Lựa chọn vải thiều trước khi đưa vào xử lý bằng công nghệ CAS tại Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng. Ảnh: KHƯƠNG LỰC
|
Sản xuất không ngừng phát triển Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đến nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thể hiện qua việc đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhờ vậy, nông nghiệp, nông thôn nước ta đã có bước phát triển vượt bậc. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, hằng năm phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực thì dự kiến năm 2015 sản lượng lương thực có hạt bình quân đầu người đạt 550 kg. Không chỉ bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu lương thực lớn trên thế giới, với sản lượng trung bình từ 6 đến 7 triệu tấn gạo/năm, đứng vào “top đầu” các nước xuất khẩu gạo của thế giới. Năm 2015, tốc độ tăng GDP ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 2,21%, bình quân giai đoạn 2011 - 2015 tăng 3,12%/năm, đạt mục tiêu Đại hội XI của Đảng và vượt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra (2,6 - 3%); giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước tăng 2,39%; bình quân giai đoạn 2011 - 2015 tăng khoảng 3,52%/năm. Năng suất lao động bình quân đạt 30 triệu đồng/lao động; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 30 tỷ USD, tăng 9 tỷ USD so với chỉ tiêu 21 tỷ USD đề ra. Trong đó có 10 mặt hàng đạt mức kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD gồm: gạo, cà-phê, cao-su, hạt tiêu, điều, sắn, hoa quả, gỗ và sản phẩm từ gỗ, tôm, cá tra. Nhiều chỉ tiêu quan trọng đã vượt hoặc đạt kế hoạch đề ra như sản lượng lương thực có hạt, lúa, các cây công nghiệp dài ngày, thủy sản, lâm sản, kim ngạch xuất khẩu. Sản xuất nông nghiệp phát triển, thu nhập của nông dân đã được cải thiện đáng kể. Về cơ bản, Việt Nam đã xóa được đói. Trong năm năm qua, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm bình quân 1,75%/năm; năm 2015, ước tỷ lệ hộ nghèo nông thôn (theo chuẩn nghèo mới) còn 9,3%, giảm 1,5% so với năm 2014 và ở các huyện nghèo 30a khoảng 30%. Đây cũng là một trong những thành tựu được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trong cả nước, được cả hệ thống chính trị và người dân đồng tình hưởng ứng. Với nhiều cách làm sáng tạo, nhiều nguồn lực đã được huy động để xây dựng nông thôn mới, nhờ đó diện mạo của nhiều vùng nông thôn nước ta đổi mới, đời sống tinh thần và vật chất của người dân được nâng lên. Đến cuối năm 2015 có khoảng 1.500 xã (chiếm 16,8% số xã) và 9 - 10 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy số xã về đích chưa được 20% như mục tiêu đã đặt ra, nhưng đây là một thành tựu lớn mà ngành đã đạt được trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, ngân sách nhà nước hỗ trợ chưa đạt như kế hoạch ban đầu. Trong thời gian tới, toàn ngành sẽ đẩy mạnh phong trào “Chung tay cùng cả nước xây dựng nông thôn mới”, nhất là ở các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các xã bãi ngang ven biển. Vị thế của nông dân được nâng cao Trong lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước, cũng như trong sản xuất nông nghiệp thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế, nông dân Việt Nam, từ trẻ đến già ở miền xuôi hay miền núi, biên giới và hải đảo luôn một lòng theo Đảng, cần cù, sáng tạo, đoàn kết làm nên thắng lợi. Cách đây 70 năm, nông dân chính là lực lượng nòng cốt trong cuộc khởi nghĩa tháng 8-1945 giành độc lập. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nông dân cũng là đội quân chủ lực của kinh tế kháng chiến, đóng góp sức người, sức của, là chỗ dựa của cuộc chiến tranh nhân dân. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nông nghiệp, nông dân miền bắc đã hoàn thành vai trò mặt trận hàng đầu trong xây dựng hậu phương lớn, chi viện đắc lực sức người, sức của cho cuộc đấu tranh giải phóng miền nam. Trong khi đó, nông thôn miền nam là căn cứ địa, che giấu cán bộ cách mạng và bộ đội miền bắc tiến vào giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử ngày 30-4-1975. Nông nghiệp, nông dân cũng là lực lượng đi đầu trong đổi mới theo định hướng thị trường, tạo nền tảng vững chắc về an ninh lương thực, ổn định xã hội, hỗ trợ đắc lực cho CNH - HĐH đất nước. Thêm vào đó, nông dân Việt Nam đã góp phần lớn tạo ra thành tựu xuất sắc về xuất khẩu nông sản, bảo đảm tính cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường thế giới. Với một đất nước hơn 80 triệu dân, trong đó đa số người dân vẫn sinh sống ở vùng nông thôn, thì trong nhiều năm nữa, nông nghiệp vẫn là một bộ phận quan trọng không thể thiếu của nền kinh tế. Vì thế, Đảng và Nhà nước ta vẫn coi phát triển nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ có tính chất chiến lược. Nhiều chủ trương, chính sách lớn để thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn được ban hành, trong đó có Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp - nông dân - nông thôn đã một lần nữa khẳng định vai trò “chủ thể” của nông dân trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hướng tới hội nhập kinh tế thế giới Bước sang giai đoạn mới, nhiệm vụ của ngành nông nghiệp hết sức nặng nề với nhiều khó khăn, thách thức trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng mạnh và rõ nét. Đảng và Nhà nước ta đã xác định phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng; CNH - HĐH nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong quá trình CNH - HĐH đất nước. Ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải phấn đấu đạt và vượt mục tiêu để tăng trưởng bền vững, chất lượng, tiếp tục góp phần cải thiện nhanh điều kiện sống của dân cư nông thôn, bảo vệ và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường, bảo đảm an ninh quốc phòng. Nói về định hướng phát triển trong giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, phát huy truyền thống 70 năm qua, ngành nông nghiệp chủ trương tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trên thực tế về CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn, phát huy cao hơn lợi thế sẵn có của đất nước về nông nghiệp, đồng thời chú trọng phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ phục vụ nông nghiệp. Mặt khác, vẫn phải ưu tiên phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động để tạo việc làm. Nước ta đang có 25 triệu người làm nông nghiệp là quá nhiều. Để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại năng suất cao, ít nhất hai phần ba số lao động nông nghiệp hiện nay cần được chuyển sang ngành nghề khác. Những người ở lại sản xuất nông nghiệp cần được chuyên nghiệp hóa, được hỗ trợ liên kết hợp tác sản xuất hàng hóa, hình thành các tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp chế biến hiện đại, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Nền nông nghiệp hiện đại năng suất cao chẳng những giúp tăng thu nhập của nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, mà còn chứng minh môi trường nông thôn là nơi đáng sống, là chỗ dựa vững chắc cho ổn định xã hội, nhất là khi hơn 40% lao động, 60% dân số vẫn sống ở nông thôn và sống nhờ nông nghiệp trong nhiều năm nữa.
|
Theo Hải Phương/nhandan.com.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn