Để đẩy mạnh tiêu thụ RAT, đòi hỏi các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm địa điểm kinh doanh.
Lựa chọn rau an toàn tại Siêu thị Fivimart, Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam
Thiếu địa điểm kinh doanh
Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) than phiền: Hapro đã xây dựng 23 điểm kinh doanh RAT cố định, nhưng việc mở rộng địa điểm kinh doanh lưu động đang gặp rất nhiều khó khăn. Những điểm bán RAT được UBND quận bố trí tại chợ đều có vị trí không thuận lợi, không đảm bảo VS ATTP. Ngoài ra, Hapro còn phải thuê địa điểm bán hàng trong chợ... Điều này khiến RAT không thể cạnh tranh được với các hộ tiểu thương khi mà trung bình mỗi ngày chỉ tiêu thụ được 200 - 300kg. Thu không đủ bù chi, càng bán càng lỗ, nhiều cửa hàng RAT đã phải đóng cửa.Theo bà Vũ Thị Hậu, Phó Giám đốc Công ty Nhất Nam, việc tìm kiếm địa điểm bán hàng lưu động cũng không dễ, những điểm do Sở Công Thương giới thiệu chủ yếu nằm ở khu vực ngõ hẹp, khu đất trống ngoài trời, vỉa hè… ảnh hưởng đến giao thông nên chính quyền địa phương đều không đồng ý cho tổ chức.
Thực tế cho thấy, việc tiêu thụ RAT gặp nhiều khó khăn còn do nguồn cung tuy lớn nhưng phân tán, thiếu ổn định; Doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh rau an toàn ít, quy mô nhỏ, thiếu bền vững. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền đến người tiêu dùng về RAT chưa được các địa phương chú trọng, khiến người tiêu dùng ít quan tâm đến việc sử dụng RAT trong bữa ăn hàng ngày.Ngay cả việc triển khai Kế hoạch 140/KH-UBNDTP về lưu chuyển, tiêu thụ rau, củ quả an toàn vào nội thành Hà Nội cũng triển khai rất chậm, tính đến ngày 20/11 trên địa bàn 4 quận nội thành mới chỉ tổ chức được 56 điểm bán RAT.
Gỡ khó, cách nào?
Để sản phẩm RAT đến tay người tiêu dùng, việc mở rộng địa điểm kinh doanh cố định và lưu động là bài toán cần có lời giải đáp. Giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu sản phẩm xanh Việt Nam, Nguyễn Thành Lưu (DN tổ chức sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội) nêu kinh nghiệm mở địa điểm tiêu thụ RAT tại các khu dân cư, cơ quan theo hướng DN báo giá sản phẩm từ đơn vị sản xuất đến từng điểm phân phối để người tiêu dùng lựa chọn, đăng ký số lượng. Sau đó, DN gửi đơn hàng đến các cơ sở sản xuất vận chuyển đến tận tay người tiêu dùng. Mô hình này dù mới hoạt động từ tháng 9/2011 nhưng đến nay đã phát triển được hơn 40 tổ tiêu dùng tại khu vực nội thành. Sản lượng rau quả của các cơ sở sản xuất tiêu thụ qua sàn khoảng 1,2 đến 1,3 tấn/ngày.
Để hỗ trợ DN đẩy mạnh tiêu thụ RAT, Sở Công Thương Hà Nội mới đây đã có văn bản đề xuất TP có kinh phí hỗ trợ DN trong việc mở rộng điểm bán và quảng bá tuyên truyền với mức từ 1 - 1,5 triệu đồng/điểm bán RAT có lượng bán dưới 50kg/ngày; 2 triệu đồng/điểm bán RAT cho các điểm bán trên 50kg/ngày.
Tại buổi làm việc tìm giải pháp tiêu thụ RAT do UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 20/11, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu chỉ đạo: UBND các cấp cần đẩy mạnh phối hợp với DN trong việc mở rộng điểm kinh doanh RAT; tạo điều kiện về điện, nước đảm bảo an ninh trật tự tối đa cho DN kinh doanh RAT; tăng cường hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương đưa RAT đến người tiêu dùng. Phó Chủ tịch cũng yêu cầu DN nên tận dụng các sân chơi, nhà văn hóa tại các khu tập thể, chung cư để xây dựng điểm bán hàng lưu động trong những giờ nhất định; cho phép DN mở điểm bán RAT trên những đoạn vỉa hè phù hợp, không ảnh hưởng đến an toàn giao thông; từ nay đến hết ngày 30/11, Sở Xây dựng phải lựa chọn được 10 điểm bán RAT tại các khu chung cư trên địa bàn Hà Nội. TP cũng sẽ hỗ trợ kinh phí cho DN trong việc quảng bá sản phẩm, địa điểm.
Cùng với sự hỗ trợ của UBND TP, các DN tham gia chương trình kinh doanh RAT cũng cần đẩy mạnh hơn nữa việc tìm kiếm địa điểm kinh doanh phù hợp, tổ chức kinh doanh RAT theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Lê Nam
Nguồn:ktdt.com.vn