Nông dân Bình Phước chặt điều để lấy đất trồng các loại cây khác - Ảnh: TRẦN MẠNH |
Dù xuất khẩu hạt điều của VN đứng số 1 thế giới những năm qua, nhưng hầu như không có doanh nghiệp điều nào đầu tư cho nông dân để phát triển vùng nguyên liệu trong nước.
Nông dân đua nhau chặt điều
Dọc quốc lộ 14 từ khu vực huyện Chơn Thành đổ về Đồng Xoài và Đồng Phú (Bình Phước), người đi đường có thể dễ dàng bắt gặp cây điều bị chặt và chất thành từng đống nằm la liệt hai bên đường. Trên quốc lộ 14, các chuyến xe chở đầy gỗ điều còn tươi màu nhựa vẫn đều đều lăn bánh. Tại một số địa bàn khác của Bình Phước như Lộc Ninh, Bình Long, Hớn Quản..., cây điều vẫn tiếp tục bị đốn hạ, diện tích trồng điều ngày càng bị thu hẹp.
Anh Bùi Minh Tiến (nông dân trồng điều ở xã Lộc Khánh, Lộc Ninh) cho biết từ đầu năm đến nay, giá điều bán ra cao nhất là 23.000 đồng/kg vào cuối tháng 1 nhưng kéo dài trong một thời gian ngắn, sau đó giảm dần ở mức 17.000 - 18.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với mức 30.000 đồng/kg cùng thời điểm năm trước. “Tôi trồng 3,5ha điều nhưng thu nhập cả năm chỉ khoảng 45 triệu đồng. Cứ bám theo cây điều mãi chắc không sống nổi nên tôi phải phá bỏ vườn điều chuyển sang trồng tiêu, loại cây có thu nhập và lợi nhuận cao hơn...” - anh Tiến nói.
Cũng như anh Tiến, nhiều nông dân tại Bình Phước cho biết đã chuyển từ cây điều sang cây tiêu, cao su hoặc một số loại cây trồng khác có thu nhập tốt hơn, lợi nhuận cao hơn sau một thời gian dài theo cây điều. Anh Điểu Tuấn (xã Phước An, huyện Hớn Quản) cho biết toàn bộ diện tích trồng điều của anh đã chặt từ sau vụ mùa và chuyển sang trồng cao su. “Vốn đầu tư cho cây cao su cao hơn nhưng cho thu nhập cao hơn, lợi tức cũng tốt hơn” - anh Tuấn nói.
Ông Nguyễn Văn Tới, giám đốc Sở NN&PTNT Bình Phước, cho biết khó kiểm soát việc nông dân chặt điều chuyển qua trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. “Doanh nghiệp mua điều thông qua các thương lái hoặc nhà chế biến nhỏ chứ không mua trực tiếp của dân, do vậy nông dân thường xuyên bị thương lái ép giá. Vì vậy chẳng có gì ngạc nhiên khi người trồng điều đang phá bỏ cây trồng mà họ gắn bó nhiều năm qua” - ông Tới nói.
Số liệu thống kê của các địa phương trồng điều cho biết trong sáu tháng đầu năm 2012, tổng diện tích cây điều đang cho hạt tiếp tục giảm hơn 15.000ha (5%) so với cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó, do năng suất cây điều giảm mạnh, sản lượng điều niên vụ này đã giảm hơn 10% so với năm trước, chỉ đạt gần 265.000 tấn. “VN có nguy cơ rơi từ vị trí thứ ba xuống vị trí thứ tư trong số những quốc gia có diện tích và sản lượng điều thu hoạch lớn nhất thế giới” - một lãnh đạo Hiệp hội điều VN (Vinacas) thừa nhận.
Doanh nghiệp tăng nhập điều thô
Trong khi nông dân đua nhau chặt điều, các doanh nghiệp chế biến nhân điều xuất khẩu ngày càng phụ thuộc vào nguồn điều thô nhập khẩu. Theo báo cáo phương án kế hoạch kinh doanh của ngành điều VN vào tháng 3-2012, Vinacas dự báo sản lượng điều trong nước năm 2012 đạt 300.000 tấn. Cùng với 200.000 tấn tồn kho của năm 2011, các doanh nghiệp chế biến điều phải nhập khẩu thêm 300.000 tấn mới đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, do mất mùa nên sản lượng điều thực tế chỉ đạt trên 265.000 tấn, Vinacas đã điều chỉnh kế hoạch nhập khẩu điều thô lên 400.000 tấn.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết tính đến ngày 15-8, đã có xấp xỉ 215.000 tấn điều được nhập khẩu vào VN qua đường chính ngạch. Tuy nhiên, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu điều tại Đồng Nai khẳng định con số trên chưa phản ánh đúng thực tế tình hình nhập khẩu và chế biến hạt điều thô trong nước, vì đã có một lượng hạt điều thô được nhập khẩu vào VN từ cuối năm 2011 về nằm tại các kho ngoại quan, đến đầu năm 2012 mới được đưa về để sản xuất. Các doanh nghiệp xuất khẩu điều cũng thừa nhận chỉ cần giá xuất khẩu tăng lên là người ta sẽ ùn ùn nhập về trở lại.
“Có những doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhưng từ đầu năm đến nay hầu như chỉ toàn dùng điều nhập khẩu” - một chuyên gia ngành điều bức xúc. Theo chuyên gia này, những năm trước đây các doanh nghiệp ngành điều đều mua hạt điều thô trong nước để dự trữ trước rồi mới tính chuyện nhập khẩu. Nếu bị khách hàng bán điều thô nước ngoài ép giá thì doanh nghiệp có hàng sẵn trong kho để công nhân làm việc. Nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp hầu như không còn chú trọng mua điều thô trong nước mà để các thương lái và lò chẻ địa phương, còn mình nhập khẩu về chế biến.
Giải thích xu hướng sử dụng nguyên liệu điều thô nhập khẩu ngày càng tăng thời gian qua, giám đốc một doanh nghiệp ngành điều cho rằng do giá điều trong nước cao hơn giá điều Campuchia và châu Phi, việc nhập khẩu điều thô về chế biến sẽ có lợi hơn.
Ông Nguyễn Đức Thanh, phó chủ tịch Vinacas, cho biết tổ chức này đang lên một chương trình liên kết doanh nghiệp với người dân để giữ diện tích và sản lượng điều trong nước. “Tuy nhiên, đây mới chỉ là ý tưởng nên còn phải xây dựng và lấy ý kiến trước khi đưa vào thực tế” - ông Thanh thừa nhận. Trong khi đó theo ông Tới, Vinacas mới chỉ là hiệp hội của những nhà chế biến xuất khẩu chứ không phải là của người trồng điều nên tổ chức này thực tế chẳng quan tâm đến chuyện liên kết hay hỗ trợ nông dân trồng điều. |
TRẦN MẠNH - NGỌC QUÝ
Nguồn:tuoitre.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn