02:14 EST Chủ nhật, 22/12/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Nhà nông cần biết » Quy trình kỹ thuật


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

4 phương thức nuôi tôm điển hình

Thứ ba - 28/10/2014 05:57
Luân canh tôm - lúa là hình thức nuôi tôm được đánh giá hiệu quả và bền vững ở khu vực ĐBSCL. Hiện nay, xuất phát từ thực tiễn và được khoa học kỹ thuật hỗ trợ, tại đây đã xuất hiện thêm một số phương thức nuôi tôm khác cũng được đánh giá cao.

Tôm - rừng

Ông Phạm Văn Huấn ở xã Hiệp Thạnh (Duyên Hải, Trà Vinh) có 4,5 ha đất, dành 40% cho nuôi tôm, còn lại trồng đước. Chi phí nuôi tôm thấp vì chỉ mua giống, còn thức ăn từ thiên nhiên, lại ít dịch bệnh. Năm qua, gia đình ông thả 150.000 con tôm sú giống (thêm vài loại cá, cua), lãi ròng hơn 100 triệu đồng, trong khi nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp quanh lỗ nặng vì dịch bệnh.

Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh, ông Nguyễn Văn Kiên, phấn khởi, nhiều hộ trong xã đã bỏ vốn trồng rừng trên diện tích nuôi tôm, tổng diện tích khoảng 400 ha. Nhờ có rừng, hệ sinh thái ngập mặn ổn định lại, môi trường cân bằng, nuôi tôm đỡ vất vả mà thu lãi vững chắc. 

Ở tỉnh Bạc Liêu, kỹ sư Phạm Văn Tới (Phòng NN&PTNT huyện Giá Rai) chủ trì thí điểm nuôi tôm với trồng rừng ở vùng Nam Quốc lộ 1A. Hai hộ được chọn thực hiện. Vùng nuôi tôm chia ra, 50% diện tích nuôi tôm (thêm cua, cá); 30% trồng rừng ngập mặn (đước, mắm); còn 20% diện tích là bờ, cống, mương. Tôm giống thả 5 - 7 con/m2. Từ năm 2011 đến nay, mỗi ha một năm thu được 400 kg tôm (25 - 50 con/kg), 150 kg cua (0,4 - 0,5 kg/con) và một số cá tự nhiên khác, lãi ròng 40 triệu đồng. Cây rừng phục hồi tốt, sống 50%, dự kiến năng suất 100 m3/ha với chu kỳ 15 năm.

 

Phương thức nuôi tôm trồng rừng có chi phí thấp - Ảnh: Huỳnh Lâm

Nuôi cộng đồng

Đây là phương pháp nuôi tôm chú trọng ý thức cộng đồng, áp dụng cho những nông hộ có ít đất, để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế. Có một dự án mang tên “Thúc đẩy chứng nhận và Quản lý thực hành nuôi tôm tốt hơn cho các hộ quy mô nhỏ tại Việt Nam” do Danida - Đan Mạch tài trợ, áp dụng tại tỉnh Bạc Liêu từ năm 2012. Ngắn gọn gọi là Thực hành quản lý tốt (Better Management Practices - BMP).

Tổ hợp tác nuôi tôm 30/4 ở ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Hậu (Hoà Bình, Bạc Liêu) có 15 hộ với khoảng 50 ha, chủ yếu nuôi tôm dưới tán rừng. Tôm-rừng tận dụng lợi thế tự nhiên, không cần thêm thức ăn, không dùng hóa chất, đỡ công chăm sóc mà giá bán thường cao hơn 5 - 10% so với tôm nuôi công nghiệp. Tuy nhiên, hạn chế là manh mún, không thống nhất nên khó quản lý nguồn nước, dịch bệnh.

Dự án đã hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi tôm áp dụng BMP, thống nhất lịch thời vụ, ghi nhật ký quá trình nuôi. Ông Trần Quốc Tuấn, Tổ trưởng Tổ hợp tác 30/4 cho biết, nhờ vậy giảm dịch bệnh, tăng năng suất và tôm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. “Gia đình tôi nuôi tôm - rừng hơn 2,6 ha, mỗi năm trước đây chỉ thu được 500 triệu đồng, nay gấp đôi”, ông Tuấn nói.

Áp dụng BMP còn xây dựng được cơ sở truy xuất nguồn gốc để đi tới các chứng nhận quốc tế, như ASC. Dự án thành công đã mở rộng diện tích nuôi tôm ở Bạc Liêu và đang triển khai ra nhiều địa phương ở ĐBSCL, chú trọng thêm mối liên kết chuỗi từ các tổ hợp tác đến doanh nghiệp, để nâng cao hiệu quả hơn nữa.

 

Nuôi khép kín

Bà Lâm Kim Huệ ở ấp Tấn Ngọc, xã Ngọc Chánh (Đầm Dơi, Cà Mau), nuôi tôm khép kín trong 4.000 m2, vừa thu được 7 tấn tôm thẻ chân trắng. “Tôi nuôi tôm 4 - 5 năm rồi nhưng chỉ thu được chừng 2 tấn với kích cỡ tôm 100 con/kg, giá bán thấp. Nay năng suất cao, tôm đạt kích cỡ 48 con/kg, giá bán cao nên lãi nhiều”, bà Huệ phấn khởi.

Cũng ở huyện Đầm Dơi, nhưng xã Trần Phán, ông Phạm Văn Tuấn nuôi tôm khép kín, vừa thu 16 tấn tôm thẻ loại 48 con/kg, lãi trên 1 tỷ đồng. Nuôi tôm khép kín được ông Tuấn diễn giải: “Phải có ao ương, ao nuôi để hạn chế lưu thông với bên ngoài và phải có điện ba pha. Tháng đầu, tôm giống còn nhỏ được nuôi trong vèo ao ương, chăm sóc tốt, hạn chế bệnh chết sớm nên ít hao. Khi tôm đã khoẻ mới chuyển ra ao nuôi nên tôm mau lớn, năng suất và lợi nhuận đều cao”.

Bà Lâm và ông Tuấn tham gia dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” của Sở KH&CN Cà Mau. Dự án hỗ trợ đầu tư 30% chi phí ban đầu nên các hộ tham gia vượt qua được khó khăn về vốn, làm đúng quy trình kỹ thuật, hạn chế ảnh hưởng tình trạng ô nhiễm môi trường.

Dự án triển khai tại các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Năm Căn, Trần Văn Thời, Ngọc Hiển. Tôm nuôi khép kín không sử dụng hoá chất nên đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, xuất được vào những thị trường đòi hỏi chất lượng cao.

 

Nuôi trong vườn dừa

Nuôi tôm càng xanh trong vườn dừa nhằm thích ứng biến đổi khí hậu, có sản phẩm chất lượng tốt, giúp nông hộ tăng thu nhập, đang được Trường đại học Cần Thơ triển khai ở tỉnh Bến Tre. Mỗi hộ tham gia phải có diện tích mương nước trong vườn dừa 3.000 - 4.000 m2, sẽ được hỗ trợ 18.000 con giống, vôi cải tạo mương, kỹ thuật trị bệnh thường gặp trên tôm.

Bắt đầu triển khai với 5 hộ, 5.000 m2 ở xã Vang Qưới Đông (Bình Đại) năm 2009; nhanh chóng thành công; nay có trên 25 hộ với diện tích 30.000 m2. Người dân thả nuôi 2 vụ/năm. Ông Nguyễn Văn Thế ở ấp Vinh Xương cho biết: “Hiệu quả khá, 1 ha trồng dừa nuôi tôm càng xanh, mỗi năm thu hơn 200 triệu đồng”.

Từ thành công đó, năm 2013, mở rộng sang ấp Xương Thới 3, xã Thới Thạnh (Thạnh Phú), ban đầu 7 hộ, nay 30 hộ. Ông Nguyễn Văn Đoàn, một trong những hộ thực hiện từ đầu, cho biết: “Xã này mỗi năm bị mặn khoảng 6 tháng, làm ăn khó khăn. Tôi thả 18.000 con tôm giống trên diện tích 3.000 m2, sau 8 tháng thu lãi hơn 55 triệu đồng”.

Các hộ nuôi tôm ở ấp Xương Thới 3 đã lập Câu lạc bộ do ông Nguyễn Văn Đoàn làm chủ nhiệm, hằng tháng sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm. Câu lạc bộ phát hiện ra, con tôm càng xanh vốn sống trong nước ngọt nhưng thích ứng đến độ mặn 4‰, rất hợp vùng này.

Nuôi tôm càng xanh trong vườn dừa, tận dụng nguồn cá tạp địa phương làm thức ăn, ít dùng thuốc hoá học nên đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm 2014, từ nguồn vốn thích ứng biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ có kế hoạch mở rộng ra các vườn dừa vùng nước lợ ven biển.

Ngọc Huyền 

Thủy sản Việt Nam


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 180


Hôm nayHôm nay : 26202

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 932693

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 72615402