Nông dân ở huyện Giang Thành, Kiên Giang đã bắt đầu chuyển từ trồng lúa sang trồng ngô
Theo kế hoạch của Bộ NNPTNT, để giảm áp lực tiêu thụ lúa gạo, ngành nông nghiệp đang chủ trương chuyển đổi 260.000ha lúa sang trồng cây màu, trong đó ngô chiếm diện tích nhiều nhất. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu cây trồng BĐG được thừa nhận, thì đây là cơ hội tốt để gắn cây này với mục tiêu chuyển đổi cây trồng.
Nông dân ngóng chờ
Từ tháng 4 vừa qua, được sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp huyện Giang Thành (Kiên Giang), gia đình ông Phạm Văn Hai ở ấp Mẹt Lung, xã Vĩnh Phú đã lần đầu tiên tiếp cận và trồng cây ngô thay vì cây lúa như thông thường. Vừa bón phân cho ruộng ngô đang kỳ xanh tốt, ông Hai vừa nói: “Nhà tôi có 9ha ruộng, vụ này được huyện hỗ trợ, tôi đã chuyển đổi 5ha sang trồng ngô lai. Cứ tưởng khó trồng, nhưng nghe cán bộ kỹ thuật hướng dẫn thấy cũng dễ lắm”. Theo ông Hải, cái khó của người nông dân khi đang trồng lúa chuyển sang trồng ngô, đó là thiếu máy móc, từ khâu làm đất, tra hạt cho đến thu hoạch. Trong đó, mất nhiều công nhất là khâu tra hạt, rồi làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh.
Chính vì thế, khi nghe chúng tôi hỏi: Nếu có giống ngô kháng được thuốc trừ cỏ, nên không cần làm cỏ nữa, sâu bệnh cũng không còn, ông có sử dụng không? Chẳng cần biết đến đó là giống ngô gì, ông Hai nói ngay: “Có giống ngô đó thì tôi sẽ chuyển cả 9ha ruộng sang trồng ngô”. Bởi theo ông, bây giờ nhân công ở đây hiếm, thuê được người làm không phải dễ, nên giảm được khâu nào, người dân sẽ được lợi khâu đó.
Đang sở hữu tới 30ha ruộng, anh Phạm Văn Beo (ấp Tân Khánh, xã Tân Khánh Hưng, huyện Giang Thành, Kiên Giang) cũng mạnh dạn trồng tới 6ha ngô ngay trong vụ đầu tiên được Phòng Nông nghiệp huyện hỗ trợ. Theo anh Beo, khi mới chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô có một số trở ngại, ngoài hạn chế do chưa có máy móc cơ giới áp dụng vào sản xuất, thì vấn đề đầu tư nhân công, năng suất cũng còn nhiều khó khăn. Do trồng trên diện tích lớn, nên hầu như khâu nào anh cũng phải thuê nhân công, từ việc làm cỏ, bón phân đến phun thuốc trừ sâu. Đó là chưa kể đến 2 khâu chính là trồng và thu hoạch nữa. “Nếu có giống ngô trồng mà không phải làm cỏ, không phải phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, năng suất lại tăng lên, thì tôi sẵn sàng áp dụng ngay” - anh Beo nói.
Theo ông Phạm Văn Hoáng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Giang Thành, riêng Giang Thành có thể chuyển đổi được từ 7.000-10.000ha từ diện tích đất lúa sang trồng ngô. Song vấn đề là cây ngô cần chứng mình được ưu thế là giảm chi phí đầu tư, đồng thời gia tăng năng suất, đảm bảo đầu ra. Có như thế, người nông dân mới yên tâm chuyển đổi đất lúa sang trồng ngô.
Không chỉ ở Kiên Giang, hiện việc chuyển đổi cơ cây trồng ở đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra khá mạnh như tỉnh Tiền Giang cũng đã chuyển đổi được gần 4.400ha sang trồng ngô. Tuy nhiên, theo ông Cao Văn Hóa- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Tiền Giang, năng suất ngô hiện chưa cao hơn lúa, giá bán cũng không cao hơn nên nếu chuyển đổi, chúng ta cần giải quyết được vấn đề này. “Tôi nghe nói, giống cây trồng BĐG có thể cho năng suất tới 10 tấn/ha, vì thế chúng tôi rất mong Bộ NNPTNT sớm có giải pháp để nhanh chóng đưa cây trồng này vào sản xuất” - ông Hóa bày tỏ.
TS Lê Văn Bảnh- Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cũng cho rằng, chuyển đổi cây trồng, cụ thể là từ lúa sang cây ngô ở ĐBSCL chỉ thực sự có hiệu quả, nếu cây ngô cho năng suất cao hơn so với cây lúa, mà muốn gia tăng năng suất, thì cần phải ứng dụng cây trồng BĐG vào sản xuất. “Cây trồng BĐG là một tiến bộ hiện đại của khoa học kỹ thuật, giống cây trồng này đã được nhiều nước ứng dụng, nước ta là nước nông nghiệp thì không có lý gì lại phải từ chối. Nếu chúng ta càng chậm ứng dụng ngày nào, người nông dân càng thiệt ngày ấy”- TS Bảnh khẳng định.
Năng suất ngô phải đạt từ 6 tấn/ha trở lên
Trái với khu vực ĐBSCL, diện tích ngô ở khu vực phía Bắc, nhất là đồng bằng sông Hồng lại đang có xu hướng giảm. Chỉ tính từ năm 2009 đến nay, diện tích ngô ở khu vực này đã giảm 10.000ha. Theo ông Lê Văn Dũng- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Phúc, có 3 nguyên nhân chính dẫn tới diện tích ngô miền Bắc giảm là thời tiết, sâu bệnh và chi phí đầu tư cao. Do đó, để sản xuất ngô hiệu quả, cần cơ cấu lại mùa vụ, đồng thời có những bộ giống tốt, nhất là các giống ngô biến đổi gene để kháng lại sâu bệnh, giảm công làm cỏ. “Tôi đã từng sang Philippines thăm những cánh đồng ngô sử dụng giống BĐG, thì thấy môi trường ở đây rất bình thường. Bắp ngô đều và đẹp, không hề có sâu mọt, hạt đều nhau. Quan trọng hơn là người dân ở đây rất hào hứng đón nhận giống cây trồng này, bởi nó đem lại năng suất và thu nhập cao hơn cho họ” - ông Dũng chia sẻ.
Trên thực tế, ngoại trừ một số bộ giống ngô lai mới được ứng dụng sản xuất trong thời gian gần đây, năng suất ngô bình quân ở miền Bắc khá thấp, thậm chí thấp hơn bình quân chung cả nước khi chỉ đạt 4-4,6 tấn/ha. Theo tính toán, để có lãi thì năng suất phải đạt ít nhất từ 6 tấn/ha trở lên.
Để đẩy nhanh việc chuyển đổi cây trồng, nhất là cây ngô ở miền Bắc, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cũng cho rằng, nhất thiết chúng ta phải đạt được tối thiểu 2 con số là “6” và “5”. Trong đó, 6 tức là 6 tấn/ha trở lên và 5 là giá bán đạt 5.000 đồng/kg trở lên.
Trao đổi với NTNN, TS Nguyễn Thị Thanh Thủy- Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường (Bộ NNPTNT), Ủy viên Hội đồng An toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi BĐG cho biết: “Thực tế, trong những năm qua nước ta đã nhập khẩu nhiều nguyên liệu như ngô, đậu tương BĐG để sản xuất thức ăn chăn nuôi, nên việc Bộ NNPTNT công nhận chính thức như thế này là để chúng ta quản lý tốt hơn”. Trả lời về việc, vậy đến khi nào giống cây trồng BĐG sẽ chính thức được công nhận sản xuất tại nước ta, bà Thủy cho biết: “Việc công nhận giống cây trồng BĐG thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên- Môi trường; Bộ NNPTNT sẽ phối hợp để sớm hoàn thiện quy trình này”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn