Năm 2014 ghi dấu mốc quan trọng của ngành nông nghiệp trong thực hiện Đề án tái cơ cấu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 6/2013, với việc xuất hiện những “hình mẫu” của ngành nông nghiệp trong tương lai. Đó là những cánh đồng lớn và những vùng chuyên canh nguyên liệu phục vụ thị trường trong nước, xuất khẩu; là những vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh ở nhiều địa phương trong cả nước…
Thực hiện Đề án tái cơ cấu, ngành nông nghiệp xác định trọng tâm là đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất. Từ đó, ngành đã chỉ đạo các vùng và địa phương triển khai nhiều mẫu hình nông nghiệp mới mà hiệu quả của nó bước đầu được đánh giá tốt và có thể trở thành những “hình mẫu” của ngành nông nghiệp trong tương lai.
Khu nhà lưới sản xuất nông nghiệp đang được áp dụng ở nhiều nơi. (Ảnh: KT) |
Đó là những mô hình cánh đồng lớn tiếp tục được mở rộng, với quy mô hàng trăm nghìn ha, tập trung ở khu vực ĐBSCL. Đó là những vùng chuyên canh nguyên liệu phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu như: Cánh đồng canh tác lúa Jasmine; Cánh đồng lúa canh tác gạo trắng hạt dài chất lượng cao; Cánh đồng lớn canh tác lúa đặc sản chất lượng cao theo chỉ dẫn địa lý…
Hiện đã có hơn một nửa số địa phương trên cả nước ban hành đề án và kế hoạch triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Ngành nông nghiệp cũng đã triển khai xây dựng các tiểu đề án trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, với những mục tiêu ưu tiên và định hướng đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nn&PTNT cho biết, mục tiêu của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là hướng đến giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững. Toàn ngành đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân chuyển đổi trên 87.000 ha lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây màu có giá trị cao như ngô, lạc, vừng, rau; Xây dựng các vùng chuyên canh lúa theo hình thức liên kết nông dân hợp tác với doanh nghiệp ở 43 tỉnh, thành phố trên cả nước, với diện tích 121.000 ha.
Lĩnh vực chăn nuôi đã làm rõ được định hướng phát triển các loại vật nuôi, tổ chức lại sản xuất, quy hoạch vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh…Về Lâm nghiệp, ngành xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất; Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; Phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ và Phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp.
Trong lĩnh vực thủy sản, đã tập trung chuyển dịch cơ cấu giữa khai thác với nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đẩy mạnh khai thác xa bờ gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng vùng biển; giảm tổn thất sau thu hoạch và đa dạng hóa đối tượng nuôi…
Bà Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy lợi, thủy sản đều tập trung tái cơ cấu theo hướng nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị các loại nông sản. Xuất hiện các hình thức sản xuất đổi mới như: tập trung theo cánh đồng lớn, liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp, liên kết giữa hợp tác xã, các tổ đội sản xuất với doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Tạo ra chuỗi giá trị để tiêu thụ tốt hơn.
Kết quả tăng trưởng và giá trị xuất khẩu mà ngành nông nghiệp đạt được trong năm nay cho thấy hướng đi đúng trong quá trình tái cơ cấu của ngành nông nghiệp. Thay vì chạy theo sản lượng, giờ đây nông nghiệp đang tìm cách nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản.
Đã xuất hiện những “mô hình mẫu” của ngành nông nghiệp trong tương lai như: Cánh đồng mẫu lớn, những vùng chuyên canh nguyên liệu và những vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh…Đặc biệt, năm nay lần đầu tiên, toàn ngành nông nghiệp đạt giá trị xuất khẩu vượt ngưỡng 30 tỷ đô la; tốc độ tăng trưởng trên đà hồi phục, ước đạt khoảng 3,1%, vượt so với mức tăng 2,67% của năm ngoái.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp vẫn còn không ít khó khăn trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu, nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, với lộ trình tất yếu phải thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Những hạn chế và yếu kém đang bộc lộ cần được khắc phục trong thời gian tới như quá trình triển khai mới tập trung ở Bộ và các đơn vị trực thuộc, việc thực hiện ở địa phương còn chậm và lúng túng.
Việc đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa doanh nghiệp với nông dân tập trung chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất gạo; Việc nhân rộng mô hình sang các khu vực sản xuất khác còn chậm và thiếu chính sách hỗ trợ.
Theo TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, nếu như nền nông nghiệp của nước ta vẫn chỉ dựa vào khai thác các yếu tố tài nguyên sẵn có như đất đai, nguồn nước như hiện nay, sẽ rất khó đạt được mục tiêu của đề án tái cơ cấu.
“Động lực trong tương lai của tái cơ cấu nông nghiệp là phải chuyển từ khai thác các tài nguyên sẵn có sang khai thác tài nguyên quan trọng nhất là tài nguyên con người. Trong đó phải phát triển mạnh về khoa học công nghệ trong nông nghiệp, tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, và làm tốt công tác cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời cải tiến thể chế, bao gồm cả về tổ chức lẫn cơ chế để tạo ra động lực mới cho nguồn lực này”, TS. Nguyễn Kim Sơn chỉ rõ.
Dù còn nhiều việc phải làm, nhiều vấn đề phải giải quyết, nhưng những kết quả bước đầu của quá trình triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang tạo đà phục hồi và dần dần tiến tới tăng trưởng vững chắc, với những mặt hàng nông sản chính như lúa gạo, thủy sản, cà phê, hạt điều, lâm sản gia tăng cả về số lượng lẫn giá trị./.
Theo: tuyenquangtv.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn