Ông Nguyễn Thành Quý, Hội Nông dân Khánh Sơn cho biết, đậu đỏ có đặc tính dễ trồng, không kén đất. Tháng Sáu, tháng Bảy âm lịch, khi mùa mưa tới cũng là lúc vào mùa gieo trồng đậu đỏ. Sức sống của loài cây này rất mạnh mẽ, chỉ cần có hạt là mọc khỏe, bám rễ vào giá thể (thân cây, chà gai) vươn lên, cành vươn tua tủa. Đến tháng Chạp thì nở hoa vàng rực, quả cong, nếu gặp trời nắng, quả chín, hạt nhanh chóng nứt nẻ, bắn tung tóe, rơi xuống đất, đợi thời tiết thích hợp lại nảy mầm vươn lên. Lợi dụng tính chất này, việc thu hái đậu đỏ thường diễn ra vào sáng sớm, khi trời còn tinh sương. Thu hoạch đem về, phơi nắng, đợi lúc trái khô chắc, bỏ vào bao, cột kín miệng, dùng cây đập nhẹ rồi đem ra quạt, sàng, sẩy là có bao đậu tươm tất. Có thời kỳ, loại nông sản này được xuất khẩu khá mạnh, Trung tâm Thương mại miền núi thu mua đậu đỏ nên bà con rất phấn khởi. Đầu ra thuận lợi, cây đậu đỏ “phất” nhanh, diện tích mở rộng, không một địa phương nào ở Khánh Sơn không trồng đậu đỏ. Thế nhưng, khi xuất khẩu sụt giảm, Trung tâm Thương mại miền núi không thu mua cũng là lúc cây đậu đỏ rơi vào “ngõ cụt”, hiện việc thu mua rất khó khăn, chỉ trông vào thương lái. Ông Võ Văn Thuy, Chủ tịch UBND xã Thành Sơn, một trong những địa phương có phong trào trồng đậu đỏ phát triển những năm trước cho biết, bà con không còn mặn mà với cây trồng này. Hai năm trước, Thành Sơn mất mùa đậu đỏ càng làm cho nông dân nhụt chí. Theo ông Thuy, đậu đỏ là cây dễ trồng, không tốn nhiều phí đầu tư, thích hợp với kiểu canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số nên việc khuyến khích phát triển đậu đỏ rất đáng quan tâm. Thành Sơn đang có chủ trương xây dựng mô hình trồng đậu đỏ từ kinh phí chương trình phát triển miền núi năm tới. Được biết, Trạm Khuyến nông Khánh Sơn đang khuyến khích việc trồng đậu đỏ thông qua mô hình tại xã Ba Cụm Nam nhằm động viên nông dân quay lại với cây trồng này. Theo ông Nguyễn Trọng Lâm, Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khánh Sơn, việc vận động bà con trồng đậu đỏ trở lại rất khó bởi đầu ra không có. Thời gian qua, huyện cũng tiến hành vận động, chào hàng nhiều cơ sở thu mua nông sản trong và ngoài huyện nhưng chỉ được một thời gian ngắn là “chào thua”, vì vậy việc phát triển cây đậu đỏ gặp nhiều trở ngại. Giá đậu hiện ở mức 18.000 - 20.000 đồng/kg, bằng một nửa giá càphê nên bà con không mặn mà. Từ thực tế phát triển cây đậu đỏ ở Khánh Sơn thấy, việc thu mua nông sản cho đồng bào miền núi còn nhiều khó khăn do sản xuất manh mún, giao thông đi lại khó khăn. Vì vậy, muốn phát triển vùng chuyên canh, rất cần sự năng động của chính quyền địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền hình thành các tổ liên kết để nâng cao tính cạnh tranh cho nông sản, giúp bà con yên tâm sản xuất. Q.V Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | ||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn