Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại. |
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đã bắt đầu hồi phục nhờ việc nhiều doanh nghiệp đã kịp đáp ứng các quy định mới và tăng xuất khẩu chính ngạch.
Theo VASEP, trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc chỉ đạt 572 triệu USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ 2018. Những nguyên nhân quan trọng khiến cho xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc bị sụt giảm là nước này tăng cường kiểm soát thương mại biên mậu và kiểm soát chất lượng.
Bà Lê Hằng, PGĐ Trung tâm VASEP PRO, cho biết, từ 1/5/2018, sau khi Hải quan Trung Quốc phụ trách kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) đối với thủy sản xuất nhập khẩu, họ đã có những động thái siết chặt việc mua bán thủy sản qua đường tiểu ngạch, đồng thời tăng cường kiểm tra ATTP với thủy sản nhập khẩu qua đường chính ngạch. Nhiều doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam, vốn quen xuất khẩu tiểu ngạch, lại không cập nhật đầy đủ thông tin về những quy định mới của Hải quan Trung Quốc đối với thủy sản nhập khẩu chính ngạch, nên đã bị bất ngờ, lúng túng khi bị cấm xuất qua đường tiểu ngạch.
Tôm, cá tra... là những mặt hàng bị ảnh hưởng không nhỏ khi Trung Quốc siết chặt thương mại biên mậu, bởi nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường này. 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc gặp khó khăn do bị siết chặt đường tiểu ngạch và biên mậu, đã góp phần làm cho giá tôm nguyên liệu ở Việt Nam chưa thể hồi phục.
Bên cạnh đó, Hải quan Trung Quốc còn yêu cầu các mặt hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phải nằm trong danh mục 120 loài đã được đánh giá và cho phép nhập khẩu vào Trung Quốc. Thủy sản nhập khẩu vào Trung Quốc phải có chứng nhận kiểm dịch, giấy C/O, bao bì đóng gói phải có tiếng Trung và tiếng Anh, phù hợp với tiêu chuẩn đóng gói của Trung Quốc…
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể đã không nắm rõ những quy định đó nên trong nửa đầu năm nay không đưa được hàng vào Trung Quốc. Một ví dụ điển hình là ở mặt hàng mực khô. Nhiều địa phương từ đầu năm đến nay không xuất được sang Trung Quốc vì không có trong danh mục sản phẩm được nhập khẩu chính ngạch vào nước này. Do đó, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu mực khô sang Trung Quốc bị giảm tới 80%.
Tuy nhiên, từ tháng 6, nhất là trong tháng 7 vừa qua, xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản sang Trung Quốc đã lấy lại được đà tăng trưởng, thậm chí là tăng trưởng tốt. Nguyên nhân chính là các doanh nghiệp đã dần đáp ứng được các quy định mới của Trung Quốc, và đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch thay thế tiểu ngạch.
Tôm hùm, món ăn đặc biệt yêu thích của người Trung Quốc cần thích ứng các quy định mới để XK tốt hơn. |
Thực tế cho thấy, trong những tháng đầu năm nay, cùng một mặt hàng, trong khi đường tiểu ngạch, biên mậu gần như không đi được, thì xuất khẩu qua chính ngạch qua đường biển sang Trung Quốc vẫn ổn định và có xu hướng tăng trưởng. Tiêu biểu như mặt hàng tôm. Từ tháng 5, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đã có dấu hiệu tăng. Trong tháng 6, giá trị tôm xuất khẩu chính ngạch qua đường biển sang Trung Quốc tăng 1,5 lần so với tháng trước đó. Xu hướng tăng trưởng này được dự báo là tiếp tục khả quan trong những tháng cuối năm nay.
Tháng 7 vừa rồi, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đạt 51,6 triệu USD, tăng 47,7% so với tháng 7/2018. Điều đáng chú ý là nếu như trong những tháng đầu năm, Trung Quốc giảm nhập khẩu tôm Việt Nam, trong khi tăng mạnh nhập khẩu tôm từ Ấn Độ và Ecuador, thì tới tháng 7, Trung Quốc lại giảm nhập khẩu tôm từ nhiều nước khác và tăng mạnh nhập khẩu tôm từ Việt Nam. Nhờ tăng trưởng mạnh trong tháng 7 nên 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đã đạt mức tăng trưởng dương là 1,7% với kim ngạch trên 285 triệu USD.
Từ tháng 6 đến nay, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đã tăng trở lại. Đặc biệt, trong tháng 7, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông tăng tới 71,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ vậy, nếu như trong quý 1 năm nay, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông chỉ đạt 99,3 triệu USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2018, thì trong 7 tháng đầu năm nay, giá trị cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc - Hồng Kông đã đạt 320 triệu USD, tăng 10,4%. Có được điều này là nhờ các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam và các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã điều chỉnh để đáp ứng được các quy định mới.
Nhờ việc nhiều mặt hàng chủ lực đã tăng trưởng trở lại về giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc, mà thủy sản xuất khẩu sang thị trường này đã lại tăng trưởng về giá trị. Trong tháng 7 vừa qua, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng tới 51%. Nhờ đó, nếu như trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc giảm 2% thì đến hết tháng 7, đã chuyển âm thành dương, khi tăng trưởng gần 5%.
Nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc được dự báo là vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là cơ hội cho doanh nghiệp Việt tranh thủ một số thị phần tại thị trường này. Theo hải quan Trung Quốc, từ khi nước này áp đặt các biện pháp thuế quan để trả đũa Mỹ trong chiến tranh thương mại, nhập khẩu thủy sản từ Mỹ vào Trung Quốc đã giảm từ 1,3 tỷ USD trong 1 năm (1/7/2017 đến 30/6/2018), xuống còn 969 triệu USD trong 12 tháng tiếp theo (1/7/2018 đến 30/6/2019), giảm tới 36%. Do đó, dự báo xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng dương trong những tháng cuối năm.
Theo bà Lê Hằng, để tiếp tục duy trì xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần nắm rõ những quy định nhập khẩu thủy sản vào thị trường Trung Quốc qua các kênh thông tin VASEP, Nafiqad.
Bên cạnh đó, phải tập trung cải thiện điều kiện cơ sở sản xuất thủy sản, nâng cao chất lượng ATTP sản phẩm xuất khẩu để đăng ký vào danh sách doanh nghiệp được xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc. Các doanh nghiệp cần ưu tiên, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch qua đường biển, vì cước phí rẻ hơn trước, thuế nhập khẩu chính ngạch giảm và tránh được rủi ro về thanh toán vì không phải qua nhiều trung gian, cũng như tránh rủi ro về vệ sinh ATTP và chất lượng lô hàng.
Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng sản phẩm chất lượng cao do thu nhập gia tăng, vì vậy, thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc cũng phải đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm như xuất sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU…
Nhu cầu nhập khẩu vẫn lớn Một điều đáng chú ý với thị trường thủy sản Trung Quốc là nhu cầu nhập khẩu đang rất lớn. Trong 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã nhập khẩu 7,03 tỷ USD thủy sản, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng thủy sản nhập khẩu vào Trung Quốc trong nửa đầu năm nay đạt gần gấp đôi so với nửa đầu năm 2017. Các loài giáp xác chiếm tỷ trọng lớn trong thủy sản nhập khẩu của Trung Quốc khi đạt 2,86 tỷ USD, chiếm 41%. Trong đó, tôm nước ấm đông lạnh đạt 1,55 tỷ USD, tăng 223%; tôm hùm đá tươi/sống đạt 530 triệu USD, tăng 15%; tôm hùm tươi/sống đạt 239 triệu đô la, tăng 9%; cua tươi/sống đạt 413 triệu USD, tăng 1%… Cá cũng chiếm tỷ trọng không nhỏ trong tổng giá trị thủy sản nhập khẩu của Trung Quốc, trong đó, nhiều loài cá nhu cầu nhập khẩu đang tăng mạnh. Chẳng hạn, nhập khẩu cá hồi tươi Đại Tây Dương đạt 357 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái; cá halibut nguyên con đông lạnh đạt 159 triệu USD, tăng 44%; cá tra philê đông lạnh đạt 144 triệu USD, tăng 27%; cá thu đông lạnh đạt 110 triệu USD, tăng 46%… |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn