Hơn 20 năm qua, bên cạnh thành tựu rất quan trọng của nông nghiệp Việt Nam như năng suất các cây, con không ngừng tăng lên, trong đó có trên 10 loại cây, con có năng suất sinh học thuộc nhóm cao nhất thế giới, sản lượng nhiều sản phẩm như gạo, tiêu, điều, cà phê, cao su, chè tăng nhanh thì có 4 bất cập vẫn tồn tại kéo dài, đó là:
Hiện tượng được mùa rớt giá năm nào cũng xảy ra;
Thiếu vốn là hiện tượng thường xuyên với hầu hết các hộ nông dân, mặc dù đã có chính sách của nhà nước;
Thu nhập của nông dân thấp hơn so với lao động trong công nghiệp và dịch vụ với khoảng 47% lao động cho nông nghiệp, đóng góp 19% vào tổng sản phẩm nội địa thì năng suất lao động hay thu nhập bình quân của hộ nông dân chỉ bằng khoảng 1/3 của người lao động trong công nghiệp và dịch vụ;
Xuất khẩu nông sản không ổn định, giá cả chất lượng bị động.
Có nhiều nguyên nhân của 4 bất cập kéo dài nói trên. Song, có một lý do cơ bản nhất là có sự không tương thích của quan hệ sản xuất và tổ chức sản xuất cho nông nghiệp với kinh tế thị trường trong điều kiện hiện nay và hội nhập quốc tế. Đa số hộ nông dân của nước chúng ta, những đơn vị sản xuất cơ bản trong nông nghiệp rất nhỏ và tiềm lực rất yếu, sản xuất đơn lẻ và không thích nghi với kinh tế thị trường và hội nhập hiện nay. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2011, nước ta có 11,9 triệu hộ sản xuất nông nghiệp nói chung, trong đó 35% số hộ có diện tích canh tác dưới 0,2ha, tức là một miếng đất có chiều rộng 40m và một chiều 50m, 69% số hộ có diện tích dưới 0,5ha và 80% số hộ nông dân có diện tích canh tác dưới 1ha, chỉ 20% lớn hơn 1ha. Trong việc trồng cây hàng năm với 10,36 triệu hộ thì bình quân mỗi hộ chỉ có 0,62ha còn trồng cây lâu năm thì mỗi hộ chỉ có 0,7ha. Cả nước có hơn 4 triệu hộ nuôi lợn thì 77% các hộ nuôi dưới 5 con, có 7,9 hộ nuôi gà thì 90% nuôi dưới 49 con.
Hiện, một hộ nông dân có 2 lao động và 2 người phụ thuộc trong tổng số 21 triệu lao động nông nghiệp thì 97,25% không được đào tạo về nghề nghiệp, chỉ có 1,5% đào tạo trình độ sơ cấp, 1,23% trình độ trung cấp và 0,21% trình độ cao đẳng, đại học. Như vậy, lực lượng chủ lực của nông nghiệp nước ta là hơn 10 triệu nông dân, với bình quân chỉ có 2 lao động/hộ hầu chưa qua đào tạo nghề, diện tích đất 80% dưới 1ha, thiếu vốn thường xuyên. Nếu canh tác độc lập, riêng lẻ thì sức mạnh kinh tế của họ rất nhỏ bé, khả năng chịu rủi ro rất nhỏ, thoát nghèo, trở lại nghèo rất dễ dàng. Để liên kết các hộ nhỏ lẻ thành các đơn vị kinh tế lớn hơn, từ lâu chúng ta đã có chủ trương và chỉ đạo hình thành các hợp tác xã.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên có một thời gian dài nhận thức của chúng ta về bản chất và vai trò hợp tác xã trong nông nghiệp chưa phù hợp với quy luật hợp tác xã ở các nước trong hơn 100 năm qua. Vì vậy, tác dùng của hợp tác xã và hiệu quả của hợp tác xã còn hạn chế. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Kinh tế trung ương, hiện nay cả nước có hơn 10.000 hợp tác xã, thu hút khoảng 45% lao động, khoảng 10% hợp tác xã làm ăn hiệu quả, trong đó chỉ có 9% hợp tác xã quan tâm tiêu thụ sản phẩm cho xã viên, 60%-70% hợp tác xã hoạt động trung bình, 20%-30% hoạt động kém hoặc đã ngưng hoạt động.
Do các hợp tác xã chỉ cung cấp một số đầu vào cho xã viên như giống, phân bón, thức ăn. Hơn 90% hợp tác xã không quan tâm đến điều xã viên quan tâm nhất là tiêu thụ sản phẩm của hộ xã viên. Như vậy, hiện nay các hợp tác xã hoạt động hiệu quả chỉ liên kết hỗ trợ được khoảng 5% số hộ nông dân cả nước, còn 95% số hộ thực chất là sản xuất theo phương thức tự quyết định trồng cây gì, nuôi con gì, bán sản phẩm không hợp đồng cho người mua tư nhân, không biết trước ai sẽ mua, mua giá nào, mua bao nhiêu. Do về nhận thức hợp tác xã còn rất khác nhau ở các địa phương nên quy mô số lượng các dịch vụ hợp tác xã cũng rất khác nhau. Ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Hồng hiện nay nhiều hợp tác xã được thành lập từ nhiều năm qua có quy mô 1 hợp tác xã 1000 xã viên. Trong khi hầu hết hợp tác xã thành lập 5 năm qua, ở Hà Tĩnh chỉ có 7-20 xã viên, ở An Giang, Vĩnh Long bình quân vài chục xã viên.
Trong bối cảnh 95% hộ nông dân không được các hợp tác xã dự báo nhu cầu sản phẩm, quy hoạch sản xuất về tiêu thụ sản phẩm cho họ thì các đòi hỏi rất hợp lý về lý thuyết, các chính sách hỗ trợ cho nông dân và các đòi hỏi của hội nhập quốc tế đối với gần 10 triệu hộ nông dân là không khả thi. Với quy mô bình quân mỗi hộ 2 lao động, diện tích không quá 1ha, 97% không qua đào tạo nghề nghiệp thì các hộ này không thể nghiên cứu thị trường, không thể dự báo thị trường và lập kế hoạch sản xuất của mình theo nhu cầu thị trường. Chúng ta đòi hỏi nông dân phải sản xuất theo nhu cầu thị trường, nhưng thực tế gần 10 triệu hộ nông dân này không thể biết nhu cầu thị trường là gì, là bao nhiêu, ở đâu? Chỉ có hợp tác xã và các doanh nghiệp có bộ phận chuyên trách về phân tích thị trường và sử dụng thông tin thị trường do các cơ quan nhà nước cung cấp thì mới biết thị trường là thế nào.
Hai, hộ nông dân với 2 lao động, đất không quá 1ha, không có thế chấp gì, không có tư cách pháp nhân, không thể là đối tác thực sự của các ngân hàng để cho vay theo chính sách ưu đãi của nhà nước. Ngân hàng không thể cho vay 10 triệu hộ như vậy mà tin rằng có thể thu hồi vốn ở hầu hết các trường hợp. Chỉ khi các hộ liên kết lại thành hợp tác xã, hợp tác xã hướng dẫn xã viên sản xuất theo kế hoạch, tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng hợp tác xã đã ký kết, giám sát, giúp nhau áp dụng giống và kỹ thuật mới thì các ngân hàng mới cho họ vay thông qua sự đảm bảo của hợp tác xã. Hiện nay, việc cho hộ ngư dân vay để đóng tàu mới đã yêu cầu hộ ngư dân phải là thành viên của hợp tác xã hoặc tổ sản xuất ngư dân trên biển.
Ba, hộ nông dân 2 lao động, đất không quá 1 héc ta, không pháp nhân, không có vốn, không thể có tư thế để đàm phán với người bán đầu vào sản xuất như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Họ mua ít, nhỏ lẻ, đến vụ phải mua, vì không mua sẽ quá thời vụ thì bị ép giá mua cao là tất yếu. Họ cũng không thể đàm phán với tư thương, với tư nhân để mua đầu vào, vì họ bán rất ít sản phẩm, bán nhỏ lẻ, đến vụ phải thu hoạch cho nên họ phải bán để có tiền trả nợ cho vay đầu vào khi vào vụ sản xuất, để lâu càng giảm giá, nên hộ nông dân bị ép giá bán đầu ra thấp là tất yếu. Thị trường đầu vào và đầu ra các sản phẩm nông nghiệp nước ta thực chất không là thị trường cạnh tranh mà là thị trường do người bán đầu vào, người mua đầu ra chi phối, nông dân lép vế, không bình đẳng. Chỉ có hợp tác xã với sức mua gấp hàng chục, hàng trăm lần một hộ mới có sức mạnh kinh tế để lựa chọn doanh nghiệp bán đầu vào và mua đầu ra, đàm phán về giá cả. 10 triệu hộ nông dân đơn lẻ là 10 triệu hộ nông dân yếu thế trên thị trường đầu vào và thị trường đầu ra. Nếu bình quân cứ 100 - 300 hộ thành lập một hợp tác xã thì từ 10 triệu hộ nông dân sẽ hình thành 33.000-100.000 hợp tác xã là những pháp nhân kinh tế, có sức mạnh kinh tế, để thực sự tạo ra thị trường đầu vào, đầu ra có tính cạnh tranh.
Bốn, chúng ta nói các doanh nghiệp phải liên kết với nông dân để tiêu thụ và chế biến sản phẩm. Song một doanh nghiệp khó cùng một lúc liên kết với 1.000 hoặc 5.000 hộ nông dân để hướng dẫn họ sản xuất cùng một loại cây, nuôi cùng một loại con và giám sát họ thực hiện quy trình sản xuất hiện đại, đồng bộ. Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang là một ngoại lệ. Với tình cảm sâu sắc với nông dân, công ty đã ký hợp đồng liên kết với hơn 20.000 hộ nông dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để sản xuất trên các cánh đồng lớn. Công ty hỗ trợ nông dân về giống chất lượng cao, hướng dẫn quy trình sản xuất hiện đại và tiêu thụ hết lúa cho nông dân. Để làm được điều này, Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang phải phát triển một đội ngũ hướng dẫn viên đồng ruộng hơn 1.500 người là các cán bộ trung cấp hoặc cao đẳng nông nghiệp, bình quân một hướng dẫn viên hướng dẫn 20-25 hộ nông dân. Song, đến bây giờ Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang cũng không thể mở rộng cách làm hơn nữa mà đã đề xuất cần thành lập các hợp tác xã kiểu mới để nông dân tự quản. Công ty vẫn hỗ trợ nông dân và tiêu thụ sản phẩm cho hợp tác xã song đối tác của công ty không phải hàng vạn hộ nông dân mà chỉ là các hợp tác xã.
Thứ năm, sản phẩm của nông dân muốn tiêu thụ quy mô lớn và xuất khẩu phải có chứng nhận chất lượng sản phẩm và xuất xứ hàng hóa, đây là đòi hỏi hợp lý. Song, không một tổ chức kiểm tra và chứng nhận chất lượng sản phẩm nào có thể kiểm tra cấp chứng nhận và tái kiểm tra cho gần 10 triệu hộ nông dân với quy mô canh tác không quá 1 ha chỉ có 2 lao động. Chỉ có hợp tác xã mới quan hệ chặt chẽ với xã viên, hướng dẫn và giám sát lẫn nhau với quy hoạch sản xuất có tính ổn định, với lực lượng chuyên trách về khoa học, công nghệ, có tư cách pháp nhân mới là đối tác của các tổ chức kiểm tra và chứng nhận về chất lượng sản phẩm, chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Tóm lại, chừng nào mà nền sản xuất nông nghiệp còn chủ yếu là các hộ riêng lẻ không liên kết, 10 triệu hộ nông dân vẫn mãi là 10 triệu hộ yếu thế và các đòi hỏi rất hợp lý về sản xuất nông nghiệp và các chính sách tín dụng đào tạo nông dân liên kết các nhà khoa học sẽ rất khó thực thi. Thực tế thành lập và vận hành các hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã 2012 ở nhiều địa phương đã chứng minh các hợp tác xã này tuy chỉ có vài chục xã viên, song đã thực sự giúp các hộ xã viên sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn hẳn, đặc biệt là tổ chức sản xuất theo nhu cầu thị trường và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp sẽ hướng tới sản xuất quy mô lớn các sản phẩm chủ lực, sử dụng các giống chất lượng và năng suất cao, quy trình canh tác hiện đại gắn với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm thì chủ thể quan trọng nhất phải là các hợp tác xã. Chuyển từ sản xuất hộ cá thể, đơn lẻ là chủ yếu sang sản xuất liên kết qua hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp qua hợp tác xã. Đối tác của các chính sách của nhà nước về quản lý sử dụng đất, về vốn, về đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, liên kết của nông dân với doanh nghiệp và các nhà khoa học phải là hợp tác xã. Để có thể trở thành đối tác có thể phát triển sản xuất quy mô lớn của nông nghiệp phải là hợp tác xã và có doanh nghiệp chứ không phải là các hộ nông dân với chỉ 2 lao động dưới 1ha.
Với Luật hợp tác xã năm 2012 và các kết quả tấm gương hợp tác xã kiểu mới ở nhiều địa phương nếu chúng ta đẩy mạnh việc hình thành và triển khai các hợp tác xã kiểu mới thì đây là yếu tố nền tảng quan trọng nhất, khâu đột phá để tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam và nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân Việt Nam.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn