Đoàn công tác do ông Tăng Minh Lộc, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, dẫn đầu.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lộc cho biết qua buổi làm việc, kiểm tra cho thấy các trường hợp bất cập trong việc huy động người dân góp tiền xây dựng NTM mà báo Pháp Luật TP.HCM nêu là chính xác. UBND tỉnh sẽ có báo cáo với ban chỉ đạo trung ương, đồng thời chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình sẽ có công văn chỉ đạo gửi các địa phương trên toàn tỉnh để chấn chỉnh công tác thực hiện chương trình NTM. Qua buổi làm việc, ban chỉ đạo của tỉnh Quảng Bình đã tiếp thu và hứa sẽ chấn chỉnh hoạt động xây dựng NTM trên địa bàn.
Theo ông Lộc, nguyên nhân dẫn đến những bất cập là do lãnh đạo cơ sở đã không khéo léo trong việc thực hiện chủ trương về NTM. Theo đó, mức thu tiền đóng góp ở xã Tân Thủy so với các nơi khác là không cao nhưng cách làm của chính quyền địa phương chưa hợp lý. Theo đó, lẽ ra các trường hợp khó khăn có thể miễn, giảm thì địa phương vẫn buộc họ phải nộp nên không nhận được sự đồng tình của người dân. “Các xã ở đây là vùng có truyền thống cách mạng và rất kiên quyết phản ứng khi một số lãnh đạo làm sai. Họ góp ý nhưng lãnh đạo không tiếp thu nên dẫn đến tình trạng bức xúc” - ông Lộc chia sẻ. Ông Lộc cũng cho hay các lãnh đạo liên quan đến vụ việc sẽ bị xử lý theo quyết định của tỉnh và huyện, mức nhẹ nhất có thể là khiển trách.
Cùng ngày, trao đổi với PV, ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình, cho biết xây dựng NTM là chủ trương lớn và triển khai đến tận thôn xóm, có phân cấp trách nhiệm rõ ràng cho các huyện và xã. Mỗi xã là một chủ đầu tư, trực tiếp triển khai; chính quyền cấp xã phải có trách nhiệm giải quyết. “Nguyên tắc của xây dựng NTM là tự nguyện và đồng thuận. Sau khi kiểm tra xác minh nếu có các trường hợp thu sai thì phải trả lại tiền cho người dân. Lãnh đạo nào vi phạm thì huyện sẽ xử lý” - ông Khoa cho hay.
TRÀ PHƯƠNG
Theo plo.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn