Ngày 7/12, tại Hà Nội, Cơ quan phát triển Quốc tế Mỹ tại Việt Nam (USAID) phối hợp Hội Nông dân tổ chức Hội thảo chia sẻ mô hình truyền thông thay đổi hành vi trong phòng chống các bệnh truyền nhiễm và cải thiện an toàn thực phẩm.
Tiêm vắcxin phòng chống dịch cho gia cầm. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
Dự án Sáng kiến Cúm gia cầm và Đại dịch của USAID (10/2009-9/20120) đã đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi nhằm cải thiện an toàn thực phẩm và giảm nguy cơ dịch bệnh liên quan đến gia cầm tại Việt Nam.
Trong ba năm qua, dự án phối hợp với chính quyền năm tỉnh gồm Cần Thơ, Hà Nam, Hưng Yên, Kiên Giang, Quảng Trị để cải thiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bằng việc chia sẻ các bài học kinh nghiệm và vận động triển khai phương thức tiếp cận mới, dự án đã hỗ trợ các đối tác, lãnh đạo địa phương áp dụng và nhân rộng các mô hình trong các lĩnh vực như nâng cao năng lực cho cán bộ thú y, khuyến nông, giảm nguy cơ và củng cố chuỗi cung ứng gia cầm, kiểm soát nhiễm khuẩn, giám sát dịch dựa vào cộng đồng, kế hoạch ứng phó với đại dịch và truyền thông thay đổi hành vi được lồng ghép vào các mô hình trên.
Dự án đã xây dựng cách tiếp cận mới đối với vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm giảm bớt nguy cơ lây truyền dịch bệnh đối với người chăn nuôi, kinh doanh và giết mổ gia cầm cũng như khách hàng tại các chợ và các cơ sở giết mổ tại địa phương.
Các tài liệu truyền thông, tập huấn, chiến dịch truyền thông, các sự kiện cộng đồng đã được xây dựng và tổ chức truyền thông thuyết phục cộng đồng thay đổi cách chăn nuôi, kinh doanh và chế biến gia cầm và các sản phẩm gia cầm để đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như giảm nguy cơ làm lây truyền dịch bệnh.
Sau khi thực hiện thành công mô hình này ở năm tỉnh nói trên, hiện nay, USAID đã xây dựng tài liệu và chia sẻ mô hình này tới nhiều tỉnh khác cũng như phối hợp với các cơ quan trung ương và các dự án quốc gia trong lĩnh vực y tế.
Dự án cũng đang phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam áp dụng vào các trường đào tạo nghề tại các tỉnh thành./.