Cơ cấu lại nông nghiệp, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới

 

Đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, 
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
 trình bày tham luận tại Đại hội XII, ngày 23/1. Ảnh: TTXVN

 

Tham luận về vấn đề “Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao nhanh hơn đời sống của nông dân”, đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ: Đảng ta xác định Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mục tiêu của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn trên cơ sở công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; trong đó, phát triển sản xuất nông nghiệp là then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân giữ vai trò chủ thể.

Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm tới, dự thảo Văn kiện của Đại hội đã xác định “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại đồng bộ, tổng thể nền kinh tế” trong đó “Cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới” là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện.

Mục tiêu chính của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong những năm tới là phát triển bền vững theo 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, cụ thể là: (1) Thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng và hiệu quả cao; (2) Xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn; (3) Phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai; bảo vệ và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên và môi trường bền vững. 

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu trên, đồng chí Cao Đức Phát cho rằng, thời gian tới rất cần sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự tham gia tích cực của tất cả các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến địa phương để giải quyết một cách đồng bộ, tổng thể các nhiệm vụ, giải pháp.  

Trong đó, cần chú trọng thực hiện tốt các nhóm giải pháp: Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về sự cần thiết, tất yếu và tầm quan trọng của thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đến các cấp, ngành, địa phương và người dân. Thay đổi nhận thức về sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu; tiếp tục tập trung nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thực hiện các mục tiêu tại Nghị quyết 26/NQ-TW của Trung ương 7, Khóa X và Kết luận số 97-KL/TW ngày 9/5/2014 của Bộ Chính trị, trước hết tạo điều kiện để nông dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, nguồn vốn và thị trường để mở rộng sản xuất hàng hóa có khả năng cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. 

Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp và các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức nông dân sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, chất lượng đảm bảo gắn với chế biến và tiêu thụ; thực hiện chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn. Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, bao gồm cả công nghệ cao trong tất cả các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của ngành; đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả của ngành... 

Đồng thời tiếp tục huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, tăng cường năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; cơ bản nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã. Nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý ngành từ trung ương đến địa phương. Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban chỉ đạo và bộ máy giúp việc các cấp ở Trung ương và các địa phương, ra sức tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về tái cơ cấu và xây dựng nông thôn mới... 

Xây dựng mẫu hình "người nông dân mới"

 

 

Đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam trình bày tham luận
 tại Đại hội XII, ngày 23/1. Ảnh: TTXVN

 

Tham luận tại Đại hội với chủ đề: "Xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh trong khối đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nêu rõ: Sau 30 năm thực hiện đổi mới và hội nhập thế giới, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giai cấp nông dân, Hội Nông dân Việt Nam đã có những đóng góp to lớn, được Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận. Vị thế, vai trò của người nông dân, giai cấp nông dân được nâng cao, mở rộng và tham gia ngày một nhiều vào công việc của Đảng, Nhà nước, địa phương và cộng đồng.

Để đạt được mục tiêu “người nông dân là chủ thể của quá trình sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới”, thực hiện thành công công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam, cần tiếp tục cụ thể hóa chương trình, nội dung trung hạn, dài hạn xây dựng giai cấp nông dân gắn liền với phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó trọng điểm là đến năm 2020, phải nâng mức thu nhập của nông dân lên gấp 2,5 lần so với năm 2008 và tăng dần vào những năm tiếp theo. Đầu tư cho “Tam nông” phải duy trì đúng theo Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X), bảo đảm giai đoạn 5 năm sau gấp 2,5 lần 5 năm trước. 

Trong tái cơ cấu nông nghiệp chú trọng rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể ngành, hàng sản xuất theo thế mạnh của vùng miền, địa phương và đặc điểm đất, sinh thái cây trồng vật nuôi gắn với phát triển công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ cho phù hợp. Tập trung giải quyết khó khăn, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn bằng 3 biện pháp mạnh, có tính đột phá gồm: Khoa học kỹ thuật; An toàn vệ sinh thực phẩm và cung cấp thông tin thị trường, giá cả; gắn liền với mở rộng, phát triển thị trường tiềm năng có giá trị sinh lời cao. 

Cùng với đó, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp bằng tăng cường liên kết, nâng quy mô, phát triển kinh tế hợp tác theo chuỗi giá trị sản phẩm, ngành hàng theo thế mạnh vùng, miền. Hướng trọng tâm nông sản vào xuất khẩu, có sức cạnh tranh cao. Gắn tổ chức sản xuất kinh tế hợp tác với đào tạo nghề cho nông dân, đặc biệt là nghề trồng trọt, chăn nuôi và chế biến nông sản. Tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục, dạy nghề, đưa thông tin về cơ sở tới từng địa bàn dân cư; nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm dạy nghề, coi trọng hình thức "nông dân dạy nông dân". Đề ra các tiêu chí cụ thể và chỉ đạo xây dựng mẫu hình "người nông dân mới" trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với các tiêu chí "nhận thức mới, kiến thức mới, ý thức mới, văn hóa mới, quyết tâm mới” để có đời sống cao hơn và để xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. 

Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững

 

Đồng chí Phạm S, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng trình bày tham luận tại
 Đại hội XII, ngày 23/1. Ảnh: TTXVN

 

Tham luận tại Đại hội với chủ đề: "Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng", đồng chí Phạm S, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ và giải pháp hết sức quan trọng, cần thiết với một số định hướng cơ bản như: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp và các quy hoạch chuyên ngành theo hướng đa ngành gồm: tổ chức lại sản xuất, tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh của địa phương để hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn, xây dựng trung tâm cung cấp dịch vụ, thu mua, chế biến và xuất khẩu nông sản.

Trước mắt, tập trung xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao, Khu công nghiệp - nông nghiệp, Trung tâm sau thu hoạch và Trung tâm giao dịch với sự tham gia của các doanh nghiệp Nhật Bản và một số nước tiên tiến để hình thành những cụm sản xuất đạt chất lượng và tiêu chuẩn đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại các vùng theo quy hoạch; thu hút các nguồn lực đầu tư thông qua các nguồn vốn ODA, vốn đầu tư FDI để đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; đồng thời, chủ động lựa chọn và áp dụng các công nghệ tiên tiến của thế giới theo phương thức đi tắt, đón đầu, đặc biệt là công nghệ giống, công nghệ tự động hóa, tin học hóa, công nghệ sau thu hoạch... 

Song song với việc đào tạo các chuyên gia đầu ngành, đào tạo các nhà quản trị giỏi của ngành nông nghiệp, cần tiếp tục thực hiện mô hình đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật, tay nghề cho nông dân theo hình thức vừa học vừa làm tại các nước có nền nông nghiệp tiên tiến; phát triển các mô hình hợp tác xã kiểu mới, liên kết sản xuất giữa nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn với sự tham gia của các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp lớn trong nước và người nông dân là chủ thể trực tiếp thực hiện. 

Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp nhất là quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, quản lý chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đẩy mạnh việc áp dụng các quy chuẩn trong sản xuất như VietGAP, GlobalGAP, HACCP... nhằm nâng cao chất lượng nông sản đạt tiêu chuẩn, chất lượng là cơ sở để phát triển thị trường xuất khẩu. 

Để thực hiện có hiệu quả những định hướng, giải pháp nêu trên, tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Trung ương tiếp tục có những cơ chế, chính sách để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp hợp tác, gắn bó hơn nữa với nông dân; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về tín dụng, thủ tục và ưu đãi thuế trong việc nhập khẩu các giống rau, hoa mới và vật tư, trang thiết bị kỹ thuật nhà kính hiện đại, đồng bộ mà trong nước chưa sản xuất được để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất. 

Đồng thời quan tâm bố trí vốn trung hạn để triển khai khu nông nghiệp công nghệ cao của các tỉnh, thành phố. Có cơ chế và chiến lược hỗ trợ các địa phương, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế; đồng thời có chính sách bảo vệ hàng nông sản của Việt Nam trước sự cạnh tranh của một số nông sản nước ngoài./.