Thiếu vốn, tiến độ triển khai chậm, địa phương lúng túng khi thực hiện trong khi sự phối hợp giữa các bộ, ngành còn chồng chéo... Đây là những vướng mắc cần sớm tháo gỡ để Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) triển khai đạt hiệu quả.
Sử dụng nước sạch tại xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Thiên Tú
Nhiều chỉ tiêu chưa đạt
Đến hết năm 2011, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh (HVS) đạt 78%, trong đó 37% đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế; 55% hộ gia đình có nhà tiêu HVS; 87% trường học, 88% trạm xá được cấp nước sạch và có nhà tiêu HVS; 37% số hộ nông dân chăn nuôi có chuồng trại HVS. Tuy nhiên, hầu hết những chỉ tiêu đặt ra cho giai đoạn này đều không đạt so với kế hoạch. Bước sang năm 2012, đến hết tháng 6, cả nước mới xây dựng được 55.988 công trình NS&VSMTNT, đạt 38% khối lượng công việc của cả năm.
Bà Hạ Thị Thanh Hằng, Chánh Văn phòng Chương trình MTQG NS&VSMTNT nhận định, việc thực hiện chương trình vẫn còn nhiều hạn chế. Chính quyền địa phương thiếu sự quan tâm đầu tư, chỉ đạo triển khai các dự án NS&VSMTNT, trong khi sự phối hợp giữa các ngành như y tế, nông nghiệp, giáo dục thiếu gắn kết và chủ động. Cùng với đó, cơ cấu đầu tư không hợp lý, có sự chênh lệch giữa các lĩnh vực. Đơn cử, trong giáo dục, việc đầu tư chủ yếu mới chỉ tập trung vào các hạng mục chính như phòng học, thiết bị chiếu sáng, coi nhẹ các công trình vệ sinh, nước sạch. Ở nhiều địa phương, tỷ lệ các trường, điểm trường chưa được cấp nước sạch và vệ sinh chiếm tới trên 50%.
Tại Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm nay, mặc dù tiến độ thực hiện chương trình đạt khá, song vẫn chưa đạt yêu cầu. Tỷ lệ dân cư nông thôn được dùng nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế mới đạt 34%. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt đánh giá, nhiều công trình cấp nước sạch không phát huy được hiệu quả, việc quản lý sau đầu tư còn hạn chế nên nhiều nơi, sau một thời gian là bị xuống cấp, hư hỏng, thậm chí "đắp chiếu". Một số công trình không có vốn đóng góp của người dân nên 5 - 6 năm nay vẫn... nằm chờ.
Phân rõ trách nhiệm
Chương trình MTQG NS&VSMTNT có ý nghĩa rất lớn về kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Để chương trình đạt hiệu quả, nhiều địa phương kiến nghị tăng thêm nguồn kinh phí, bởi ngân sách cấp cho chương trình NS&VSMTNT hiện còn thấp, chỉ từ 15 - 20 tỷ đồng/tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vấn đề này để người dân tích cực tham gia.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt đề xuất, các bộ, ngành cần thống nhất cơ chế đầu tư, phân định rạch ròi phạm vi quản lý để đồng bộ hóa quá trình triển khai. Bởi việc đầu tư ngân sách Nhà nước 60% vào các công trình NS&VSMTNT hiện nay rất khó thực hiện do doanh nghiệp ngại đầu tư. Vì vậy, Nhà nước nên mạnh dạn đầu tư 100%, sau khi hoàn thành tổ chức đấu thầu quản lý sử dụng giống như đầu tư các công trình giao thông, sau đó thu phí. Cùng với đó, tổng kết các mô mình quản lý công trình NS&VSMTNT sau đầu tư để các địa phương lựa chọn mô hình hiệu quả và ứng dụng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ nhiệm Chương trình MTQG NS&VSMTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, các địa phương phải quan tâm nhiều hơn đến chất lượng và quản lý bền vững các công trình. Đồng thời, tìm giải pháp huy động các nguồn lực xã hội hóa, tổ chức và sử dụng có hiệu quả nhất nguồn vốn để đảm bảo hài hòa các mục tiêu. Bộ trưởng cũng yêu cầu rà soát, củng cố Ban chỉ đạo các cấp, phân công rõ nhiệm vụ và bố trí nguồn lực cho các ngành y tế, giáo dục, nông nghiệp và các ngành khác để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Mục tiêu năm 2012, cả nước phấn đấu 80% dân số nông thôn được sử dụng nước HVS, 57% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu HVS, 39% gia đình nông thôn có chuồng trại chăn nuôi HVS, 88% trường học có nước sạch và nhà tiêu HVS, 92% trạm y tế có nước sạch và nhà tiêu HVS. |
|
Thiên Tú
Theo ktdt.com.vn