Ngày 17/6, UBND tỉnh Cà Mau phối hợp với Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng), Chương trình SeafoodWatch và Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế tổ chức ngày kết nối doanh nghiệp ngành thủy sản và lễ ký kết tham gia liên minh sản xuất tôm sạch và bền vững.
Đây là hoạt động nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong mục tiêu phát triển ngành tôm Việt Nam trở thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ hệ sinh thái, nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân, các doanh nghiệp công nghệ trong nông nghiệp… đã có tiếng nói chung và đồng thuận ký kết tham gia Liên minh tôm sạch và bền vững Việt Nam. Ảnh: T.A.
Theo ông Nguyễn Đức Tùng - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, sự kiện được tổ chức nhằm kết nối kinh doanh, nhà đầu tư, thúc đẩy mối quan hệ cung - cầu giữa các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam và nước ngoài. Từ đó, đem đến những cơ hội thiết thực, giúp doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu, phát triển thị trường và nâng cao giá trị của các sản phẩm thủy sản.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp tham gia chương trình cũng sẽ có cơ hội trao đổi thông tin về nhu cầu và tiêu chí lựa chọn các nhà cung cấp trong khu vực tại Việt Nam từ các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp lớn là nhà mua từ Hoa Kỳ; trực tiếp đối thoại, hỏi đáp để đánh giá thực tế các cơ hội hợp tác và phát triển thị trường trong tương lai gần.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Josh Madeira, chuyên gia của SeafoodWatch, Phụ trách chính sách bảo tồn biển, MBA, cho rằng: Người tiêu dùng ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á đều xem hương vị, độ tươi, lợi ích về mặt sức khoẻ và an toàn thực phẩm là những vấn đề hàng đầu cần phải xem xét khi chọn mua hải sản. Trong đó, Hoa Kỳ, E.U hay Nhật Bản luôn có các yêu cầu bắt buộc về an toàn thực phẩm.
Không những vậy, hơn 90% các nhà bán lẻ tại thị trường Bắc Mỹ và hơn 75% các nhà bán lẻ tại thị trường E.U… còn yêu cầu thuỷ sản phải đáp ứng với sự bền vững của môi trường.
Thu hoạch tôm siêu thâm canh ở Cà Mau. Anhrh: T.A.
Trong khi đó, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhận định: Ngành tôm đang đứng trước nhiều thách thức về việc tìm kiếm thị trường, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về những sản phẩm tôm sạch, thân thiện với môi trường. Việc thành lập Liên minh sản xuất tôm sạch và bền vững được đánh giá là một trong những xu thế tất yếu.
“Xu hướng thị trường ngày càng thay đổi, buộc chúng ta phải thay đổi để thích nghi, chú trọng vào chất lượng thay vì số lượng. Từ việc thí điểm 50 hộ dân nuôi tôm có chứng nhận quốc tế ban đầu, địa phương đã đúc kết nhiều kinh nghiệm quan trọng nhằm giải bài toán đưa con tôm qua các thị trường giàu tiềm năng và khó tính. Khi tham gia vào Liên minh, Cà Mau sẽ đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi một cách chặt chẽ hơn nữa, qua đó xây dựng các vùng nuôi chứng nhận quốc tế…”, ông Lê Văn Sử nhấn mạnh.
Tại sự kiện thành lập Liên minh sản xuất tôm sạch và bền vững Việt Nam, các “ông chủ lớn” của ngành tôm, các hợp tác xã nuôi tôm công nghiệp hiệu quả, các hộ nông dân, các doanh nghiệp công nghệ trong nông nghiệp… đã có tiếng nói chung và đồng thuận ký kết tham gia Liên minh tôm sạch và bền vững Việt Nam.
Đặc biệt, có bốn nhà mua Hoa Kỳ là Aramark, Bon Appettite, Santa Monica Seafoods, Fortune Fish&Gourmet và nhiều hệ thống phân phối lớn của Việt Nam đã có mặt tại Cà Mau để cùng tham gia vào ngày kết nối này.
http://danviet.vn/nha-nong/lap-lien-minh-tom-sach-thu-hut-4-dai-gia-mua-thuy-san-cua-hoa-ky-989151.html
Theo Ngọc Quyên/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn