Cưới tiết kiệm
Sau khi Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị 11/CT/TU (3/10/2012) và Kế hoạch 141/KH (6/11/2012) về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc nghiêm túc của các cấp chính quyền, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động và sự hưởng ứng tích cực của người dân, đến nay, các địa phương đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Tại quận Hà Đông, sau khi tiếp nhận Chỉ thị và Kế hoạch của thành phố, các phường, xã trên địa bàn đã ban hành nghị quyết chuyên đề, yêu cầu đảng viên cam kết thực hiện, thống nhất khi gia đình đảng viên có việc cưới phải tổ chức tiết kiệm, phù hợp với hoàn cảnh, không thách cưới bằng tiền mặt, lễ vật không cầu kỳ. Đám cưới chỉ diễn ra trong 1 ngày, không mời tràn lan, không làm quá 40 mâm cỗ, không hút thuốc lá, chơi cờ bạc, mở loa đài công suất lớn trước 5 giờ sáng và sau 22 giờ đêm…
Trên cơ sở đó, Ban công tác Mặt trận và các hội đoàn thể đã đến từng nhà dân vận động, yêu cầu cam kết thực hiện, đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát quá trình thực hiện.
Theo thống kê chưa đầy đủ, đến tháng 12/2012, toàn thành phố đã có 16.543/25.816 đám cưới thực hiện nếp sống văn minh theo tinh thần của Chỉ thị, đạt 64%, tiêu biểu như quận Hà Đông có 1.225/1.377 đám cưới thực hiện tốt quy ước “Cưới tiết kiệm” của tổ dân phố; quận Hoàn Kiếm có 1.487/1.510 đám cưới, quận Long Biên 1.696 đám cưới, huyện Phú Xuyên 200/300 đám cưới. Các đôi uyên ương đều thực hiện đăng ký kết hôn tại UBND phường và tổ chức tại gia đình theo đúng nghi thức truyền thống, trang trọng, lành mạnh, không mời thuốc lá và tự nguyện đóng góp tối thiểu 100.000 đồng/lễ cưới vào việc xây dựng quỹ khuyến học của địa phương.
Theo ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo chương trình “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH), để có được kết quả trên, Hà Nội đã thực hiện tuyên truyền các nội dung của Chỉ thị bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Các phương tiện thông tin đại chúng của thành phố đều vào cuộc thông qua các chuyên trang, chuyên mục… phản ánh gương người thực, việc thực tại các địa phương.
“Đặc biệt, với hệ thống văn bản của Trung ương và Thành ủy, chúng tôi quán triệt và triển khai thực hiện sâu rộng tới từng cán bộ, đảng viên, 100% cơ sở Đảng tổ chức triển khai theo yêu cầu đặt ra. Trên tinh thần Chỉ thị và các văn bản hướng dẫn, các cấp ủy Đảng đã xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể căn cứ vào đặc điểm của từng địa phương, từng ngành và đơn vị. Việc triển khai Chỉ thị được chúng tôi xác định là trách nhiệm, nhiệm vụ chung, cần có sự vào cuộc đồng bộ của quần chúng nhân dân và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành”, ông Lợi nói.
Văn minh ở việc tang và lễ hội
Cùng với việc thực hiện tốt quy ước “cưới tiết kiệm”, Hà Nội cũng triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, vừa đảm bảo tiết kiệm, vừa đậm tình nghĩa, trang nghiêm.
Đến nay, hầu hết các thôn, làng đã thành lập Ban tổ chức tang lễ, thống nhất quy trình, nghi thức phù hợp với quy ước, ít tốn kém, thể hiện mối quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong cộng đồng khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Tình trạng tổ chức tang lễ rườm rà, kéo dài nhiều ngày, ăn uống tràn lan… đã cơ bản được khắc phục, đặc biệt là các hủ tục tang lễ (lăn đường, khóc mướn, chơi cờ bạc…) hầu như không còn.
Điển hình như ở Đông Anh, với 4 nội dung và 6 giải pháp (không làm cỗ bàn mời ăn trong ngày tang, cúng tuần 49 ngày và cải táng; xóa bỏ hủ tục; quy hoạch nghĩa trang; khuyến khích hỏa táng...), huyện đã giao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện chủ trì công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện. Huyện tổ chức phát tờ rơi đến từng hộ gia đình, thông qua hệ thống loa truyền thanh, liên hoan văn nghệ quần chúng... Đồng thời, mời các nhà sư, đại diện Ban Phật giáo huyện, giáo sư sử học Lê Văn Lan nói chuyện cho người dân về văn hóa tâm linh và thực hiện tang văn minh.
Sau 4 năm thực hiện quy ước (2008 - 2012), về cơ bản, các hủ tục trong tang ma đã được xóa bỏ, với 148/156 thôn, làng, 49/62 tổ dân phố trên địa bàn huyện thực hiện hỏa táng, điển hình như Liên Hà hỏa táng 81%, Nam Hồng 78%...
Theo thống kê, hiện toàn thành phố có 5.316 di tích lịch sử văn hóa với hơn 1.000 lễ hội. Các lễ hội diễn ra hàng năm hầu hết đều là loại hình lễ hội dân gian truyền thống. Các lễ hội tôn giáo đều diễn ra đúng quy định, đảm bảm các nghi thức tín ngưỡng tâm linh.
Trong các lễ hội, phần lễ và phần hội được kết hợp tương đối hài hòa. Phần lễ được tổ chức trang trọng, theo đúng truyền thống, còn phần hội được quan tâm hơn với việc khôi phục các trò chơi dân gian; các hoạt động mê tín dị đoan dần bị loại bỏ do ý thức người dân đã được nâng cao. Ngoài ra, khi tổ chức lễ hội, các địa phương đều gắn với những sự kiện khác như tổ chức đón nhận danh hiệu làng văn hóa, làng nghề, bằng công nhận di tích lịch sử…, góp phần tiết kiệm chi phí, tránh rườm rà, nhàm chán.
Đối với một số lễ hội lớn như hội chùa Hương, đền Và, hội Gióng…, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố chủ động phối hợp với UBND huyện, UBND xã và ban tổ chức lễ hội tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân và những đối tượng tham gia phục vụ lễ hội thực hiện nếp sống văn minh trong giao tiếp ứng xử, tổ chức các hoạt động dịch vụ ở lễ hội cũng như yêu cầu thực hiện đúng và đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố.
Xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Thời gian gần đây, các địa phương, đơn vị ở Hà Nội đang tích cực đẩy mạnh việc xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh theo định hướng “Yêu nước, trách nhiệm, tâm huyết với Thủ đô, trung thực, tự trọng, nghĩa tình; có lối sống và nếp sống trong sạch lành mạnh; có tri thức, năng động, sáng tạo, chủ động và vững vàng trong sự phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, tiêu biểu cho phong cách học tập, lao động mới; có thể chất tốt và luôn có ý thức vươn lên trong cuộc sống” bằng các hoạt động thiết thực, hữu ích…
Cụ thể, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Khoa Quốc tế (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức thành công Hội thảo “Góp ý xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” để lấy ý kiến các cơ quan quản lý, học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia về việc định hướng, xây dựng phương pháp và nội dung quy tắc ứng xử ở cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu dân cư và nơi công cộng trên địa bàn thành phố, với mong muốn đề án sẽ mang lại những giải pháp và hiệu quả thiết thực trong việc gìn giữ, phát huy nét thanh lịch, văn minh của người Tràng An.
Trong công tác này, quận Ba Đình cũng đã thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm với chủ đề “Văn hóa ứng xử người Hà Nội”; tổ chức hơn 80 buổi giao lưu tọa đàm, sinh hoạt thơ ca với chủ đề “Văn hóa ứng xử Người Hà Nội”; triểu khai cuộc vận động: “Nói lời hay, làm việc tốt, phong cách đẹp” trong toàn quận… Riêng với quận Hai Bà Trưng, việc xây dựng nét đẹp văn hóa ứng xử nơi công sở đã trở thành thói quen trong giao tiếp hàng ngày của cán bộ, công nhân viên chức toàn quận. Quận Tây Hồ cũng xây dựng mô hình điểm tại Quảng An; huyện Ba Vì tiếp tục triển khai tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân các nội dung của cuộc vận động “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”…
Theo đánh giá của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội, công tác xây dựng nếp sống văn minh ở Thủ đô đã được củng cố và từng bước hoàn thiện, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú từ vùng nội đô cho tới ven đô, xóa dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn; hạn chế những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường; ngăn ngừa hữu hiệu các tệ nạn xã hội, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc…, từ đó nâng cao ý thức của cán bộ và nhân dân Thủ đô trong việc xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Thành Vinh (kinhtenonghton.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn