Đưa nhanh tiến bộ KHCN vào tất cả các khâu
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương cần tập trung vào công tác tuyên truyền, thông qua các hình thức trao đổi, hội thảo, phổ biến nhân rộng các mô hình thành công, hiệu quả tới nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp về sự cần thiết phải liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi, thay đổi nhận thức về tái cơ cấu, hội nhập thị trường và lấy xã làm địa bàn thực hiện.
Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác dự báo, thông tin thị trường để định hướng sản xuất đến từng ngành, phân ngành. Đồng thời, Bộ cần rà soát, sửa đổi bổ sung, xây dựng cơ chế chính sách mới để phát triển lực lượng sản xuất, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Cần áp dụng khoa học công nghệ vào tất cả các khâu
Khoa học công nghệ là động lực thúc đẩy thực hiện tái cơ cấu. Vì thế, các địa phương cần phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp, các nhà khoa học đưa nhanh tiến bộ khoa học công nghệ vào tất cả các khâu: Nghiên cứu, chọn tạo giống, áp dụng quy trình canh tác, nuôi trồng tiên tiến, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, thu hoạch, bảo quản, chế biến tinh, sâu theo hướng công nghệ cao và đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nhằm giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Trong đó, đặc biệt chú trọng khâu giống, tăng cường sử dụng giống xác nhận và đưa việc sử dụng giống chất lượng vào tiêu chí giám sát và đánh giá thực hiện tái cơ cấu.
Công nghiệp chế biến, nhất là chế biến tinh, chế biến sâu đóng vai trò quan trọng và quyết định để gia tăng giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp, do đó phải có cơ chế chính sách thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này và các địa phương, từng ngành phải có chỉ tiêu phấn đấu cụ thể về tỷ lệ các sản phẩm được sơ chế, chế biến phù hợp với thị trường tiêu thụ.
Mở rộng thị trường xuất khẩu quả vải tươi
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng có ý kiến chỉ đạo về việc thúc đẩy tiêu thụ quả vải tươi.
Xét báo cáo của Bộ Công Thương về việc Australia chính thức cho phép nhập khẩu quả vải tươi từ Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương hướng dẫn, phổ biến các yêu cầu kỹ thuật, quy định cụ thể của thị trường nhập khẩu đến các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và người dân để bảo đảm sản phẩm xuất khẩu đáp ứng yêu cầu của thị trường, tạo điều kiện giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kết nối cung cầu, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và xuất khẩu qua biên giới, bảo đảm tiêu thụ kịp thời, có hiệu quả lượng sản phẩm này.
Vải tươi Việt Nam cần được xúc tiến thương mại hơn nữa
* Theo văn bản của Bộ Nông nghiệp Australia gửi Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), kể từ 18/4/2015, các doanh nghiệp có nhu cầu có thể chính thức xin giấy phép nhập khẩu với cơ quan kiểm dịch thực vật của Australia để ký kết các hợp đồng thương mại.
Theo quy định của Australia, để xuất khẩu quả vải tươi của Việt Nam vào thị trường Australia, phải đảm bảo các yêu cầu: Về vùng trồng, về cơ sở đóng gói vải, về xử lý chiếu xạ và về kiểm dịch lô vải xuất khẩu.
Để triển khai có hiệu quả việc xuất khẩu quả vải tươi sang thị trường Australia, Cục Bảo vệ thực vật sẽ thông báo và hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp và đặc biệt là người trồng vải thực hiện đúng các yêu cầu kỹ thuật đối với quả vải tươi xuất khẩu đi Australia. Đồng thời, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu quả vải tươi ngay trong vụ vải năm 2015.
Ngọc Quyên
Theo khampha.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn