Nông nghiệp, nông dân và nông thôn là vấn đề không chỉ nước ta mà nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm. Ở Việt Nam, gần 80% dân số sống ở nông thôn và trên 70% lao động nông nghiệp, nông thôn, trong đó đa phần có kỹ năng nghề rất thấp; sản xuất nông nghiệp vẫn mang nặng tính truyền thống. Báo SGGP xin trích đăng bài viết của Tiến sĩ Ngô Quốc Trung (Việt kiều ở Ba Lan) về vấn đề này.
Nông dân cần dạy nghề
Những năm gần đây, do tác động của quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh trên một số vùng của đất nước đã dẫn đến tình trạng mất cân đối về cung, cầu lao động giữa nông thôn và thành thị. Mỗi năm có hàng trăm ngàn lao động phổ thông từ nông thôn đổ xô ra thành phố tìm việc làm. Sở dĩ có tình trạng như vậy vì nhiều năm liền chúng ta chưa chú ý đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) một cách bài bản, chưa làm tốt vấn đề phân công lao động trong nông nghiệp.
|
Lao động nông thôn đang thu hoạch cá bằng cách thủ công, hiệu quả thấp. |
Trong cơ cấu GDP, nông nghiệp vẫn chiếm 25%, trong khi đó ở các nước phát triển, tỷ trọng nông nghiệp trong GDP chỉ còn 3%. Điều này cho thấy để bắt kịp trình độ của thế giới, Việt Nam phải nỗ lực rất nhiều để tạo sự bứt phá mạnh mẽ, trong đó quan trọng nhất là đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn. Thực trạng nông dân hiện nay đa phần sản xuất nhỏ lẻ, kỹ thuật sản xuất thấp, thiếu tổ chức sản xuất với quy mô lớn và đầu tư vốn lớn.
Yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp và công nghiệp hóa đất nước, nhất định phải tiến hành đào tạo chuyển nghề cho LĐNT và đào tạo nâng cao trình độ cho nông dân. Mục tiêu đào tạo nghề cho 1 triệu LĐNT/năm nhưng cơ sở, trường lớp đào tạo hiện còn chưa đáp ứng. Cái khó nhất là đào tạo lao động phi nông nghiệp có việc làm và thu nhập ổn định.
Đào tạo nghề cho nông dân góp phần tạo việc làm cho họ, đặc biệt là những vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Bởi thực tế, khi chuyển đổi mục đích, nhiều thách thức, khó khăn đặt lên vai nông dân và ảnh hưởng đến công tác dạy nghề cho họ.
Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng LĐNT, nhưng mạng lưới cơ sở dạy nghề cho LĐNT hiện còn rất thiếu, quy mô nhỏ, chất lượng hạn chế chưa đáp ứng được với nhu cầu chuyển dịch cơ cấu LĐNT.
Từ học nghề nông dân đã có những thay đổi trong cách thức trồng trọt và chăn nuôi. Bà con đã biết bố trí cơ cấu cây, con phù hợp và đưa các giống mới có năng suất cao vào sản xuất, chăn nuôi, thâm canh tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất và hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Phát huy kiến thức
Một trong những thực trạng đáng báo động hiện nay ở nông thôn là hiện tượng “già hóa, nữ hóa” lực lượng lao động sản xuất nông nghiệp. Hiện nay LĐNT trực tiếp làm nông nghiệp chủ yếu có tuổi tương đối cao, còn thanh niên thường rời quê đi làm ăn xa. Do đó, đối tượng học nghề khó tiếp thu kiến thức. Nông dân hiện vẫn chủ yếu sản xuất nông nghiệp, theo kinh nghiệm, thói quen. Với họ, nếu có thể chỉ hăng hái tham gia khóa học 1-2 buổi, còn học 2-3 tháng cho từng nghề sẽ rất khó khăn, ít người tham gia.
Một trong những điều kiện bắt buộc trong đào tạo là phải cân đối cung cầu của thị trường lao động, ngành nghề đào tạo cho phù hợp. Đồng thời cần mở rộng, nâng cao hơn nữa tầm mức dự báo nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên. Cần sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp sử dụng lao động để tư vấn hướng nghiệp tốt, định hướng cho sinh viên, học sinh và đào tạo đúng nhu cầu của xã hội.
Mặt khác, các trường đại học, cao đẳng kỹ thuật, trung tâm dạy nghề… phải báo cáo tình hình việc làm của sinh viên, học sinh sau khi ra trường thì mới cấp chỉ tiêu tuyển sinh. Nếu không nắm được tình hình sinh viên, học sinh tốt nghiệp có việc làm hay không thì khó nói đến hiệu quả. Bởi, có được thông tin này mới có thể tìm hướng thay đổi chương trình đào tạo cho phù hợp. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng cũng nên mời các thợ giỏi, lãnh đạo kỹ thuật giỏi của doanh nghiệp tham gia giảng dạy theo chuyên đề…, tránh dạy chay, học chay.
Rất đáng buồn là trong các báo cáo, chương trình dạy nghề chưa thấy nhắc đến việc phát huy kiến thức của các Việt kiều trong công tác đào tạo đại học và nghề. Bởi không ít Việt kiều là các nhà khoa học và các chuyên gia kỹ thuật giỏi, tại sao nhà nước không huy động kinh nghiệm, chất xám, ngoại ngữ, vật chất… để phục vụ cho công tác đào tạo.
Theo ipsard.gov.vn