịt bẩn, thịt thối nhập nội trái phép tràn lan trên thị trường. Nhưng khi được hỏi, cái làm người nông dân “nản” nhất không phải là dịch bệnh, là thị trường mà chính là… vốn và hành trình tìm đến ngân hàng để xin được vay đầu tư sản xuất.

Có một thực tế là các chính sách quy định về ưu tiên vốn dành cho nông nghiệp, nông thôn đã rất rõ ràng nhưng các ngân hàng vẫn có đầy đủ lý do để từ chối các khoản vay. Tưởng như Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ vốn cho nông nghiệp, nông dân đã rõ ràng đến thế, quy định thông thoáng, nhiều ưu tiên đến thế cho lĩnh vực này nhưng không phải ai muốn vay là được. Và mới đây nhất, trong khi các chủ trang trại chăn nuôi heo, gia cầm, nuôi trồng thủy sản điêu đứng vì thiếu vốn, có người phải treo ao, treo chuồng, thậm chí sang nhượng trang trại, đau đớn hơn là phá sản thì ngân hàng vẫn cứ thờ ơ, lạnh lùng với nhu cầu vốn của người dân. Tất nhiên, họ cũng có cái lý của mình khi cho vay nông nghiệp, nông thôn luôn ẩn chứa nhiều rủi ro nhưng không có nghĩa tất cả các khoản vay đều biến thành nợ xấu, không có nghĩa tất cả nông dân đều muốn trở thành con nợ.

Cho đến nay, chính sách giãn nợ tối đa 24 tháng đối với những trường hợp khách hàng tạm thời gặp khó khăn trên lĩnh vực chăn nuôi, chế biến thịt heo, gia cầm và cá tra; giảm lãi suất cho vay về mức 11%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên vẫn chưa được các ngân hàng triển khai một cách nhiệt tình. Nhiều nông dân Đồng bằng sông Cửu Long khi biết thông tin đã đến ngân hàng để làm hồ sơ vay vốn nhưng chỉ nhận được câu trả lời chưa được cấp có thẩm quyền thông báo để thực hiện cho vay vốn với lãi suất thấp. Mặt khác, ngân hàng vẫn còn tồn vốn huy động từ lãi suất cao hơn cho người dân nên chưa thể cho vay đại trà với lãi suất thấp. Điều nông dân ngại nhất là, trong khi đợi ngân hàng làm xong thủ tục xét duyệt để được khoanh nợ, giãn nợ, họ cũng không thể cầm cự nổi và có thể cơ hội cũng không còn…

Ngân hàng, theo đúng nguyên tắc hoạt động, cứ khách hàng nào tiềm năng, khả năng tài chính lành mạnh thì được rót vốn, thủ tục cũng đơn giản, nhẹ nhàng; còn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không có tài sản thế chấp đương nhiên sẽ bị cho qua. Vậy là, người có điều kiện tiếp tục được tiếp thêm cánh, còn người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đã cơ cực nay càng thêm khánh kiệt.

Đã từng phải vay với lãi suất 20%/năm nên khi nghe Chính phủ chỉ đạo đưa lãi suất về mức 11%, ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thới An (TP.Cần Thơ) rất vui mừng. Nhưng khi đến ngân hàng, ông đã bị từ chối với lý do chưa có văn bản chính thức, phải chờ. Ông Hải cũng nêu một thực tế xót xa là đã 3 năm qua, những hộ nuôi cá trong HTX đều phải xoay xở bằng vốn tự có và chỉ nuôi theo sức của mình, không dám đầu tư mạnh vì thiếu vốn.

Tương tự, bà Vũ Thị Viên ở xã Hương Lung (Cẩm Khê – Phú Thọ) đã không thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng theo Nghị định 41 để phát triển trang trại chăn nuôi gà, nuôi trồng thủy sản. Bà chỉ được Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chấp nhận cho vay 50 triệu đồng, còn muốn vay 100 triệu đồng như hồ sơ ban đầu thì phải có tài sản thế chấp (trong khi Nghị định 41 quy định chủ trang trại có thể vay đến 500 triệu đồng mà không cần thế chấp tài sản).

Trong khi đó, anh Đặng Văn Đoàn ở xã Vinh Tiền (Thanh Sơn - Phú Thọ) lại bức xúc vì Nghị định 41 quy định cho vay không có đảm bảo bằng tài sản nhưng lại yêu cầu người vay nộp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Chưa bao giờ ngành nông nghiệp phải chứng kiến sự “rớt đài” thê thảm của loại hình kinh tế trang trại, dù đã có lúc nó được xác định là hướng phát triển tất yếu. Tất nhiên, sự quan trọng của loại hình kinh tế này đối với nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nguyên nhưng sức ép về vốn đã khiến số lượng trang trại giảm mạnh. Chỉ riêng trong lĩnh vực chăn nuôi, từ cuối năm 2011 đến nay đã ghi nhận sự biến mất của gần 10.000 trang trại, hiện chỉ còn 7.000 trang trại. Và theo Cục Chăn nuôi, hiện có khoảng 3.000 trong tổng số 6.020 trang trại lớn có nhu cầu vay vốn. Thực tế này cũng không khiến các ngân hàng cởi mở hơn trong việc đưa vốn về nông nghiệp, nông thôn.

Gỡ khó cách nào?

Trong bản báo cáo của nhiều ngân hàng đều khẳng định, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn luôn tăng theo từng năm, vậy tại sao vốn vẫn là khó khăn muôn thuở của nông dân trong sản xuất, tại sao “tín dụng đen” vẫn có đất để hoành hành ở nhiều miền quê? Vậy nên mới có chuyện, trong lúc quá khó khăn, nông dân ở Đồng Nai mới nghĩ đến chuyện mang lợn, gà ra thế chấp để vay vốn. Tất nhiên các đại gia ngân hàng lại từ chối với lý do chưa có tiền lệ.

Khoảng 3 năm trở lại đây, những hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ ở Đồng bằng sông Cửu Long không còn đất sống, phần vì nhiều doanh nghiệp đã chủ động được nguồn nguyên liệu nhưng lý do lớn hơn là họ không thể tiếp cận vốn ngân hàng vì tài sản đã đem đi thế chấp cho những canh bạc lớn, sau thất bại, nợ cũ chưa trả thì làm sao tính đến chuyện ngân hàng cấp nợ mới. Và thực tế là từ đầu tháng 8/2012, Chính phủ đã thông qua gói hỗ trợ 9.000 tỉ đồng để giúp nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu ở Đồng bằng sông Cửu Long vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, đến nay người nuôi cá và doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn này. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dù gói hỗ trợ này chưa thấm vào đâu so với nhu cầu vốn của người nuôi và các doanh nghiệp thu mua, chế biến cá tra xuất khẩu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhưng việc chậm giải ngân cũng đồng nghĩa với việc để con cá tra tự vật lộn trên thương trường. Hàng loạt ao hầm nuôi cá đang bị treo vì người nuôi thua lỗ, còn các doanh nghiệp thì đứng ngồi chẳng yên vì khát vốn. Theo ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch VASEP, có đến 70 – 80% doanh nghiệp thủy sản gần như lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng hoặc đang ngắc ngoải chờ hỗ trợ. Vì vậy, thời gian qua, người ta chứng kiến sự đổ vỡ của hàng loạt doanh nghiệp, ngay cả Binhanfishco, một doanh nghiệp lớn trong ngành cũng suýt bị khai tử chỉ vì ngân hàng rút vốn.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc hạ lãi suất theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là rất cần thiết đối với nông dân thời điểm này, nhưng thời hạn để tiếp cận vốn lãi suất thấp bao lâu mới là vấn đề đáng bàn. Mặc dù nhiều ngân hàng công bố khoanh nợ, giãn nợ cũ, nhưng muốn vay mới, nông dân phải "chạy" tiền trả khoản cũ, bởi ngân hàng vẫn theo cơ chế cho vay thông thường. Do vậy, tiếp cận lãi suất cho vay nuôi cá ở mức 11%/năm, nông dân rất phấn khởi, nhưng bà con băn khoăn là mức lãi suất này sẽ được duy trì bao lâu, bởi thời gian nuôi cá kéo dài từ 8 - 12 tháng. Điều bà con cần vẫn là nguồn vốn lâu dài và ổn định lãi suất.

Dù khẳng định nguồn vốn cho vay để đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mỗi năm đều tăng nhưng ông Vũ Văn Minh, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Phú Thọ thừa nhận, nguồn vốn cho vay còn dàn trải, chưa tính toán được cụ thể các dự án đầu tư nên suất cho vay còn hạn chế... Ông Minh cũng khẳng định, nguồn vốn của ngân hàng không thiếu. Song, các địa phương cần phải có phương án đầu tư mỗi năm gửi cho ngân hàng để cân đối nguồn vốn.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Tháp cho biết, ngân hàng đã chỉ đạo 26 tổ chức, tín dụng ở tỉnh thực hiện cho vay sản xuất, chăn nuôi... Qua đó, các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho 753 doanh nghiệp và 43.882 hộ cá thể, với tổng số tiền khoảng 13.000 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 8/2012, dư nợ của tỉnh đạt hơn 25.078 tỷ đồng, trong đó riêng cá tra hơn 4.900 tỷ đồng. Về cơ bản các ngân hàng tiếp tục giãn nợ và cho vay lĩnh vực chăn nuôi; song không phải ai cũng được giải ngân, bởi các ngân hàng có sự lựa chọn những đối tượng đáp ứng được điều kiện cần thiết.

Với xu thế phát triển hiện nay, các ngân hàng cũng đang chuyển từ việc cho vay sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ, sang cho vay chăn nuôi tập trung - quy mô lớn. Các vùng chăn nuôi phải nằm trong quy hoạch, có đầu tư bài bản về kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, phương án sản xuất, gắn kết đầu ra sản phẩm với doanh nghiệp. Như vậy, chặng đường tiếp cận vốn của nông dân, nhất là những hộ sản xuất nhỏ lẻ vẫn còn rất dài vì trên thực tế những mô hình liên kết như thế không nhiều ở mỗi địa phương.

 

Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) đã yêu cầu Sở giao dịch, chi nhánh loại I, loại II thực hiện việc cho vay đối với khách hàng là các hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển sản xuất chăn nuôi, giết mổ để cấp đông, chế biến thịt lợn, thịt gia cầm, nuôi cá tra, chế biến cá tra xuất khẩu.

Agribank cũng yêu cầu các đơn vị tiến hành rà soát, đánh giá lại các khoản nợ cũ của khách hàng tính đến ngày 15/8 và thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất đối với các khoản nợ cũ của khách hàng. Đặc biệt, những khách hàng tạm thời gặp khó khăn chưa trả được nợ đúng hạn sẽ được giãn nợ tối đa 24 tháng. Đối với những khách hàng có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, Agribank tiếp tục cho vay mới lãi suất tối đa không quá 11% một năm và không phụ thuộc vào việc khách hàng có dư nợ cũ đã được cơ cấu lại.

 

Khánh Nguyên

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 154

Máy chủ tìm kiếm : 5

Khách viếng thăm : 149


Hôm nayHôm nay : 62385

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 201616

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 60523573