Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, 36/63 tỉnh, thành phố đã triển khai Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản. Theo đó, về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, hiện nay diện tích tôm sú vẫn tương đối ổn định. Đáng chú ý, trong hai năm qua, cơ cấu đã chuyển dịch dần sang thâm canh tôm thẻ chân trắng. Mặc dù từ năm 2014 đến nay, nhất là những tháng đầu năm 2015, tình hình xuất khẩu thủy sản trong cả nước nhìn chung gặp nhiều khó khăn, giá tôm nguyên liệu giảm sút khá mạnh, dẫn đến tình trạng nhiều hộ nuôi tôm “treo ao”.
Ngoài việc nuôi tôm, về lĩnh vực thả nuôi cá tra ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong hai năm qua cũng gặp nhiều khó khăn. Các địa phương đã chủ động rà soát lại diện tích, tổ chức liên kết doanh nghiệp với người nuôi.
Trong lĩnh vực khai thác thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá, các địa phương trong cả nước đã chủ động định hướng ngư dân phát triển những nghề đánh bắt bền vững; chú trọng khâu chế biến, bảo quản theo tinh thần Nghị định 67 của Chính phủ, nhất là việc tăng cường đội tàu đánh bắt xa bờ.
Bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu nhiều địa phương đã thẳn thắn nêu khâu liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, gắn sản xuất với thị trường còn gặp nhiều khó khăn, yếu kém.
Ngoài ra, trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh, giá tôm nguyên liệu không ổn định, nhất là mấy tháng qua liên tục sụt giảm mạnh, gây khó khăn cho người nuôi tôm… Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho nuôi trồng thủy sản vẫn còn hạn chế, yếu kém kéo dài nhưng chưa được khắc phục.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đề nghị các đại biểu địa phương tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc, yếu kém kéo dài trong lĩnh vực này thời gian qua. Đồng thời, tích cực đề ra các biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nhất là cần xem lại công tác đào tạo; việc tuyên truyền và thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản và sản xuất, chế biến, tiêu thụ tôm nước lợ đã đến được với người dân hay không.
Trước đó, ngày 12-7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã đến khảo sát mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà kính của Tập đoàn Việt Úc triển khai tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Đây là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính đầu tiên trong cả nước.
Dự án nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính của Tập đoàn Việt Úc được triển khai giai đoạn 1, thả nuôi 14 ao tôm thẻ chân trắng, với mật độ từ 200-500 con/m2. Sau khi thu hoạch hai ao đầu tiên, năng suất đạt khoảng hơn 60 tấn/ha, cao gấp ba lần cách nuôi thông thường.
Trọng Duy
Theo: nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn