|
Nhà vườn trồng chôm chôm ở Cù lao An Bình, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) không hưởng lợi gì từ quy trình Global GAP. |
Giá trị ảo, phí trên trời
Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có nhiều lợi thế và tiềm năng về nông nghiệp. Nơi đây là vựa lúa, vựa trái cây và có nghề nuôi, chế biến cá tra xuất khẩu lớn nhất nước. Thế nhưng đầu ra của nông sản lại hết sức bấp bênh, thường xuyên chịu cảnh "được mùa, rớt giá" hay "ế hàng, dội chợ". Do đó, hầu hết nông dân miền Tây Nam Bộ còn nghèo.
Những năm gần đây, nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra gặp nhiều khó khăn, nhất là giá cá tra nguyên liệu trong nước quá bấp bênh, liên tục sụt giảm. Ông Nguyễn Văn Ðệ, người hơn mười năm nuôi cá tra ở phường Thới An, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ cho biết, hiện tại giá thành nuôi một kg cá tra thương phẩm hơn 24 nghìn đồng, nhưng giá thị trường được các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu mua vào chỉ 22 nghìn đồng/kg (loại 1 đạt chuẩn xuất khẩu). Chỉ tính giá thành chăn nuôi nông dân đã lỗ nặng, vậy mà vẫn phải chịu rất nhiều loại phí cho các loại chứng nhận về quy chuẩn chất lượng. Theo thống kê, hiện nay có hơn 20 loại quy chuẩn như: HACCP, SQF, SA8000, ACC, GlobalGAP, ASC... đang "vây" lấy người người nuôi cá tra Việt Nam. Trên thực tế, những chứng nhận hay quy chuẩn này không có giá trị pháp lý, mà đều do các tổ chức, các nhà bán lẻ khác nhau định ra, không phải quốc gia, thị trường nào cũng đồng ý. Các chứng nhận hầu hết đều xoay quanh bốn tiêu chí: an toàn thực phẩm, an toàn môi trường, an toàn dịch bệnh và an sinh xã hội. Cho nên các bộ quy chuẩn dù được cho là mới nhất, phù hợp nhất vẫn "dẫm" lên những quy chuẩn trước.
Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang (AFA) Lê Chí Bình cho biết: Chi phí để được cấp một chứng nhận phải tốn từ 100 triệu đồng (lần thứ nhất), tái đánh giá năm sau người nuôi phải tốn 50% mức phí. Nhưng để áp dụng được những bộ quy chuẩn về chất lượng thì người nuôi cá tra phải thuê đơn vị tư vấn, với mức phí tương đương phí cấp chứng nhận. Rồi phải đầu tư cơ sở hạ tầng, trang bị những thứ cần thiết. Hầu hết người nuôi cá tra hiện nay là nông dân, không có trình độ chuyên môn nên phải thuê kỹ sư ghi chép nhật ký chăn nuôi (từ năm triệu đồng/tháng trở lên), mỗi vụ nuôi sáu tháng phải tốn thêm từ 30 đến 40 triệu đồng. Thời hiệu của chứng nhận chỉ một năm, họ cứ tới lui đánh giá mỗi năm, nếu không đạt thì không chứng nhận cho những năm tiếp theo sẽ vô cùng tốn kém. Người nuôi cá tra ở ÐBSCL còn nhớ như in vụ Tổ chức Bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF) đưa cá tra Việt Nam vào danh sách "đỏ" hồi năm 2010. Nhưng rồi, mục đích cuối cùng của WWF là muốn người nuôi cá tra Việt Nam bỏ tiền "mua" chứng nhận ASC mà tổ chức này "đẻ" ra với lời hứa sẽ tăng giá bán và sản lượng cá tra tại thị trường châu Âu. Trước đó, vào năm 2004, sau khi "bôi xấu" cá tra Việt Nam, một tổ chức ở châu Âu cũng từng xây dựng một hệ thống chứng nhận phát triển bền vững, yêu cầu người nuôi cá tra phải áp dụng với lời hứa tương tự. Tuy nhiên, thực tế thì hoàn toàn ngược lại.
Nhà vườn trồng trái cây ở ÐBSCL cũng đang gặp cảnh lao đao vì GAP. Câu chuyện của người trồng bưởi Năm Roi, loại đặc sản nổi tiếng của Vĩnh Long là một điển hình. Những năm trước, nhà vườn trồng bưởi Năm Roi vô cùng háo hức vì thông tin đặc sản này được xuất khẩu ra nước ngoài, hy vọng sẽ được giá cao. Thế nhưng, điều kiện đặt ra là người trồng bưởi phải thực hiện theo quy trình Global GAP. Ðến khi nghe đến khoản phí "trên trời" 40 nghìn ơ-rô để được cấp chứng nhận một năm cho diện tích hơn 20 ha bưởi nguyên liệu thì nông dân tá hỏa. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, hiện là Chủ nhiệm HTX Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long cũng là một trong những nhà vườn trồng bưởi theo quy trình trên, ngán ngẩm: "Chi phí cao ngất ngưởng như vậy làm sao nông dân nghèo chúng tôi gánh nổi. Quy định của Global GAP cũng hết sức khắt khe, nông dân rất cực. Ngoài vườn phải xây dựng nhà vệ sinh riêng biệt, đúng nơi quy định. Vườn phải được phát hoang, dọn cỏ sạch sẽ. Còn phải đào hố chôn bưởi non bị rụng, bị hư. Nông dân không được phun xịt thuốc dù có bị sâu hại, chỉ cần "lọt" một vỏ bao bì thuốc trong vườn, họ kiểm tra phát hiện là đánh rớt ngay".
Năm 2008, Tập đoàn Metro Cash & Carry (Ðức) tài trợ cho nông dân Mỹ Hòa trình diễn theo quy trình Global GAP và được cấp chứng nhận trong vòng một năm, với khoản phí lên đến 40 nghìn ơ-rô và 4.000 USD. Năm sau hết hạn, nông dân không có tiền đánh giá lại quy trình cho nên cũng không được tham gia thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, theo Phó phòng Kinh tế huyện Bình Minh Lê Văn Biên, điều bất hợp lý là vào thời điểm được cấp chứng nhận hay hiện nay, bưởi Năm Roi trồng theo Global GAP cũng bị "cào bằng" giá bán với bưởi canh tác thông thường. Chính điều này không thu hút được nông dân áp dụng Global GAP vì chi phí quá cao, gây lãng phí mà không được hưởng lợi gì.
Thua ngay trên sân nhà
Trái cây Việt Nam thua ngay trên "sân nhà" thì làm sao cạnh tranh được với hàng hóa các nước trên thị trường quốc tế. Có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Chẳng hạn, diện tích trồng cây ăn trái ở ÐBSCL tuy khá lớn nhưng không tập trung. Diện tích cây đặc sản không nhiều và chất lượng sản phẩm cũng không đồng đều, không thể cung ứng lượng hàng hóa lớn có chất lượng cao cho xuất khẩu. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm cho biết, toàn tỉnh có khoảng 40 nghìn ha trồng cây ăn trái, sản lượng 450 nghìn tấn/năm. Trong đó chỉ có khoảng 7.500 ha trồng bưởi và cũng chỉ khoảng hơn hai nghìn ha bưởi Năm Roi ở huyện Bình Minh, sản lượng khoảng 26 nghìn tấn/năm. Mặt khác, bưởi Năm Roi cho đến thời điểm này chỉ được xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, thị trường thiếu ổn định, lại tiềm ẩn rủi ro bị đối tác giật nợ. Còn nhãn Việt Nam đã được xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc từ năm 1996 nhưng đến nay vẫn bấp bênh.
Theo Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền nam, hiện nay trái cây Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ trong khu vực như Thái-lan, Phi-li-pin hay Trung Quốc ngay tại thị trường trong nước. Nhiều doanh nghiệp có tham vọng xuất khẩu, trong khi lại bỏ ngỏ thị trường trong nước. Còn nhà vườn hiện chỉ sản xuất chứ chưa nắm bắt nhu cầu thị trường, không chăm chút chất lượng và hình thức sản phẩm phải đẹp để thu hút người tiêu dùng trong nước. Người nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật chưa tốt nên giá thành sản xuất còn cao. Nhiều mặt hàng cùng loại của Việt Nam về chất lượng không thơm ngon, mẫu mã không đẹp bằng hàng Thái-lan nhưng giá bán thì ngang bằng hoặc cao hơn, không cạnh tranh được. Hiện tại các siêu thị ở Việt Nam đang bán rất chạy chuối Phi-li-pin. Mặc dù chất lượng không hơn chuối Việt Nam nhưng họ đóng gói, bao bì rất đẹp, bắt mắt, thu hút người tiêu dùng ngay cái nhìn đầu tiên. Một nải chuối của họ chỉ có ba trái to nhưng giá bán từ 40 đến 50 nghìn đồng. Trong khi chuối Việt Nam mười mấy đến hai chục trái một nải, chất lượng ngon hơn nhưng không chăm chút hình thức nên bán chưa tới mười nghìn đồng. Ðây là một bài học cho nông dân, để cạnh tranh thì điều đầu tiên phải tính toán là giá, kế đến là mẫu mã đẹp, chất lượng ngon và an toàn. Có như vậy mới không bị thua trên "sân nhà".
|
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn