17:35 EST Thứ tư, 13/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tái cơ cấu ngành nông nghiệp » Sản phẩm chủ lực


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Phát triển cây cao-su ở Bắc Trung Bộ

Thứ tư - 17/04/2013 04:56
Thời gian qua, các tỉnh Bắc Trung Bộ gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tập trung phát triển nhanh cây cao-su (CS). Hiệu quả bước đầu đã khẳng định đây là cây xóa đói, giảm nghèo bền vững, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa khó khăn. Tuy nhiên, việc phát triển CS vẫn chưa tương xứng với tiềm năng đất đai, lao động của vùng đất này.

 

Hiệu quả từ cây cao-su

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ðình Sơn  cho biết: Năm 1997, Hà Tĩnh bắt đầu trồng CS  đại điền qua việc sáp nhập Nông trường Truông Bát vào Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam (CNCSVN). Ðến nay, đã có gần 11 nghìn ha CS được trồng mới ở các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Ðức Thọ..., trong đó, gần 3.000 ha CS đã cho khai thác, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/tháng. Hiệu quả rõ rệt nhất là cây CS được trồng đến đâu, hạ tầng kỹ thuật: điện - đường - trường - trạm phát triển đến đó. Ðặc biệt, trong giai đoạn Hà Tĩnh đang triển khai quyết liệt xây dựng nông thôn mới (NTM), các dự án trồng CS được lồng ghép với các dự án xây dựng NTM từ hạ tầng kỹ thuật đến phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, nhất là đối với các địa phương ở những vùng sâu, vùng xa khó khăn. Những tọa độ "lửa", "vùng đất chết", như Ðồng Lộc, Khe Giao, Ðịa Lợi, Truông Bát... do bom đạn của Mỹ phá hoại trong chiến tranh, nay được khai phá phục hồi trồng CS, đã trở thành  những vùng quê trù phú với những cánh rừng CS bạt ngàn xanh tốt. 

Thăm các đội sản xuất Nông trường Truông Bát và Nông trường Thanh Niên thuộc Công ty CS Hà Tĩnh, chúng tôi thấy con đường Thanh Niên dài hơn 14 km trước đây dốc núi quanh co, lầy lội,  nay được mở rộng, bạt thấp, thảm nhựa, láng bê-tông. Những ngôi nhà ngói đỏ của công nhân lấp ló giữa cánh rừng CS bạt ngàn. Anh Phạm Văn Bằng, đội 5, Nông trường Truông Bát cho biết, hai vợ chồng anh nhận khoán hơn tám ha CS,  thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng, những ngày cao điểm cạo hơn 200 kg mủ, thu từ 700 đến 800 nghìn đồng. Ngoài ra, vợ chồng anh còn chăn nuôi gà, bò thu  hàng chục triệu đồng/năm. Sau tám năm xây dựng gia đình, vợ chồng anh đã tích lũy mua được đất, sửa nhà ở quê xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc...

Chị Nguyễn Thị Tuyết - người dân địa phương, nhận khoán hai ha CS kết hợp phát triển chăn nuôi, thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng, mức thu nhập khá ở đây. Các hộ dân địa phương ở khu kinh tế mới Khe Môn này sống phụ thuộc vào rừng, phần lớn thuộc diện nghèo khó... nay  đổi đời nhờ dự án cây CS. 

Tìm hiểu việc phát triển cây CS tại tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi được biết việc sáp nhập năm nông trường và Công ty CS Thanh Hóa vào Tập đoàn CNCSVN đã tạo cú hích mới trong phát triển CS đại điền và CS tiểu điền, được phân bố dọc theo đường Hồ Chí Minh ở các huyện: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Như Xuân và vùng bán sơn địa Thọ Xuân, Như Thanh, Nông Cống, Triệu Sơn. Hiện nay, Thanh Hóa đang dẫn đầu trong ba tỉnh Bắc Trung Bộ,  với diện tích hơn 16 nghìn ha, trong đó hơn một phần ba diện tích CS đang khai thác cho hiệu quả kinh tế cao.


Chế biến mủ cao-su ở Nông trường Vân Du (Thanh Hóa).

 Giám đốc Nông trường Vân Du Nguyễn Thành Du và Phó Giám đốc Nông trường Thạch Thành Nguyễn Thị Thúy cho biết: Cây CS đứng trên đất Thanh Hóa từ những năm 60 của thế kỷ trước. Khi sáp nhập về Tập đoàn CNCSVN, các đơn vị làm ăn ổn định hơn và đã ký hợp đồng với hàng trăm hộ dân nhận khoán trồng CS.  Doanh nghiệp đầu tư giống, vốn, vật tư, kỹ thuật trồng, chăm sóc, bao tiêu sản phẩm và chia thu nhập theo tỷ lệ 40% (hộ nhận khoán), 60% (doanh nghiệp). Cùng với việc cung ứng giống cho nông dân trong vùng phụ cận trồng mới hàng trăm ha CS tiểu điền, doanh nghiệp còn cho nông dân vay vốn hỗ trợ lãi suất trồng dứa và cây màu xen canh trong thời kỳ CS chưa khép tán để có thêm thu nhập...

Bằng các chính sách khuyến khích, thời gian qua tỉnh Thanh Hóa phát triển CS tiểu điền khá tốt với diện tích lên đến gần 13 nghìn ha. Gia đình ông Nguyễn Bá Cường ở thôn Tuyên Quang, xã Thành Vân, huyện Thạch Thành, trồng 15 ha, trong đó có 5 ha đến kỳ khai thác đã cho thu hoạch 50-60 triệu đồng/ha/năm. Nhờ cây CS, gia đình ông xây được nhà kiên cố trị giá hơn 500 triệu đồng. Thấy rõ hiệu quả kinh tế do CS đem lại, hàng nghìn hộ ở huyện Thạch Thành đã mạnh dạn đầu tư CS tiểu điền. Họ vào tận miền Ðông Nam Bộ mua giống CS. Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát, cấp phép cho chín cơ sở, doanh nghiệp du nhập giống CS từ phía nam về cung ứng cho nhân dân và kịp thời trích ngân sách  hỗ trợ nông hộ trồng CS tiểu điền 7 triệu đồng/ha cùng hai triệu đồng hỗ trợ hai năm đầu...

 Công ty lâm nghiệp Anh Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An), trước kia chỉ phân vùng sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu các loại cây giang, nứa tép... kém hiệu quả. Cây CS được đưa vào trồng hợp với khí hậu, thổ nhưỡng  phát triển rất tốt. Tuy đang trong giai đoạn trồng kiến thiết cơ bản nhưng thu nhập của người dân tham gia dự án trồng CS khá ổn định, bình quân 3,5 đến 4,5 triệu đồng/tháng. Nhiều lao động địa phương là người dân tộc thiểu số bản Cao Vều được nhận khoán trồng CS, trở thành công nhân đã thoát nghèo và thật sự đổi đời.

Ðể cây cao-su phát triển bền vững

Các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An có tiềm năng đất đai và nhân lực lớn, đặc biệt khu vực dọc đường Hồ Chí Minh và các vùng đất rộng lớn miền tây. Do đó, các địa phương đều xác định CS là cây công nghiệp chủ lực  góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Tỉnh Nghệ An đã quy hoạch nhiều vùng đất rộng lớn để phát triển CS, kế hoạch đến năm 2020 trồng khoảng 37 nghìn ha. Mục tiêu đề ra rất lớn nhưng thực tế cho thấy tiến độ trồng mới thời gian qua quá chậm. Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho thấy, tại sáu đơn vị thực hiện dự án trên từ năm 2010 đến nay chỉ đạt từ   5,6%  đến 22,4% so với kế hoạch. Giám đốc Công ty CP Ðầu tư và Phát triển CS  Nghệ An Trần Ngọc Thắng cho biết: Công ty được UBND tỉnh Nghệ An lập hồ sơ cho thuê gần 10 nghìn ha tại các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Anh Sơn, Thanh Chương... và xây dựng nhà máy chế biến, hứa hẹn tạo việc làm ổn định thường xuyên cho hàng nghìn lao động... Dù vậy,  công ty đang gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng ở một số huyện, đặc biệt là tại Anh Sơn; trong khi một số chính sách của tỉnh ban hành chậm được sửa đổi nên không phù hợp với thực tế phát triển cây CS mà công ty đang triển khai. Việc này, tuy UBND tỉnh đã có văn bản kết luận giao các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm để đẩy nhanh tiến độ nhưng cho đến nay vẫn giẫm chân tại chỗ. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ trồng  CS còn nhiều bất cập; quy hoạch trồng CS chậm được triển khai thực hiện một cách đồng bộ...  Như vậy, Nghệ An vẫn là tỉnh "đi trước về sau" trong phát triển CS.

Tuyến đường Thanh Niên rộng mở vào Nông trường Thanh Niên (Hà Tĩnh).

Còn ở Hà Tĩnh, tỉnh đã chủ động rà soát lại quy hoạch và định hướng đến năm 2020 trồng 25 nghìn ha CS, tập trung phát triển chủ yếu ở các huyện miền núi phía tây; ưu tiên tận dụng nguồn vốn, kỹ thuật của Tập đoàn CNCSVN để phát triển CS đại điền và CS liên kết, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời khuyến khích phát triển CS tiểu điền. Với hướng phát triển trồng CS liên kết, tỉnh Hà Tĩnh và Tập đoàn CNCSVN đã thống nhất được phương án chia sản phẩm mà theo Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn CNCSVN Trần Ngọc Thuận là  phần lợi thuộc về người dân. Theo đó, Tập đoàn  lo toàn bộ chi phí đầu tư từ hạ tầng kỹ thuật, trồng CS đến bao tiêu sản phẩm; hộ nông dân chỉ góp đất, quyền sử dụng đất, được chia 13% doanh thu, chưa kể phần tiền công nhận khoán chăm sóc, bảo vệ khai thác mủ. Nhằm khuyến khích người dân phát triển CS tiểu điền, các đơn vị trên địa bàn sẽ làm "bà đỡ" về kỹ thuật, cây giống và bao tiêu sản phẩm. Ðiều quan trọng hơn, việc giao đất, cho thuê đất, các địa phương tính toán, trên cơ sở động viên các đơn vị trồng CS thuê đất hay giao đất phía trong ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, phía ngoài, vùng thuận lợi thì giao cho người dân. Ðây chính là điều kiện để Hà Tĩnh đẩy nhanh diện tích cao-su tiểu điền trong thời gian tới.

Tuy vậy, Hà Tĩnh cũng gặp một số khó khăn trong việc phát triển nhanh CS đại điền do người dân địa phương và doanh nghiệp còn vướng mắc. Theo Giám đốc Công ty CS Hương Khê Nguyễn Thanh Long: Một số người dân đã cố tình ngăn cản không cho triển khai trồng CS tại một số địa phương, mặc dù doanh nghiệp đã được UBND tỉnh cho thuê đất hay cấp  sổ đỏ, tạo tiền lệ xấu trong phát triển CS tại Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, Hà Tĩnh quá tập trung vào phát triển CS đại điền, chưa tập trung phát triển CS tiểu điền. Cộng thêm  những bất cập trong một số chính sách, nên diện tích  trồng CS tăng chưa đạt so với kế hoạch.

Ðể phát triển bền vững cây CS ở ba tỉnh Bắc Trung Bộ đến năm 2020, với mục tiêu phát triển khoảng gần 100 nghìn ha CS, Nhà nước nên có chính sách cho nhân dân vay vốn dài hạn. Tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ nguồn giống;  thiết lập trật tự trong thu mua, chế biến mủ CS.  Cấp ủy, chính quyền các cấp phải "đồng hành" cùng doanh nghiệp trong công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất,  nhanh chóng giải quyết những vướng mắc phát sinh liên quan... Cần kiểm tra, rà soát, thuê thiết kế, lập dự án trồng CS cho từng địa phương theo quy hoạch; phân kỳ thực hiện dự án; gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo phát triển diện tích CS thâm canh. Mặt khác, cần giải quyết tốt quan hệ lợi ích giữa CS đại điền với tiểu điền, người trồng CS với đơn vị thu mua, chế biến mủ; quan hệ lợi ích giữa doanh nghiệp và tập thể, cá nhân liên quan. Vận động nhân dân dồn điền đổi thửa, xóa các diện tích trồng CS tiểu điền manh mún và tiếp tục quy hoạch, chuyển đổi diện tích rừng nghèo kiệt sang trồng CS tập trung thành vùng sản xuất quy mô lớn.

BÀI, ẢNH: THÀNH CHÂU, MINH THƯ VÀ MAI LUẬN
Theo nhandan.org.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 363

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 362


Hôm nayHôm nay : 41569

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 525124

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 70752439