Bà Kpah H'Mi-Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ thôn Djriêk-cho biết: Mô hình “3 biết, 2 hỗ trợ” được thành lập theo Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chư Pưh lần thứ 5 với phương châm “Biết mặt, biết hoàn cảnh, biết nhu cầu hội viên và hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ kiến thức” để giúp hội viên vươn lên trong cuộc sống. “Mô hình “3 biết, 2 hỗ trợ” của chi hội được thành lập từ tháng 6-2018 với 16 thành viên, đều là người dân tộc Jrai. Sau khi thành lập, chi hội tập trung giúp 2 phụ nữ nghèo phát triển kinh tế hộ bằng cách hỗ trợ tiền mua dê và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vật nuôi để họ sớm thoát nghèo”-bà H'Mi nói.
|
Gia đình chị H'Pram vươn lên thoát nghèo nhờ sự giúp đỡ của các thành viên trong mô hình “3 biết, 2 hỗ trợ”. Ảnh: H.S |
Từ năm 2018 đến nay, 9/9 xã, thị trấn của huyện Chư Pưh đã thành lập được 13 mô hình “3 biết, 2 hỗ trợ” với hơn 150 thành viên tham gia. Mô hình đã giúp 4 hộ thoát nghèo và hiện đang giúp 17 hộ nghèo khác từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Tổng số tiền thực hiện ở các mô hình khoảng 100 triệu đồng. |
Theo đó, tháng 6-2018, 16 thành viên tham gia mô hình ở chi hội Phụ nữ thôn Djriêk đã đóng góp tiền mua 1 con dê cái trị giá 3,5 triệu đồng tặng gia đình chị Siu H'Pram và giúp ngày công làm chuồng nuôi. Mặt khác, chi hội đứng ra giúp chị H'Pram vay 30 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để đầu tư cải tạo vườn tạp trồng 300 gốc hồ tiêu; mua phân bón, giống trồng 3,5 sào lúa nước. Sau đó, các thành viên trong mô hình “3 biết, 2 hỗ trợ” của thôn tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Con dê cái gia đình chị H'Pram được tặng sau một thời gian đã đẻ 2 dê con. Gia đình chị bán 3 con dê này mua 1 con bò. Hiện con bò đã đẻ 1 bê con. Ngoài ra, nhờ nắm vững kỹ thuật chăm sóc, 300 gốc hồ tiêu và 3,5 sào lúa của gia đình chị H'Pram phát triển tốt, cuộc sống theo đó cũng dần cải thiện. Hiện gia đình chị đã thoát nghèo.
Sau khi giúp gia đình chị H'Pram thoát nghèo, chi hội Phụ nữ thôn Djriêk tiếp tục hỗ trợ gia đình hộ chị Siu H'Kre 1 con dê cái trị giá 3,5 triệu đồng. Ngoài việc hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, hàng tuần, các thành viên tham gia mô hình thay phiên nhau cắt cỏ giúp gia đình chị H'Kre. Chị Nay H'Pen-thành viên mô hình “3 biết, 2 hỗ trợ” của thôn-cho biết: “Mình thấy việc làm rất ý ngh'ĩa nên thu xếp công việc gia đình để tham gia. Thấy chị em đỡ khó khăn, mình cũng vui lây”.
Song song với việc tặng dê và hỗ trợ kỹ thuật nuôi cho hội viên nghèo, chi hội Phụ nữ thôn Djriêk còn đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để hội viên, phụ nữ thay đổi nếp nghĩ cách làm; hướng dẫn cải tạo vườn tược, trồng rau xanh. “Vườn tược trong thôn được phát dọn sạch sẽ, có hàng rào riêng. Có 5 hộ làm vườn trồng các loại rau xanh, hiện các gia đình này thường xuyên có rau ăn, không phải đi chợ mua. Chúng tôi cũng đang vận động các hộ khác trong thôn làm theo. Hiện nay, thôn còn 29 hộ nghèo, 27 hộ cận nghèo. Theo đó, chi hội phấn đấu mỗi năm giúp 1 hộ phụ nữ thoát nghèo”-bà H'Mi cho biết thêm.
Tương tự, mô hình “3 biết, 2 hỗ trợ” của chi hội Phụ nữ thôn Hòa Tín cũng bước đầu đạt được kết quả đáng ghi nhận. Chi hội Phụ nữ thôn đã đóng góp hơn 3 triệu đồng để hỗ trợ gia đình chị Đoàn Thị Liên (hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn) mua 1 con bê. Sau đó, các thành viên trong mô hình giúp cắt cỏ cho bò khi chị Liên bận việc. Chi hội cũng thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ gạo, quần áo và sách vở cho 2 con chị Liên. Chị Nguyễn Thị Thanh Hoa-Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ thôn Hòa Tín-cho hay: “Năm nay, chúng tôi tập trung giúp đỡ gia đình chị Liên bớt khó khăn trong cuộc sống. Dù sự hỗ trợ chưa được nhiều nhưng là sự động viên lớn với gia đình chị ấy trong giai đoạn hiện nay, thể hiện tinh thần tương thân tương ái của phụ nữ thôn. Chúng tôi sẽ cố gắng giúp gia đình chị Liên thoát nghèo bền vững trong thời gian tới”.
Đánh giá về những kết quả sau hơn 1 năm triển khai mô hình “3 biết, 2 hỗ trợ”, bà Rcom H'Plep-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Nhơn Hòa-cho biết: “Thị trấn có 2 mô hình ở thôn Hòa Tín và thôn Djriêk với 30 thành viên. Từ khi triển khai đến nay, mô hình nhận được sự hưởng ứng của hội viên, phụ nữ và giúp thắt chặt tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái. Mô hình đã giúp được 1 gia đình thoát nghèo, hướng dẫn người dân trồng rau xanh phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Dù chưa giúp được nhiều chị em thoát nghèo nhưng những gì đạt được sau hơn 1 năm triển khai là tín hiệu vui. Chúng tôi sẽ phát triển thêm mô hình ở các thôn khác trong thời gian tới”.