Bưởi Phúc Trạch không chỉ nổi tiếng về chất lượng mà còn có giá trị về kinh tế |
Nếu nhìn trên bản đồ, xã Phúc Trạch như một cái võng, một đầu mắc lên Rú Gối - ngọn núi cao nhất của dãy Trà Sơn, một đầu mắc lên ngọn núi của dãy Giăng Màn. Phía Đông xã Phúc Trạch là sông Ngàn Sâu, con sông lớn nhất của Hương Khê chảy qua bồi đắp phù sa tạo nên những mảnh vườn tốt tươi, trù phú có nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, ở Phúc Trạch có loại cây nổi tiếng cả nước, đó là bưởi.
Thời Pháp thuộc, bưởi Phúc Trạch từng được giải thưởng trong các cuộc đấu xảo trái ngon toàn Đông Dương và năm 2002 được công nhận một trong 7 loài cây ăn quả đặc sản quý hiếm cấm xuất khẩu giống của cả nước. Năm 2004, bưởi Phúc Trạch được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa bởi mẫu mã đẹp, múi dày, tép hồng đặc trưng hương vị thiên nhiên, thơm ngon. Đến nay, diện tích bưởi cả huyện Hương Khê đã phát triển lên tới gần 1.400 ha và được trồng tập trung ở 4 xã: Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Đô và Lộc Yên. Tuy nhiên, bưởi trồng ngon nhất vẫn là ở xã Phúc Trạch.
Bưởi Phúc Trạch chỉ có mùa vào khoảng tháng 7, 8 và 9 âm lịch. Hiện nay, sản lượng bưởi Phúc Trạch “chính hiệu” trồng tại địa phương không đủ để cung cấp cho nhu cầu người tiêu dùng trong tỉnh và cả nước. Điều đặc biệt là giống bưởi này đã được nhân giống trồng ở nhiều nơi và cũng được chăm sóc rất công phu nhưng chất lượng quả được ngon được như trên đất Phúc Trạch.
Ông Lê Hồng Mai (xóm 8), người gắn bó gần cả cuộc đời với cây bưởi và năm nào cũng có những cây bưởi trĩu quả, trải lòng: Bưởi đường Phúc Trạch là loại cây khó tính lắm, trên cùng một cây nhưng quả ở gần ngọn thì ngon hơn quả gần gốc, cây có tuổi cao, cây chiết từ cành thì quả ngon. Trong thời buổi kinh tế thị trường, sự gian lận thương mại khá phổ biến nên ai muốn ăn bưởi đường Phúc Trạch ngon, đúng thương hiệu phải hái bưởi tận gốc. Mỗi độ thu về là mùa bưởi chín, du khách đến Hương Khê và người Hương Khê đi chơi nơi khác ít ai quên mua một ít bưởi làm quà. Gia đình có con đi xa không quên hái một ít bưởi, hái nhẹ không xây xát vỏ, bôi vôi lên cuống rồi cất cao, dành phần con cháu. Lúc này vỏ quả bưởi đã co khô, ruột bưởi mềm, ngọt lịm ăn vào cảm thấy khoan khoái vô cùng.
Các cụ bảo, đất không phụ lòng người. Không biết có phải cây bưởi cũng thấu hiểu những gian nan của người trồng hay không mà vào lúc những người trồng bưởi ở Phúc Trạch nản lòng nhất, vào một năm mà thời tiết bất thường nhất, khi đợt lũ lịch sử ngập nhà dân hơn một mét rồi rét đậm, rét hại tràn về thì những cây bưởi lại ra hoa. Năm đó, các cây bưởi đều cong cành trĩu quả. Bưởi được mùa như hương hoa của mười năm tích tụ trào ra. Người trồng bưởi, buôn bưởi có thu nhập và người tiêu dùng cũng thỏa thuê ăn bưởi quê nhà.
Theo UBND huyện Hương Khê, thời gian qua, để khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng bưởi và thương mại hóa giống bưởi quý này, UBND huyện đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, để người trồng bưởi yên tâm sống được từ cây bưởi, các ngành chức năng và huyện Hương Khê cần phải tăng cường phối hợp với các tổ chức, các nhà khoa học nghiên cứu tìm giải pháp tăng khả năng đậu quả, không chế, loại trừ các bệnh nguy hiểm gây hại cho cây bưởi, đồng thời tăng cường quản lý, sử dụng tem nhãn bưởi Phúc Trạch để mở rộng và nâng cao giá trị của bưởi Phúc Trạch trên thị trường…
Ninh Hà
Nguồn baohtinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn