Trong khi xây dựng nông thôn mới (NTM) nơi hải đảo có những đặc thù riêng, cần suất đầu tư cao hơn hẳn so với đất liền.
Nông nghiệp biển, đảoHuyện đảo Phú Quốc cách TP Rạch Giá, trung tâm tỉnh lỵ của Kiên Giang khoảng 120km. Địa hình đồi núi, đất đỏ sỏi đá, cộng với thời tiết biển đảo khắc nghiệt nên việc phát triển nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Phú Quốc cũng có những lợi thế nhất định về phát triển ngành nông nghiệp biển, đảo.
Nông dân Phú Quốc chuẩn bị trụ đá để trồng hồ tiêu, phát triển kinh tế
Điển hình như trồng hồ tiêu theo hướng hữu cơ vi sinh kết hợp mở các tour du lịch tham quan, du lịch sinh thái. Phát triển làng nghề chế biến nước mắm truyền thống kết hợp với với du lịch trải nghiệm. Trên biển, ngoài đánh bắt, khai thác hải sản từ tự nhiên, Phú Quốc còn có lợi thế rất lớn để phát triển nghề nuôi biển công nghiệp ở các vùng nước sâu.
Bà Trần Thị Hồng, Phó Trưởng phòng Kinh tế Phú Quốc cho biết, nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện đang tiếp tục triển khai các điểm trình diễn ứng dụng từ năm 2016 chuyển qua như Chương trình Heifer tại xã Cửa Dương với 10 điểm nuôi heo nái sinh sản. Đề tài bảo tồn nguồn gen cá trê suối Phú Quốc, đang nuôi vỗ béo cá bố mẹ, chuẩn bị cho sinh sản tự nhiên.
Đồng thời, triển khai các hoạt động của năm 2017 như Chương trình thủy sản mặn, lợ ven biển với mô hình nuôi cá chim vây vàng, nuôi cá mú lồng bè và thử nghiệm nuôi thương phẩm cá hồng mỹ. Chương trình phát triển cây ăn quả và cây công nghiệp với mô hình trồng mãng cầu ta, dừa xiêm lùn, canh tác hồ tiêu hữu cơ...
Để các chương trình trên điạ bàn triển khai đạt hiệu quả cao, huyện đã phối hợp với Văn phòng điều phối NTM tỉnh, Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và PTNT, Cty CP Pro Phương Nam tổ chức các lớp tuập huấn, bồi dưỡng kiến thức xây dựng NTM cho các học viên là lãnh đạo các phòng, ban, thành viên Văn phòng điều phối, các trưởng, phó ban và thành viên Ban quản lý, cán bộ phụ trách xây dựng NTM các xã. Đại diện các ban, ngành, đoàn thể xã, Ban phát triển ấp đều được mời tham gia tập huấn.
Phối hợp thực hiện chương trình thông tin, tuyên truyền, tập huấn, trong năm mở huyện đảo Phú Quốc đã mở 7 lớp về nông - lâm - ngư nghiệp. Cụ thể gồm các lớp về kỹ thuật nuôi cá lồng bè, nuôi gà an toàn sinh học, chăn nuôi heo, trồng dưa leo, rau mầm, canh tác hồ tiêu bằng phân bón hữu cơ vi sinh... Mục tiêu phấn đấu năm 2017 sẽ hoàn thành dự án “Xây dựng mô hình canh tác hồ tiêu thâm canh theo hướng hữu cơ sinh học” tại xã Cửa Dương.
Du khách thích thú khi đến tham quan vườn hồ tiêu kết hợp du lịch sinh thái
Anh Tăng Dục Dương, ấp Gành Gió, xã Cửa Dương cho biết, Phú Quốc là huyện đảo thu hút rất đông khách du lịch, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm rất lớn. Đây chính là điều kiện cho nông dân các xã phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập. Hiện tại, anh Dương đang phát triển mô hình nuôi gà rẫy (thả vườn) an toàn sinh học.
Với mục tiêu đến năm 2019, tất cả các xã trên địa bàn Phú Quốc đều đạt chuẩn tiêu chí về thu nhập (tiêu chí 10). Theo đó, huyện chú trọng phát triển ngành nghề phi nông nghiệp, nhất là các làng nghề, tăng cường công tác khuyến nông, đẩy mạnh ứng dụng khoa học- công nghệ vào tất cả các ngành nghề, đặc biệt là sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, gắn với hiện đại hóa thủy lợi và cơ giới hóa sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả lao động, tăng năng suất và lợi nhuận, triển khai tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị. |
“Gia đình tôi đang nuôi 6 trại gà với quy mô 3.000 con. Gà rẫy Phú Quốc thịt ăn ngọt và thơm ngon nên khách hàng rất ưa chuộng. Sản xuất ra bao nhiêu đều có mối tới đặt mua hết, mang lại nguồn thu nhập khá và ổn định”, anh Dương chia sẻ.
Phát triển hạ tầng thiết yếuÔng Nguyễn Minh Trực, Trưởng phòng Kinh tế, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM huyện Phú Quốc cho biết, Ban Chỉ đạo huyện, Ban Quản lý xây dựng NTM cấp xã đang tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và vận động nhân dân đóng góp kinh phí xây dựng đường giao thông nông thôn.
Từ đầu năm đến nay, các xã trên địa bàn huyện Phú Quốc tập trung xây dựng 22 tuyến đường giao thông mới với tổng chiều dài gần 7 km, kinh phí hơn 14 tỷ đồng, riêng nguồn kinh phí vận động đóng góp trên 3 tỷ đồng. Trong đó, xã Cửa Dương xây dựng 15 tuyến đường, xã Dương Tơ 3 tuyến đường, Gành Dầu và Hàm Ninh mỗi xã 2 tuyến đường.
Kết quả đánh giá theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020, đến nay huyện Phú Quốc có 1 xã đạt 19/19 tiêu chí (xã Cửa Cạn), 2 xã đạt 15 - 18 tiêu chí (Dương Tơ và Gành Dầu), 5 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí (Cửa Dương, Bãi Thơm, Hòn Thơm, Hàm Ninh và Thổ Châu).
Phú Quốc đã ban hành kế hoạch phát động thi đua xây dựng NTM trên địa bàn huyện, với kết quả có 8/8 xã xây dựng kế hoạch đăng ký thi đua. Và trong quá trình thực hiện, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể huyện đều có những cách làm sáng tạo, hiệu quả. Hội đồng Thi đua Khen thưởng - Phòng Nội vụ huyện tham mưu UBND huyện tổ chức tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân có những đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng NTM như hiến đất làm đường giao thông nông thôn, đóng góp tiền của vật chất có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên.
Phú Quốc có lợi thế rất lớn để phát triển nghề nuôi biển công nghiệp ở vùng nước sâu
Theo đó, qua 5 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM trên địa bàn huyện (2011 - 2015), đã có 1 cá nhân được cấp tỉnh khen thưởng, cấp huyện đã chọn ra 53 cá nhân và 12 tập thể, cấp xã có 60 cá nhân và 14 tập thể có đóng góp tích cực trong xây dựng NTM được khen thưởng.
Giai đoạn 2016 - 2020, Phú Quốc tiếp tục giữ vững và nâng chất xã NTM Cửa Cạn. Các xã còn lại phấn đấu tăng ít nhất từ 2 - 3 tiêu chí/xã/năm. Phấn đấu đến cuối năm 2018 có thêm 2 xã nữa đạt chuẩn, các xã còn lại đạt trên 75% số tiêu chí. Đến năm 2019, có ít nhất 5/8 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí và đến năm 2020 là 100% số xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn NTM.
Về cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông nông thôn, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã, nhà văn hóa, khu thể thao ấp... đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống dân cư. Nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với giải quyết việc làm ổn định. Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đạt trên 50 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,2%, giải quyết việc làm từ 2.550 - 2.600 lao động, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 67% trở lên.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn