Tạm trữ lúa gạo là hỗ trợ thị trường, không phải là bao tiêu sản phẩm
Thứ năm - 13/06/2013 20:02
Xây dựng Thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A, có thể khiến rừng Cát Tiên sẽ bị mất 137 ha, vấn đề này một lần nữa được đại biểu Trương Văn Vở đưa ra Quốc hội tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát.
Ông Trương Văn Vở đề nghị Bộ trưởng nói rõ trách nhiệm của mình đến đâu trong việc quán triệt chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội kiên quyết giữ rừng phòng hộ, đặc dụng và Bộ trưởng có đồng tình loại dự án thuỷ điện này ra khỏi Tổng sơ đồ điện VII không?
Trả lời không né tránh, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: “Tôi đã vào tận nơi sẽ đặt dự án để kiểm tra tình trạng rừng, dù mới chỉ vào một nơi thôi. Quan điểm của chúng tôi là hạn chế lấy rừng ở các khu rừng đã được quy hoạch là đặc dụng hay rừng phòng hộ, những nơi xung yếu vì lợi ích chung của xã hội. Trong trường hợp thực sự cần thiết (phải lấy rừng) thì thực hiện theo quy định của luật pháp”.
“Chúng tôi sẽ báo cáo trung thực về việc lấy đất rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng trong dự án này”, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định trước Quốc hội.
Sau phần trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát, đại biểu Trương Văn Vở chủ động bấm nút phát biểu bày tỏ rằng “Cử tri Đồng Nai trân trọng cám ơn Bộ trưởng về trách nhiệm của mình. Quan điểm của Bộ trưởng là rõ ràng, thực hiện đúng theo quy định của pháp luật”.
Liên quan đến đất rừng, Bộ trưởng Cao Đức Phát và Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng trả lời chất vấn của đại biểu Tô Văn Tám (tỉnh KonTum) việc chủ đầu tư dự án sau khi sử dụng đất rừng đã trồng lại quá ít diện tích (327ha/300.000 ha) hoặc cây rừng được trồng lại chỉ sống được 76%?
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, thời gian qua các chủ đầu tư thực hiện chưa tốt việc trồng lại đất rừng bị mất do làm dự án. Bộ đã đề nghị Chính phủ kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư phải khắc phục, nếu không sẽ có chế tài.
Tuy nhiên do quỹ đất còn lại của địa phương không đủ để bố trí cho doanh nghiệp trồng rừng thay thế. Vì vậy, hai Bộ trưởng đều cho rằng đang kiến nghị Chính phủ áp dụng cơ chế trồng rừng ở địa bàn khác hoặc nhà đầu tư giao kinh phí cho địa phương để trồng rừng phân tán.
Chốt lại nội dung này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Bộ tiếp tục báo cáo Chính phủ thực hiện các giải pháp trên, để đến kỳ họp thứ 6 báo cáo Quốc hội kết quả.
Tạm trữ lúa gạo là hỗ trợ thị trường, không phải là bao tiêu sản phẩm
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) chất vấn chính sách mua tạm trữ lúa gạo không đúng lịch thời vụ và đặt câu hỏi người nông dân được hưởng lợi bao nhiêu phần trăm từ chính sách này?
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Chính phủ mua tạm trữ lúa gạo như một biện pháp để hỗ trợ thị trường chứ không phải để bao tiêu nông sản cho nông dân.
Việc thu mua tạm trữ diễn ra vào thời điểm thu hoạch rộ nhất và không thể phù hợp với tất cả các tỉnh. Bộ trưởng nêu thực trạng “khi tỉnh Đồng Tháp đã thu hoạch 70% diện tích lúa hè thu, thì tỉnh Bến Tre bắt đầu xuống giống; trong khi Hậu Giang mới thu hoạch 10% diện tích lúa hè thu, còn An Giang mới bắt đầu thu hoạch… nên không thể nào có 1 chương trình đáp ứng được tất cả các địa phương.
Về câu hỏi, người nông dân hưởng lợi như thế nào trong chính sách tạm trữ lúa gạo, Bộ trưởng cho biết việc mua tạm trữ giúp cho giá không bị xuống vào lúc thu hoạch rộ, theo đó người nông dân được hưởng lợi ở chỗ giá được nâng lên. “Thực tế sau khi mua tạm trữ, giá lúa vụ đông xuân được nâng lên khoảng 100 - 150 đồng /kg. Ngay vụ hè thu này, khi Chính phủ vừa mới công bố mua tạm trữ thì giá cũng đã lên 200 đồng/kg”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) đặt vấn đề người nông dân tuy phải chịu rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng lại đang phải chịu “lỗ kép” do giá nông sản liên tục giảm nhưng chi phí sản xuất ngày càng tăng.
Từ đó, đại biểu chất vấn Bộ trưởng về giải pháp đột phá để giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững, người nông dân yên tâm phát triển bền vững trên mảnh đất của mình.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết trước khó khăn hiện nay của cả nền kinh tế, ngành nông nghiệp đã nhận thức đầy đủ, rõ ràng những khó khăn, vấn đề đang đặt ra.
“Chúng tôi thấy rằng, giải pháp quan trọng, đột phá là triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó ưu tiên các giải pháp nâng cao giá trị cho sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới”.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết, ngành Nông nghiệp, Phát triển Nông thôn đã hoàn thiện đề án tổng thể tái cấu trúc ngành và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện đã có bàn bạc, phân công trong Bộ, sắp tới sẽ triển khai trong toàn ngành.
Trả lời câu hỏi thứ 2 của đại biểu Trần Hoàng Ngân, đề nghị Bộ trưởng nêu quan điểm về việc có cần thiết hay không một gói giải pháp cụ thể, trực tiếp để hỗ trợ cả về vốn, lãi suất cho nông dân, Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu nhiều khó khăn của ngành hiện nay. Từ đó, Bộ trưởng cho rằng rất cần sự hỗ trợ của nhà nước mạnh mẽ hơn cho nông nghiệp, nông thôn.
Phát biểu sau khi Bộ trưởng Cao Đức Phát kết thúc phần trả lời, đại biểu Trần Hoàng Ngân chia sẻ những khó khăn của ngành, đồng thời đánh giá cao những giải pháp của Bộ trưởng và ngành Nông nghiệp. Bên cạnh đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng Bộ trưởng cần quyết liệt hơn nữa trong việc huy động nguồn lực, kêu gọi sự hỗ trợ, chia sẻ trách nhiệm của Chính phủ cũng như toàn xã hội với người nông dân.