Cưng cá như… con
Chiếc vỏ lãi rẽ sóng vượt sông Hậu chạy băng băng thẳng tiến qua cù lao ấp Nhơn Hòa, xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang để đưa chúng tôi vào vùng nuôi cá tra của Công ty cổ phần Thủy sản Nhơn Mỹ - Gentraco.
Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của thợ lặn Lê Văn Quý. |
Ông Nguyễn Thành Phước – Giám đốc vùng nuôi Gentraco fish cho biết: Thời gian qua giá cả con cá tra không ổn định, trồi sụt thất thường, thị trường xuất khẩu ngày một khắt khe khiến nhiều người nuôi cá nhỏ lẻ phải “treo ao”. Do vậy, làm sao để thịt con cá tra đạt được cả về chất và lượng, đáp ứng được tiêu chí của người tiêu dùng, đòi hỏi người nuôi phải có cách làm riêng.
“Vì lẽ đó, chúng tôi ký hợp đồng thuê hẳn một đội ngũ “ôsin” hút bùn để thường xuyên theo dõi, làm sạch định kỳ các tầng đáy ao, loại bỏ các ký sinh trùng độc hại, tạo môi trường thông thoáng cho cá, giúp cá mau lớn” – ông Phước nói.
Ông Trần Văn Tửng (Năm Tửng), ngụ ở cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ, một trong những người có thâm niên trong nghề hút bùn cho cá tra chia sẻ: “Cả gia đình tôi có 4 người làm nghề này đã ngót nghét gần chục năm. Trước kia làm chỉ đủ tiền cơm ba bữa, vài năm trở lại đây, người nuôi cá kỹ tính hơn trong chuyện làm sạch ao nuôi định kỳ cho nên nhu cầu ngày càng nhiều”.
Anh Tám Lộc, một đại gia nuôi cá ở An Giang cho hay: Trước kia, người nuôi cho rằng rải vôi làm sạch đáy ao, xử lý rong tảo trước khi thả cá cơ bản là xong; trong quá trình nuôi chưa chú trọng lắm đến việc xử lý những chất cặn bã nằm sâu dưới tầng đáy ao. Để giúp cá “dễ thở”, thịt ngon, mau lớn, ít bệnh, năng suất cao, ngày nay, người nuôi phải làm công việc hút bùn định kỳ thường xuyên.
“Rái cá” miền Tây
Bốn cái máy hút bùn to đùng cứ trôi lững lờ hết từ đầu ao này đến đầu ao kia; tiếng nước lủm bủm của những người thợ lặn thở ra từ dưới đáy ao hết sức nhịp nhàng, đều đặn. Ngồi trên bờ ao, ông Năm Tửng chia sẻ về nghề: “Cái nghề này coi vậy mà khó nhai lắm! Người có sức khỏe hết sức dẻo dai mới bám trụ được với nghề”.
Theo những người chuyên làm nghề hút bùn cho các ao cá, để có được một bộ máy hoàn thiện, chạy “ngon cơm” phải tốn chí ít khoảng 20 triệu đồng để mua sắm thiết bị, nào là: Giàn máy, ống dẫn hơi; dây hút bùn; thùng phuy; mặt nạ trùm mắt…
Anh Lê Văn Quý, một “ôsin” cho cá từ dưới đáy ao trồi lên mặt nước đầu tóc ước sũng bộc bạch: “Nghề hút bùn tuy cực nhưng thu nhập ổn định bình quân từ 3 – 4 triệu đồng/tháng nên quyết bám trụ”. Còn anh Nguyễn Văn Quang mặt mày xanh rớt, môi tím rịm, run rẩy nói: “Thông thường thời gian mỗi ca lặn của anh em độ từ 3 – 4 tiếng mới nổi lên mặt nước; thường lặn dưới độ sâu từ 3 – 6m (tùy vào độ sâu của ao); tiền công mỗi tiếng được trả 29.000 đồng”.
Ông Trần Văn Tửng
Ông Năm Tửng lý giải: Sở dĩ mỗi ca lặn hút bùn có độ thời gian kéo dài từ 3 – 4 tiếng, vì mỗi lần trồi lên mặt nước người thợ lặn rất mất thời gian để vận hành, lấy hơi như từ lúc đầu. Người thợ lặn như những con “rái cá” tung hoành ngang dọc, chỉ cần dùng tay rà sơ qua là họ biết khu vực nào còn hay không còn các chất cặn bã.
“Bình quân thời gian để làm sạch một ao cá tra phải mất độ chừng một tuần; lớp sình được hút để làm sạch là dày khoảng 1,5 tấc. Nghề này đòi hỏi người thợ lặn phải am tường rất kỹ về kỹ thuật lặn, không khéo sức nước sẽ ép làm người lặn ra máu mũi, lâu dài sẽ bị lãng tai” – ông Năm Tửng chia sẽ về nghề.
Đức Khánh
Theo:danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn