Ngày 3/9 sẽ có cuộc họp lần 3 để 2 bên tiếp tục thương lượng tìm ra phương án. Tuy nhiên, vấn đề là nếu cả Tổng LĐLĐVN và VCCI cùng kiên quyết bảo lưu quan điểm của mình thì chắc chắn cuộc họp lần 3 cũng vẫn sẽ chẳng thể giải quyết được vấn đề.
Trở lại câu chuyện của người lao động, PGS-TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, tại một cuộc hội thảo về đời sống của người lao động ngày 13/8, đã phải chua chát dùng những từ như: tình cảnh, vất vưởng, rẻ mạt... để nói về đời sống, thu nhập của công nhân lao động qua một khảo sát mới được thực hiện.
Theo khảo sát được thực hiện tại 10 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Yên Bái, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thừa Thiên -Huế, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Bến Tre) với 60 doanh nghiệp thuộc 4 vùng lương và một số loại hình doanh nghiệp. So sánh giữa thu nhập và chi tiêu, người lao động cho biết, cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn: có 19,9% người lao động (NLĐ) được hỏi đã trả lời thu nhập “không đủ sống”; 31,3% phải chi tiêu tằn tiện và rất tiết kiệm; 40,7% vừa đủ trang trải cho cuộc sống; chỉ có 8% cho biết có dư dật và có tích lũy.
Thực tế, những khó khăn về đời sống của người công nhân có thể thấy rõ nhất ở những đô thị lớn, ví dụ như tại Hà Nội, để có thể đảm bảo được nhu cầu cuộc sống tối thiểu, một công nhân phải chi tiêu mức tối thiểu là 4 triệu đồng/tháng, thế nhưng lương tối thiểu vùng theo quy định hiện mới chỉ đạt 3,1 triệu đồng/người/tháng.
Theo Tổng LĐLĐVN thì kể cả trong trường hợp lương tối thiểu vùng tăng 16,8% như đề xuất của Tổng LĐLĐVN thì thu nhập của người lao động vẫn thấp hơn mức sống tối thiểu 10%. Thế nhưng, đại diện cho giới sử dụng lao động VCCI là kiên quyết không chấp nhận mức đề xuất này. Ban đầu, VCCI chỉ đề xuất mức tăng 6-7%, sau khi hội ý, VCCI mới tiếp tục đưa ra đề xuất 10%. Cũng chính vì VCCI quyết liệt bảo vệ quan điểm chỉ tăng 10% mà cuộc họp lần 2 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia lần 2 tiếp tục đổ bể. Tại cuộc họp này, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính đã khẳng định, Tổng LĐLĐVN đã tính đến khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Hiện nhiều doanh nghiệp đã trả người lao động mức lương từ 4,4 triệu đồng/tháng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh khoảng 4,9 triệu đồng/tháng, cũng có nhiều doanh nghiệp trả 5 triệu đồng/tháng hoặc hơn. Như thế, việc tăng lương tối thiểu vùng như đề xuất 16,8% cũng không thực sự ảnh hưởng quá lớn đến “sức khỏe” của doanh nghiệp.
Theo ông Chính, bản chất ở đây khi lương tối thiểu tăng là doanh nghiệp chỉ lấy mức này đóng BHXH cho người lao động, khi chúng ta tăng lương tối thiểu tức là tiền đóng BHXH, BHYT cho người lao động tăng, nhưng mức tăng đó không nhiều và nằm trong khả năng chi trả của doanh nghiệp. Chính vì thế, Tổng LĐLĐVN vẫn bảo lưu giữ mức từ 350.000- 550.000 đồng, tất nhiên còn thương lượng. Nhưng quan điểm của Tổng LĐLĐVN vẫn giữ nguyên đề xuất.
Theo như PGS, TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thì đừng nên cò kè bớt một thêm hai với người lao động khi mà nhiều người trong số họ đang phải sống dưới mức tối thiểu. Càng không thể phó mặc đời sống của 15 triệu lao động, không thể để cho họ vất vưởng, dặt dẹo, sống bằng mức năng lượng “làm việc không ra làm việc, chơi cũng chẳng ra chơi”!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn