Trồng ngô lai thành công đang giúp Việt Nam dần chủ động nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Ảnh VGP/Đỗ Hương |
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nông nghiệp và nông thôn nước ta đã có những thành tựu rất đáng ghi nhận về kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp, đời sống nông dân, hạ tầng cơ sở và kinh tế nông thôn ngày càng được cải thiện...
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, ngành Nông nghiệp đã bộc lộ nhiều điểm yếu như: Sản xuất manh mún, cơ giới hoá thấp, giá thành sản phẩm cao, hiệu quả canh tác còn thấp… KHCN được coi là một trong những đáp án hiệu quả nhất để khắc phục những bất cập này.
Còn nhiều dư địa cho hiệu quả KHCN
Trong 5 năm vừa qua (2008-2013), ngân sách Nhà nước chi cho nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua Bộ NNPTNT lên tới hơn 5.000 tỉ đồng (trung bình 1 năm là 1.041 tỉ).
Tuy chưa có con số thống kê chính xác về tổng giá trị ngành Nông nghiệp đóng góp trong GDP cả nước, nhưng theo nhận định của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, tỷ lệ đóng góp này phải tăng cao hơn trước khi đầu tư ít nhất 30%. Bộ trưởng khẳng định, những thành tựu trong việc sản xuất và tiêu thụ nông sản vừa qua chủ yếu là do tăng sản lượng, chứ không phải do tăng diện tích canh tác. Đây chính là thành tựu do KHCN mang lại.
Tại phiên giải trình về “Khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới” sáng nay (8/4) tại Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Bùi Nguyên Súy (Sơn La) và đại biểu Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) cùng đưa ra băn khoăn liệu đầu tư cho KHCN vào nông nghiệp hiện nay đã tương xứng chưa?
Bộ trưởng Cao Đức Phát đưa ra nhận định, hiệu quả đầu tư này “vẫn còn dư địa để làm tốt hơn”. Nguyên nhân chính là sử dụng kinh phí và nguồn lực còn phân tán. Cơ chế chính sách mới tập trung vào các tổ chức Nhà nước mà chưa mở rộng ra các thành phần kinh tế khác.
Để tăng cường hiệu quả cho nguồn lực này cần có sự chuyển biến cả ở khu vực Nhà nước và tư nhân. “Về phía Nhà nước, chúng tôi kiên quyết loại bỏ sự manh mún, phân tán”, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định.
Cùng với đó, Bộ NNPTNT đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ KHCN rà soát lại và đề xuất chính sách để thúc đẩy sự tham gia đầu tư và nghiên cứu khoa học từ các thành phần kinh tế khác. Đặc biệt cần hướng tới các doanh nghiệp, vì doanh nghiệp gắn với thị trường và thương mại hoá.
Để KHCN trở thành “xương sống” vững chắc cho ngành Nông nghiệp nâng cao chất lượng thì cũng cần coi KHCN là một sản phẩm mà thị trường nông nghiệp đang tìm kiếm.
Đầu ra cho sản phẩm KHCN
Áp dụng KHCN trong sản xuất sẽ giúp nông sản có giá trị cao và dễ dàng xây dựng thương hiệu. Ảnh VGP/Đỗ Hương
Trong cùng phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân có kể câu chuyện về doanh nghiệp cơ khí Bùi Văn Ngọ (Long An) hiện đã xuất khẩu nhiều máy móc phục vụ cho nông nghiệp đến hơn 20 quốc gia. Bộ trưởng KHCN đưa ra con số ước tính: “Nếu 10 triệu hộ nông dân của chúng ta, mỗi hộ sử dụng 1 máy móc cho sản xuất nông nghiệp thì các sản phẩm cơ giới hoá cho nông nghiệp đã có đầu ra”.
Không phải vô cớ, Bộ trưởng KHCN lo lắng về đầu ra cho các sản phẩm KHCN, đặc biệt là các sản phẩm đưa vào ứng dụng và chuyển giao trong nông nghiệp.
Điển hình như việc nghiên cứu về các giống lúa đã đưa ra một bộ giống với hàng trăm loại khác nhau, nhưng thực tế nhiều người dân vẫn dùng các giống lúa nhập khẩu. Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, không hẳn vì giống nhập ngoại chất lượng và hiệu quả cao hơn, nhưng do hệ thống phân phối và tiếp thị các loại giống nhập khẩu hiện được doanh nghiệp đầu tư mạnh hơn.
Không chỉ là vấn đề thị trường ở những sản phẩm có giá trị thương mại hằng ngày mà cũng phải đánh giá hiệu quả ở ngay các đề tài nghiên cứu. Trước đây, các đề tài nghiên cứu đều dựa trên đề xuất của người hoặc nơi nghiên cứu, có nghĩa là ai có khả năng nghiên cứu thì đăng ký làm đề tài chứ không biết đề tài đó ứng dụng vào đâu. Điển hình như vấn đề nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi hiện đang rất nóng trong ngành Nông nghiệp, nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Quân là hầu như không có đề tài nào Bộ quản lý có gắn với vấn đề này.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, Luật KHCN ra đời năm 2013 sẽ là bước đột phá trong nghiên cứu KHCN nói chung và KHCN ứng dụng cho nông nghiệp nói riêng. Theo luật mới này, người đề xuất đề tài là các cơ quan quản lý có thẩm quyền. Tạm gọi như việc “đặt hàng” với các nhà khoa học. Khi nghiên cứu xong, các đề tài này sẽ được bàn giao lại cho người đề xuất để có cơ chế quản lý…
Sử dụng vốn đầu tư cho KHCN vào nông nghiệp hiệu quả cùng với cơ chế nghiên cứu gắn với đầu ra sản xuất sẽ giúp nông nghiệp có được những sản phẩm có hàm lượng KHKT cao. Hàm lượng này chính là nguồn gốc để nâng cao giá trị cũng như tạo lập thương hiệu cho nông sản Việt Nam.
Đỗ Hương
Nguồn baodientu.chinhphu.vm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn