Với việc làm này, ông Đinh Văn Tính đã đi đầu trong cuộc vận động “Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn”. Mô hình nuôi cá thương phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao của ông Tính mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Vui với cá, tôm

Đoàn cán bộ, hội viên Hội ND tỉnh Ninh Bình, thăm quan, trao đổi tại trang trại nuôi cá của gia đình ông Tính. Ảnh: L.B

Đoàn cán bộ, hội viên Hội ND tỉnh Ninh Bình, thăm quan, trao đổi tại trang trại nuôi cá của gia đình ông Tính. Ảnh: L.B

Chúng tôi tìm về thăm trang trại nhà ông Tính đúng lúc đang mùa thu hoạch cá. Ông Tính kể: “Trước đây tôi làm lái máy xúc, máy ủi, nhưng khi bị bệnh sức khỏe giảm sút tôi và gia đình đã bàn bạc để nhận thầu của xã những mảnh ruộng kém hiệu quả, dồn điển đổi thửa chuyển từ trồng lúa sang nuôi cá bán thâm canh”. Nuôi cá từ năm 2001, nguồn vốn ban đầu chủ yếu là của gia đình, khi quyết tâm làm lớn ông Tính đã mạnh dạn vay thêm của anh em, bạn bè để mở rộng diện tích. Hiện tại, tổng diện tích nuôi cá của ông là 3ha với 7 ao nuôi gồm các loại như cá quả, trắm, chép, tôm càng xanh… Ông Tính cho hay, khoảng thời gian từ khi thả đến thu hoạch cá là 10 - 12 tháng, tức là một năm sẽ thu được một vụ cá trên tổng diện tích 3ha ao. Sản lượng cá thu được khoảng 2 - 2,5 tấn/ha/vụ; tổng sản lượng cá trong 1 năm xấp xỉ 6 tấn. Với giá bán bình quân 40.000/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, một năm gia đình ông Tính lãi khoảng 150 triệu đồng trên 3ha cá các loại.

Mặc dù nuôi cá cho lợi nhuận cao và ít rủi ro. Tuy nhiên, đầu tư cho 1 lứa cá rất tốn kém. Vì vậy, gia đình ông Tính đã chọn cách nuôi thả cá theo một quy trình khép kín bao gồm cả khâu sản xuất giống đến khâu chăm sóc và xuất bán để tiết kiệm chi phí đầu tư.

Dẫn chúng tôi tới bể ương cá giống, ông Tính trò chuyện: “Cá giống do chính tay tôi nuôi, vừa là để thả ao nhà mình, vừa bán cho những ai có nhu cầu. Bắt đầu từ giai đoạn tách trứng, sau đó ủ trong bể nước phải luôn ấm… đến lúc cá lớn từng giai đoạn mình đều phải quan tâm”.

Tư vấn, hỗ trợ kinh nghiệm bà con

Là một trong những hộ nông dân đi đầu trong việc cam kết “Nói không với thực phẩm bẩn”, ông Tính không những quan tâm đến quá trình sinh trưởng của đàn cá mà ông còn nghiên cứu lựa chọn các loại thức ăn đạt chuẩn và thường xuyên khử trùng ao nuôi bằng các loại thuốc thảo dược được chiết xuất từ các loại lá cây thuốc mà ông sưu tầm để đảm bảo an toàn cũng như nâng cao chất lượng cá thương phẩm.

Mỗi lần xuất bán cá, các thương lái đều về tận gia đình ông Tính để thu mua. Đến nay, khi thị trường ngày càng mở rộng với nhu cầu ngày càng tăng thì việc nuôi cá của ông Tính dường như đã ổn định với một quy trình khép kín đảm bảo từ đầu vào đến đầu ra. Ngoài thu nhập chính từ cá, gia đình ông Tính còn chăn nuôi lợn, trâu và bò để tăng thêm thu nhập. Mỗi năm đem lại tổng thu nhập (sau khi trừ chi phí) là 200 triệu đồng mỗi năm.

Bà Phạm Thị Thu Hiền – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Viễn cho biết: “Mô hình nuôi cá thương phẩm của ông Tính hiện nay là một trong những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi được nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện áp dụng. Nắm bắt được nhu cầu này của hội viên, chúng tôi thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cùng với đó là hỗ trợ hội viên vay vốn ưu đãi Quỹ Hỗ trợ nông dân để phát triển kinh tế. Gia đình ông Tính là một trong những hộ được giải ngân vay vốn ưu đãi nguồn vốn quỹ hỗ trợ. Mong sẽ có nhiều hộ nông dân chuyển đổi thành công và hướng tới liên kết sạch”. 

"Tương lai tôi sẽ phát triển nuôi cá thương phẩm theo hình thức thâm canh, nuôi hoàn toàn bằng cám công nghiệp hướng tới nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP”. 

Theo entrenews.vn