Nông dân được hưởng lợi
Tại Hội nghị Đối tác công - tư (PPP) trong nông nghiệp vừa được tổ chức ở Hà Nội, ông J.V. Raman, Tổng giám đốc Unilever Việt Nam, Trưởng nhóm PPP về chè nhận định, việc sử dụng thuốc trừ sâu tràn lan khiến các nhà máy chế biến chè không thể kiểm soát được hoạt động canh tác chè của nông dân. Nhằm thúc đẩy chất lượng chè Việt Nam xuất khẩu, chương trình PPP về chè đã lồng ghép hướng dẫn kỹ thuật canh tác và chế biến vào trong chuỗi sản xuất của ngành hàng, thiết lập chuỗi giá trị chè bền vững. Sau 2 năm triển khai, chương trình đã góp phần cải thiện chất lượng, hương vị chè tại những hộ tham gia dự án.
Ông Raman cho biết, năm 2012, đã có 12.000 tấn chè đạt chứng nhận RA của chương trình PPP được xuất khẩu, giúp 23.700 nông dân được hưởng lợi trực tiếp. Hiện, có 6 tỉnh đang tham gia dự án, gồm: Phú Thọ, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Yên Bái, Vĩnh Phúc và Nghệ An, phấn đấu đến năm 2015, có 30.000 - 35.000 tấn chè Việt Nam được cấp chứng nhận RA.
Nhóm PPP về càphê cũng thu hút được sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia như Bayer, Nedcoffee, Coex, Simexco,... Các doanh nghiệp này hiện đang triển khai dự án sản xuất càphê chứng nhận tại 5 tỉnh với số vốn đầu tư 350.000USD. Đến năm 2013, dự án thành lập được 120 mô hình nhóm nông dân trình diễn. Theo đó, nông dân tham gia dự án được hỗ trợ các giống càphê mới cao sản, chủ yếu là giống TR4 (tiềm năng năng suất 7,3 tấn/ha) và TR12 (năng suất 4,3 tấn/ha), được hỗ trợ 50% kinh phí cắt tỉa, phục tráng vườn càphê già cỗi. Nông dân được hướng dẫn kỹ thuật tưới tiêu mới (dựa trên độ ẩm của đất, trồng cây che bóng, phủ rơm và lá khô để làm giảm bốc hơi nước), kỹ thuật bón phân, sử dụng thuốc diệt nấm..., góp phần giảm chi phí, nâng cao năng suất, đồng thời đảm bảo chất lượng càphê theo các tiêu chuẩn chứng nhận như 4C, UTZ…
Ông Philippe Bacac, Giám đốc điều hành của Metro Cash&Carry Việt Nam cho hay, Metro Cash&Carry được chủ trì nhóm PPP về thủy sản và đang triển khai dự án chuỗi thủy sản sạch. Nông dân tham gia sẽ được giám sát các vấn đề như môi trường, thuốc và sử dụng hóa chất, quản lý chất thải. Hoạt động thu hoạch, xử lý, đóng gói và vận chuyển cũng được kiểm soát chặt chẽ, truy xuất nguồn gốc trước khi vận chuyển cá tươi đến trung tâm thu mua của Metro.
“Không chỉ tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị tại Việt Nam, thủy sản trong dự án PPP bắt đầu được xuất khẩu vào EU với giá bán khá cao: tôm tại Pháp có giá 10 euro/kg; Đức 14 euro/kg. Hiện, lượng xuất khẩu thủy sản của dự án đã đạt 954 tấn (năm 2012), mục tiêu đạt 4.000 tấn vào năm 2015. Các sản phẩm thủy sản trước khi xuất khẩu đều được cấp chứng nhận ASC cho cá tra và chứng nhận BRC cho tôm”, ông Philippe Bacac nói.
Hướng tới hiện đại hóa ngành nông nghiệp
Theo ông Shuichi Sato, Giám đốc Tập đoàn Bunge Việt Nam, cùng với các nhóm chè, càphê, thủy sản, nhóm PPP về lương thực cũng triển khai chương trình nhằm đạt mục tiêu tăng sản lượng ngô và đậu tương ở Việt Nam thêm 50% trong 3-5 năm tới. Theo đó, Bunge đã triển khai dự án thử nghiệm trồng đậu tương ở Bà Rịa - Vũng Tàu, kết quả năng suất đạt tới 1,8 tấn/ha (hiện năng suất đậu tương bình quân ở Việt Nam là 1,5 tấn/ha). Nhằm kết nối thị trường đầu ra, hiện nay dự án đã có sự tham gia của các công ty lớn như Bunge, Vinamilk,... để tiêu thụ các sản phẩm ngô, đậu tương của bà con nhằm giảm thiểu, tiến đến thay thế nhập khẩu.
“Hiện, nhóm này đang kêu gọi thành lập Hiệp hội đậu tương và ngô. Cũng trong khuôn khổ PPP về lương thực, Tập đoàn Dekalb sẽ tiến hành xây dựng Trung tâm giáo dục DEKALB về thực hành nông nghiệp để đào tạo kỹ thuật canh tác cho các chủ trang trại và nông dân, giúp họ quản lý trang trại tốt hơn, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả hơn”, ông Shuichi Sato nói thêm.
TS. Steven Jaffee, chuyên gia điều phối về phát triển nông thôn của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định, nông nghiệp Việt Nam đã có những tiến bộ lớn trong nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng sản phẩm vẫn còn nhiều điều phải bàn; chuỗi cung ứng nông sản phân mảnh, rời rạc, thất thoát sau thu hoạch cao. Đây là những thách thức lớn và phải cần đến sự hợp tác công - tư để cùng chung tay giải quyết. Đầu năm 2013, 24 tổ chức gồm 18 ngân hàng và 6 tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam đã cùng với WB thảo luận để tiến hành xây dựng một dự án quy mô: Hiện đại hóa nông nghiệp tại Việt Nam”.
Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch Ban công tác PPP cho biết, không chỉ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà kể cả đầu tư công và đầu tư toàn xã hội vào nông nghiệp hiện nay vẫn thấp. Nhiều ngành hàng nông nghiệp chiến lược của Việt Nam có vị trí quan trọng, nhưng mới chỉ có ưu thế về sản lượng, còn giá bán luôn ở thế yếu. Vì vậy, chúng ta rất cần có sự đầu tư, tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn để nâng cao giá trị gia tăng cho hàng nông sản và tạo thành thị trường tiêu thụ bền vững.
Tuy mới qua 2 năm triển khai nhưng có thể khẳng định: PPP đang là nhân tố chiến lược trong chương trình phát triển nông nghiệp của Việt Nam.
Chu Khôi (kinhtenongthon.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn