Người đàn bà hiến nhiều đất nhất Bắc Giang
Từ trước kia cho đến cuối năm vừa rồi, vải, sắn, ngô… những sản phẩm nông nghiệp của bà con thuộc các xã vùng cao của huyện Lục Ngạn như Kiên Thành, Kiên Lao, Sơn Hải, Hộ Đáp… phải tập kết tại trung tâm các xã rồi đi vòng ra thị trấn Chũ, về huyện Lạng Giang sau đó mới theo QL 1A lên Lạng Sơn xuất khẩu.
Hành trình mà ông Ninh Quốc Dân, Chủ tịch UBND xã Kiên Lao, gọi là đi trọn một vòng vành thúng, bởi Kiên Lao chỉ cách thị trấn Mẹt của huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) có 7 cây số qua đèo Cóc mà thôi.
7 cây số đường dã chiến, chỉ có xe máy là phương tiện lưu hành. Cánh lái buôn nhỏ lẻ có thể đi, nhưng phải là tay lái cực kỳ cừ khôi. Cùng lắm, như cái dạo gà lậu còn ồ ạt tràn biên thì ban đêm đám buôn gà chọn đường này để tránh phục kích. Còn lại dân bản dù rất muốn có một con đường nhưng chịu. Đồi núi, dốc đá, rảnh ra phần đất nào thì rơi vào vườn của các hộ trồng rừng hết.
Vì lẽ ấy, mà khi có dự án làm đường từ ngã ba Kiên Thành lên đèo Cóc, dù không có vốn hỗ trợ đền bù nhưng chỉ trong vòng có một tháng, chính quyền các xã đã báo cáo hoàn tất khoản giải phóng mặt bằng. Không một lá đơn, thậm chí là không một lời kêu ca nào cả. Tất tần tật đều ủng hộ chủ trương mở đường, đều chấp nhận hiến đất, hiến vườn, hiến cây…
Ví như xã Kiên Lao, hơn 10 hộ dân ở xã này hiến tổng số đất rơi vào khoảng 60.000 m2. Một con số hơi nghi ngại, nhất là đối với những ai đã từng đến Kiên Lao. Xã còn nghèo lắm. Như lời của ông Dân, nếu chỉ nghe thôi thì việc hiến đất ở Kiên Lao quả là chuyện lạ lùng bởi vì gia đình nào cũng nghèo cả. Cả xã còn 40% hộ nghèo cơ mà. Nhưng cái lạ ấy, nếu chịu khó ngồi nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân rồi thì sẽ lại thấy chuyện bình thường.
Bà Ninh Thị Thành ở thôn Hố Bông là người hiến nhiều đất nhất của cả tỉnh Bắc Giang. Theo hồ sơ thì gia đình bà hiến để làm đường giao thông nông thôn khoảng 7.980 m2, nhưng thực tế chắc chắn sẽ còn lớn hơn nhiều bởi ngoài phần đất hiến để làm đường gia đình bà còn bố trí thêm nơi đổ đất bạt ra từ núi, nơi dựng nhà cho công nhân công trường…
Người đàn bà hiến nhiều đất nhất Bắc Giang
Vẫn là câu nói “đừng tính đến chuyện tiền”, nhưng tôi tưởng là mình nghe bà Thành nói nhầm, bởi người đàn bà hào phóng này hóa ra chỉ là chủ của một gia đình nghèo khó. Ở một nơi như Kiên Lao thì việc nằm trong diện những hộ cận nghèo là chuyện hết sức bình thường. Điều không bình thường có chăng là chuyện con cái bà Thành, chưa đứa nào dựng vợ gả chồng, chưa đứa nào có nghề nghiệp ổn định mà mẹ chúng đã phóng tay hiến đất, lại còn hiến luôn cả phần cây trên đất nữa thì liệu rằng bà Thành có quá vô lo cho con cái hay không? Một mình bà nuôi 5 đứa con trai, làm 2 mẫu ruộng, mỗi năm được chừng hai tấn thóc. Ăn uống không đến nỗi thiếu, nhưng tương lai, khi con cái ra cửa ra nhà, đất đai liệu có đủ cho chúng xây dựng gia đình?
Cũng may mà những suy nghĩ có phần quá thực dụng ấy không tồn tại trong đầu người đàn bà này. Đúng hơn là cách suy nghĩ của bà: “Tôi nghĩ, nếu xong con đường này, vườn vải, vườn sắn của gia đình, của dân bản sẽ có giá vì ô tô vào tận nơi. Thích thì bán, nếu cảm thấy giá thấp quá thì chở theo đường mới sang thị trấn Mẹt chắc chắn giá sẽ cao hơn nhiều. Nếu có đường mới thì con trai cả tôi chẳng cần bỏ tiền chạy việc sau khi học xong kế toán, rồi những đứa con khác nữa, chúng nó có thể làm vườn ở số đất còn lại cũng sống ổn định rồi. Hiến đất, tôi thấy được nhiều hơn mất đấy chứ. Không hiến thì bao giờ mới có đường mà đi”.
Thực ra, suy nghĩ ấy của bà chẳng phải là nghĩ cho gia đình của mình. Bà nghĩ cho người dân thôn Hố Bông thôi. Bởi nếu chỉ như gia đình bà, mỗi một năm chừng 3 tấn vải, thương lái vào tận nhà mua, tội gì phải hiến cả vườn đất để đổi lấy mấy đồng bạc lời. Chẳng thế mà khi xã yêu cầu cam kết, con cái bà đang phân vân thì bà đã lên ủy ban ký toẹt xong rồi.
Chính quyền xã hơi phân vân vì bà Thành hiến nhiều đất quá, dự định làm đề xuất lên cấp trên và vận động người dân hỗ trợ một ít để gia đình bà khắc phục vườn keo khoảng 500 cây mới trồng được 2 năm đã phải chặt để làm đường nhưng bà bảo thôi. Đã làm thì làm quyết liệt, nếu nhà nào cũng muốn hỗ trợ thì nhà nước lấy đâu ra tiền, vận đông bao nhiêu hộ dân mới đủ? Kể cả 7 m3 gỗ keo phải chặt ấy, bà cũng ủng hộ xã bán để bù thêm tiền đóng góp xây dựng con đường.
Gã gàn ở thôn Trại Nóng
Con đường từ ngã ba Kiên Thành đến đèo Cóc giờ đã hoàn thiện cơ bản. Ô tô tải chở sắn, chở vải phóng vù vù mà chẳng cần phải ì ạch đổi số đổi má gì. Bà Ninh Thị Thành là người hiến nhiều đất nhất, thiệt hại rừng trồng nhiều nhất, nhưng người khiến Chủ tịch UBND xã Ninh Quốc Dân vừa áy náy vừa khâm phục nhất là một người khác. Ông Lâm Văn Lợi ở thôn Trại Nóng.
10 hộ dân Sán Chí ở xã Kiên Lao được tuyên dương trong Cuộc vận động Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đều hết sức xứng đáng được ghi công. Nhưng ông Dân phục ông Lợi là bởi, khi đám máy múc của công trình vào bới vườn vải đang còn mơn mởn thì chính chủ nhà còn bỏ cả ngày trời để chỉ đạo cánh lái máy làm sao cho vừa nhanh vừa gọn. Vừa “phá” vườn nhà ông vừa kêu gọi những gia đình lân cận chuẩn bị thuốc nước để lát mấy anh máy xúc, máy ủi còn sang “làm việc” những khu vườn của họ.
“Chỉ tính riêng con đường từ ngã ba Kiên Thành lên đèo Cóc thì xã Kiên Lao có khoảng 50 hộ hiến đất. Nhà nhiều nhà ít nhưng không ai phàn nàn một điều gì dù họ chẳng hề có một đồng đền bù hay hỗ trợ. Dân nghèo, nhưng nếu là lợi ích chung thì họ sẵn sàng hào phóng. Thậm chí, khi tỉnh, huyện tổ chức tuyên dương, nhiều hộ chẳng có tiền mà vẫy ô tô đi dự, vậy mà họ vẫn vui vẻ”, Chủ tịch UBND xã Kiên Lao Ninh Quốc Dân. |
Cái hành động có phần nhiệt tình thái quá ấy từng gây ra bao nhiêu nghi ngại trong thôn Trại Nóng. Vườn nhà ông Lợi là điểm khởi đầu của cung đường Trại Nóng - Đèo Cóc. Việc ông vô tư hiến đất, lại còn nhiệt tình tham gia giải tỏa khiến nhiều hộ dân đoán rằng ông được chính quyền xã “cài cắm” hiến đất. Ông xông xáo đến thế là vì thực chất đã được UBND xã chiếu cố nhận tiền đền bù trước đó rồi. Theo bản đồ, vườn nhà ông bị mất gần 1.000 m2 đất, mất 22 cây vải thiều 20 năm tuổi. Ngay cả bà vợ La Thị Tiện cũng chẳng mấy hài lòng với cách hành xử “việc nhà nước mà cứ ôm như việc nhà mình” của chồng.
Bà Tiện tính: 1000 m2 đất hiến đi cũng được, nhưng còn 22 cây vải, mỗi năm khoảng một tấn quả, bét lắm cũng cả chục triệu đồng. Cả nhà có 6 khẩu ăn, trông vào vườn vải với 2 sào ruộng. Mất đi một cây vải là mất hai chục năm trời vợ chồng gánh từng xô nước tưới, phân bón, công chăm sóc… Rồi đây, con cái học lên cao, lấy gì mà đóng góp cho chúng nó?
Thậm chí một số người còn sinh ghét gọi ông Lợi là kẻ gàn gàn dở dở. “Họ nói là đường Nhà nước làm thì ở đâu mà chẳng có đền bù. Cứ chờ một thời gian xem thế nào đã, chưa gì đã mang đất đi hiến”, ông Lợi kể thế.
Thuyết phục vợ chán chê, đến lúc bà đồng ý thì ông lại phải tham gia cùng ban tuyên truyền của xã, đến tận từng nhà phân tích rõ thiệt hơn, vận động người dân hiến đất. Tấm chân tình của con người khá đặc biệt ấy cuối cùng cũng khuất phục được các hộ dân hiến đất. 20 hộ cầm sổ đỏ đất vườn mang lên nộp cho UBND xã kèm theo chỉ định: Chỉ được phép lấy đến phần đất làm đường, không được lấy thêm. (Hết)
Theo Nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn