Tiêm vaccine cho vật nuôi phải đúng thời điểm, đúng chủng loại, đúng liều lượng, đúng hướng dẫn về đường đưa thuốc. Việc bảo quản và vận chuyển vaccine cần đảm bảo thực hiện nghiêm ngặt theo các hướng dẫn của nhà sản xuất.
Sử dụng vaccine đúng thời điểm, chủng loại, liều lượng, đúng cách cho vật nuôi Ảnh: APE
Không thực hiện tiêm phòng vaccine cho vật nuôi khi con vật không khỏe mạnh hoặc có những dấu hiệu bị bệnh hay khi thời tiết khí hậu khắc nghiệt (quá nóng, quá lạnh), điều này sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của vật nuôi.
Các dụng cụ tiêm phòng cho vật nuôi phải đảm bảo được vô trùng đúng kỹ thuật. Sau khi tiêm xong, phải tiến hành xử lý dụng cụ và vaccine dư thừa theo đúng hướng dẫn.
Ngoài việc vệ sinh chuồng trại, dụng cụ, nơi chăn thả vật nuôi, người nuôi cần tiến hành sát trùng chuồng trại dụng cụ, thường xuyên và định kỳ. Để đảm bảo hiệu quả sát trùng và đảm bảo sức khoẻ vật nuôi, cần lựa chọn đúng loại hóa chất và sử dụng đúng kỹ thuật để phát huy hiệu quả, đồng thời không gây tác dụng phụ không mong muốn cho người và vật nuôi. Cụ thể:
Lựa chọn hóa chất sát trùng có trong danh mục các sản phẩm được phép sử dụng trong chăn nuôi. Sản phẩm có đầy đủ tem, nhãn, hướng dẫn, địa chỉ đơn vị sản xuất…
Hóa chất sát trùng có khả năng diệt trùng tốt, nhưng không gây hại cho vật nuôi, con người và các động vật khác. Khi sử dụng hóa chất, thuốc sát trùng cần có dụng cụ bảo hộ, đảm bảo an toàn cho người lao động;
Chỉ sử dụng thuốc sát trùng sau khi đã thực hiện vệ sinh sạch sẽ;
Đối với thuốc sát trùng phải pha loãng thì sử dụng nước sạch để pha, thuốc phải pha loãng đúng nồng độ và sau khi pha xong cần sử dụng ngay để đảm bảo hiệu quả tác động của thuốc. Cần tránh không để hóa chất tiếp xúc với niêm mạc và cơ quan hô hấp của người và vật nuôi. Sau khi sử dụng hóa chất, thuốc sát trùng người nuôi cần thực hiện ngay các biện pháp vệ sinh, đảm bảo an toàn.
Chẩn đoán bệnh kịp thời: Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh cho vật nuôi và mỗi bệnh có những biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên để chẩn đoán bệnh kịp thời thì người nuôi phải thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của vật nuôi. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường trên con vật, cần báo ngay cho cán bộ kỹ thuật của trang trại hoặc bác sỹ thú y để chẩn đoán bệnh kịp thời. Những biểu hiện bất thường chủ yếu như ăn ít hoặc bỏ ăn, dấu hiệu khác thường trên các bộ phận cơ thể như da, lông, các bộ phận sinh sản, vận động, sự thay đổi của phân, nước tiểu…. Cung cấp thông tin sớm giúp việc chẩn đoán bệnh và can thiệp điều trị càng sớm thì hiệu quả điều trị bệnh càng tốt.
Chẩn đoán đúng bệnh: Việc chẩn đoán đúng bệnh sẽ giúp đưa ra biện pháp can thiệp tốt nhất, thời gian điều trị nhanh, chi phí thấp. Tuy nhiên, để chẩn đoán đúng bệnh cần phải xem xét trên nhiều căn cứ như tình hình dịch bệnh tại địa phương, những biểu hiện bất thường trên vật nuôi, mức độ và tần suất biểu hiện... Hoặc tốt nhất là có kết quả của phòng xét nghiệm. Trường hợp không có kết quả xét nghiệm thì cán bộ kỹ thuật trên cơ sở kiến thức, kinh nghiệm của bản thân và những dấu hiệu thu thập, tham khảo ý kiến đồng nghiệp từ đó có thể đưa ra chuẩn đoán trên cơ sở loại trừ theo loại hình bệnh như bệnh truyền nhiễm, bệnh sinh sản, bệnh đường tiêu hoá, bệnh đường hô hấp... hoặc theo căn nguyên gây bệnh để từ đó đưa ra các biện pháp can thiệp.
Nguyên tắc “5 đúng”: Bao gồm đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng và đúng liệu trình. Tùy vào từng loại bệnh khác nhau mà sử dụng thuốc cho phù hợp, ví dụ bệnh do vi khuẩn thì có thể sử dụng kháng sinh điều trị. Điển hình như heo nghi bị bệnh tụ huyết trùng, ta có thể dùng Steptomycin để điều trị, nếu sau 2 - 3 ngày sử dụng con vật không giảm các triệu chứng thì ta thay thế bằng kháng sinh khác như Kanamycin hoặc Apikana, Penkana, Norfloxkana... Trường hợp con vật ốm, cần điều trị kháng sinh; Bệnh do ký sinh trùng thì sử dụng thuốc trị ký sinh trùng, bệnh về sinh sản thì sử dụng thuốc hỗ trợ sinh sản, bệnh về dinh dưỡng thì sử dụng các loại chế phẩm dinh dưỡng hoặc thuốc phù hợp...
Việc sử dụng thuốc đúng lúc sẽ góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, đồng thời tránh được việc tồn dư thuốc trong cơ thể vật nuôi hoặc sản phẩm động vật khi khai thác như sữa, trứng, thịt.
Ngoài ra, sử dụng thuốc đúng cách sẽ đem lại hiệu quả điều trị rõ rệt. Ngược lại, nếu sử dụng không đúng cách có thể không đem lại hiệu quả hoặc tác động không tốt đến vật nuôi, chất lượng sản phẩm. Ví dụ như một số thuốc bị axít trung hòa thì không thể dùng đường uống mà phải dùng đường để tiêm. Tuy nhiên, một số khác lại có tác động tốt khi cho uống (đối với các bệnh đường tiêu hóa, nếu thuốc không bị trung hoà bởi dịch tiêu hóa). Hoặc khi bổ sung canxi cho vật nuôi mà thiếu Vitamin D thì khả năng hấp thu canxi kém, vì vậy khi bổ sung khoáng, cần kết hợp bổ sung vitamin cho vật nuôi. Tùy thuộc vào dạng bào chế mà lựa chọn đường đưa thuốc phù hợp và nên thực hiện theo hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc.
Sử dụng thuốc đúng liều lượng và dùng thuốc từ liều cao đến liều thấp (mũi tiêm đầu có thể tăng liều gấp 1,5 - 2 lần so với liều hướng dẫn). Lúc đầu cần dùng kháng sinh có tác dụng nhanh và ngày dùng 2 - 3 lần, giảm dần sau ngày thứ 2 - 3 trở đi. Ngược lại các loại thuốc kích thích thần kinh như Atropin, Strychnin, Pilocarpin… thì phải dùng từ liều thấp đến liều cao tránh sốc cho vật nuôi.
Đúng thời gian và đúng liệu trình: Tức là phải đảm bảo đủ số ngày dùng thuốc theo chỉ dẫn của mỗi loại thuốc và tình hình tiến triển của bệnh. Thông thường, liệu trình sử dụng thuốc kháng sinh thường trong thời gian 3 - 7 ngày tùy vào từng bệnh. Ví dụ như các bệnh đường ruột ở heo cần được điều trị từ 3 ngày trở lên, bệnh đường hô hấp hoặc bệnh heo nghệ phải 5 ngày trở lên. Việc điều trị tiến hành liên tục theo liệu trình và chỉ kết thúc dùng thuốc sau khi hết triệu chứng bệnh từ 1 - 2 ngày.
Chỉ sử dụng thuốc thú y trong danh mục cho phép;
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên nhãn lọ thuốc hoặc tờ hướng dẫn sử dụng kèm theo (thành phần, công dụng, liều lượng, đường tiêm…);
Bảo quản thuốc thú y nơi khô ráo, thoáng mát và tránh ánh sáng trực tiếp chiếu vào (không được bảo quản nơi có nhiệt độ cao);
Hàng ngày trước và sau khi tiêm cho vật nuôi cần phải vệ sinh, tẩy trùng các dụng cụ tiêm (xi lanh, kim, panh, kéo, kìm…);
Khu vực để thuốc và dụng cụ phải sạch sẽ, gọn gàng và ngăn nắp.
>> Tại Khoản 21 Điều 3 Luật số: 79/2015/QH13 Luật Thú y được Quốc hội ban hành ngày 19/6/2015 quy định: “Thuốc thú y là đơn chất hoặc hỗn hợp các chất bao gồm dược phẩm, vaccine, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất được phê duyệt dùng cho động vật nhằm phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều chỉnh, phục hồi chức năng sinh trưởng, sinh sản của động vật”. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn