ông Nguyễn Văn Hoàng Anh, nông dân nuôi cá tra ở xã Tân Phong, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết, hiện nay doanh nghiệp chỉ thu mua cá tra nguyên liệu cỡ 800 g/con và cỡ 1,5 - 1,6 kg/con, còn những ao cá không nằm trong hai cỡ này thì doanh nghiệp không mua. Cụ thể, cá tra nguyên liệu loại 800 g/con được doanh nghiệp thu mua với giá 19.700 đồng/kg; còn cá tra loại 1,5-1,6 kg/con chỉ có giá 18.500 đồng/kg, giảm mạnh so với mức 23.500 - 24.500 đồng/kg hồi đầu năm.
Diện tích nuôi cá tra có xu hướng giảm do người nuôi nhỏ lẻ, thua lỗ. (Ảnh chụp tại xã Phong Phú-Châu Thành-Tiền Giang)
“Mấy tháng nay, ai cũng hy vọng giá cá tra sẽ tăng trở lại nhờ nhu cầu xuất khẩu tăng nên cho ăn cầm chừng kéo dài thời gian nuôi chờ giá. Tuy nhiên, đến nay, giá cá không những không tăng mà còn nằm ở mức thấp nhất từ đầu năm đến nay nên bắt buộc chúng tôi phải bán cá dù chịu lỗ nặng do không đủ sức cầm cự, bởi thức ăn cho cá tra hàng ngày phải tốn hàng chục triệu đồng. Đa số các ao nuôi cá tra sắp thu hoạch hiện nay đều kéo dài trên 1 năm thay vì chỉ 6 - 8 tháng như trước đây. Điều khó khăn là, hiện nay chỉ các hộ nuôi có cá đạt cỡ và có “mối quen” thì mới bán được cá”, ông Hoàng Anh chia sẻ.
Theo nhiều nông dân nuôi cá tra ở huyện Cai Lậy, đối với người nuôi cá tra có vốn có thể mua thức ăn, con giống, thuốc thú y thủy sản trực tiếp từ các nhà máy, hộ ương giống; cộng với quản lý chặt chẽ, kỹ thuật nuôi tốt thì giá thành nuôi chỉ khoảng 20.000-21.000 đồng/kg do được chiết khấu lại như đối với đại lý; còn đối với những hộ nuôi nhỏ lẻ, mua thức ăn nợ đại lý, trả tiền chậm thì giá thành có thể lên tới 23.000 đồng/kg. Đối với cá tra nguyên liệu cỡ 1,5-1,6 kg/con thì giá thành nuôi cá còn cao hơn do thời gian nuôi kéo dài, tốc độ lớn của cá trên 01kg/con cũng chậm lại. Do đó, với giá cá tra trên thị trường hiện nay thì nông dân nuôi cá có thể lỗ lên đến 1,3 tỷ đồng/ha (năng suất 300 tấn/ha).
Chính vì tình trạng thua lỗ hiện nay mà một số hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ đã bỏ ao hay tính chuyện ngừng nuôi sau khi thu hoạch cá. Ông Trần Thanh Hồng Hải có 1 ao nuôi cá tra 3.000m2 ở xã Tân Phong, huyện Cai Lậy đã bỏ ao lên TP.Hồ Chí Minh mở quán ăn sau khi thu hoạch khoảng 100 tấn cá tra với giá bán chỉ 20.000 đồng/kg hồi tháng 6 vừa qua. Còn ông Đoàn Văn Thanh, ở xã Tân Phong cũng đang tạm ngừng thả nuôi chờ giá cá tra tốt hơn mới tính đến chuyện thả giống cho vụ mới.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, diện tích nuôi cá tra có xu hướng giảm dần do nhiều người nuôi nhỏ lẻ thua lỗ, giá cá tra nguyên liệu tiếp tục giảm xuống dưới mức 20.000 đồng/kg. Nhiều hộ nuôi đã chuyển sang hướng liên kết với các doanh nghiệp hoặc nuôi gia công cho doanh nghiệp thay vì tự đầu tư nuôi. Nhờ liên kết nuôi cá tra theo chuỗi nên sản lượng cá tra 10 tháng đầu năm 2015 của các tỉnh vùng ĐBSCL vẫn giữ vững, ước đạt 946.000 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ, trong đó Đồng Tháp hiện có khoảng 80% hộ nuôi cá tra tham gia chuỗi liên kết, đạt 245.255 tấn (tăng 3,5%).
Từ đầu năm đến nay, giá tôm luôn ở mức thấp, người nuôi lãi rất ít, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, do đó hiện người nuôi tôm không đầu tư nuôi lớn mà chủ yếu nuôi cầm chừng, mục đích là để giữ vùng nuôi của mình hoạt động và bảo quản trang thiết bị giảm hư hỏng. Người nuôi tôm đang hi vọng vào dịp cuối năm giá sẽ tăng do các nhà máy tăng cường chế biến để cung cấp theo đơn đặt hàng của các nước nhập khẩu phục vụ Noel và năm mới.
Thành Công
Kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn