Tạm trữ 1 triệu tấn gạo: Nông dân chưa được hưởng lợi
Nguyên nhân là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thời điểm này cũng là lúc nông dân thu hoạch gần xong vụ lúa Đông Xuân 2013-2014 và lỡ bán cho thương lái vào thời điểm giá lúa thấp nên không có lợi nhuận như mong muốn.
Hết lúa trước chương trình
Ông Nguyễn Văn Luốc, ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ trồng hơn 3ha lúa đông xuân. Ông Luốc cũng đã thu hoạch xong trước tháng Ba và sau khi trừ chi phí, ông thu lợi 30 triệu đồng/ha. Vì vậy, đến khi có chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo, ông không còn lúa để bán.
Là thương lái thu mua lúa của các hộ dân, bán lại cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu, ông Phạm Văn Liệt, trú tại xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ cho biết chỉ trong một tuần giá lúa lúc lên lúc xuống làm thương lái gặp khó.
Đầu tuần, khi đặt hàng với các hộ dân thì doanh nghiệp mua gạo với giá 9.600 đồng/kg, tương đương 5.400 đồng/kg lúa. Nhưng đến khi nông dân thu hoạch, chở lúa đến giao thì giá gạo chỉ còn 9.100 đồng/kg, tương đương 4.800 đồng/kg lúa. Vì vậy, hai ngày trước mua với giá từ 5.000-5.200 đồng/kg lúa, nông dân còn chịu bán, nhưng hai ngày sau, không ai chịu bán lúa với giá 4.800 đồng/kg. Hơn nữa, thời điểm này lúa ngoài đồng cũng không còn nhiều.
Ông Liệt cho biết thêm mỗi khi thu gom lúa, ông đều đầu tư chi phí ghe vận chuyển và chi phí sấy lúa, chế biến thành gạo mới bán cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp mua gạo với giá thấp, ông cũng phải mua giá lúa giá thấp, nếu mua với giá cao, thương lái sẽ không còn vốn để thu mua nữa. Hơn nữa, khi thu mua lúa của nông dân, chỉ cần lời 100 đồng/kg lúa, ông chấp nhận mua ngay chứ không chờ lãi nhiều.
Theo ông Huỳnh Văn Dũng Em, ấp Thạnh Thanh, xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, đầu vụ thu hoạch, giá lúa đạt 5.200 đồng/kg, nhưng đến nay chỉ còn 4.800 đồng/kg. Dù lúa ngoài đồng không còn nhiều, nhưng cũng không có người chịu mua lúa, nông dân thu hoạch xong phải vận chuyển đến nhà máy sấy, chờ giá tăng.
Đối với những người sản xuất với diện tích lớn, dù giá lúa xuống thấp, sau khi bán lúa họ vẫn có thể lấy lãi để xoay vòng vốn cho vụ lúa sau, còn những nông dân sản xuất nhỏ lẻ, vài nghìn mét vuông đành bán đổ, bán tháo với giá rẻ để có tiền lo vật tư nông nghiệp, chi phí thuốc bảo vệ thực vật cho vụ sau.
Nông dân chưa hưởng lợi nhiều
Chương trình thu mua tạm trữ đưa ra chậm hơn so với thời điểm thu hoạch rộ. Vì vậy, hơn một nửa diện tích đã thu hoạch xong, điều này cũng đồng nghĩa, nhiều nông dân không được hưởng lợi từ chương trình.
Ông Đỗ Xuân Phúc, Phó phòng nông nghiệp huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ cho biết diện tích sản xuất lúa của huyện khoảng 25.600 ha, khi phòng nông nghiệp huyện nhận được thông báo từ chương trình tạm trữ thì toàn huyện đã thu hoạch được 24.800ha, chiếm hơn 96% diện tích.
Dù đầu vụ năng suất cao hơn cùng kỳ năm ngoái (khoảng 8 tấn/ha), nhưng đến giữa vụ, năng suất lại giảm, khoảng 7,7 tấn/ha. Giá lúa hiện nay chỉ còn 4.900 đồng/kg, làm cho lợi nhuận của nông dân giảm, chỉ đạt 30 triệu đồng/ha, thay vì 35 triệu đồng/ha như đầu vụ. Như vậy, với thông báo chậm này, người sản xuất lúa chưa được hưởng lợi.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, huyện xuống giống lúa đông xuân đạt 46.000 ha, năng suất khoảng 8,5 tấn/ha, có hộ đạt 9 tấn/ha. Giá lúa đầu vụ đạt 5.700 đồng/kg, nhưng đến giữa vụ, giá lúa thơm nhẹ chỉ còn 4.700-4.800 đồng/kg, lúa IR50404 còn 4.100 đồng/kg (đầu vụ lúa IR 50404 có giá 4.500 đồng/kg).
“Tại Giồng Riềng có hai doanh nghiệp chấp nhận bao tiêu lúa cho nông dân ngay từ đầu vụ, nhưng lại không ký một hợp đồng ràng buộc nào. Đến khi thu hoạch, giá lúa đã xuống thấp, nông dân phải mang lúa đến kho doanh nghiệp để bán trong khi điều kiện giao thông, phương tiện vận chuyển không thuận lợi làm nông dân mất chi phí không nhỏ,” ông Châu Minh Chiến, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Giồng Riềng cho biết.
Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Nông trường Cờ Đỏ cho rằng Công ty Cờ Đỏ có hai chức năng chính là tổ chức sản xuất lúa tại vùng nguyên liệu của công ty có diện tích 6.664ha với hai vụ lúa mỗi năm. Diện tích sản xuất của nông trường đạt 95% cánh đồng một giống Jasmine 85. Với giá lúa cao hơn lúa thường từ 800-1.000 đồng/kg, nông dân trong nông trường thu lãi từ 35-40 triệu đồng/ha.
Theo ông Khải, ngày 15/3, công ty nhận chỉ tiêu tạm trữ của Hiệp hội lương thực Việt Nam là 8.000 tấn lúa hoặc 5.000 tấn gạo. Trong khi đó, công ty đã thu mua lúa của nông dân trong nông trường bắt đầu từ ngày 17/2. Đến ngày quy định tạm trữ đã lưu kho 27.000 tấn lúa và như vậy, lượng lúa mua trực tiếp của nông dân trước đó không được hỗ trợ tạm trữ.
Vì vậy chính sách này không khuyến khích doanh nghiệp mua lúa trực tiếp của nông dân và nông dân cũng không được lợi từ chính sách, do trước đó công ty đã thu mua và trữ lúa đầy kho./.
Theo TTXVN |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn