11:39 EST Thứ năm, 26/12/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tái cơ cấu ngành nông nghiệp


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Tái cơ cấu nông nghiệp từ đâu, bằng cách nào?

Thứ hai - 01/08/2016 09:22
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một trong ba chương trình hành động mạnh mẽ mà tân Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường vừa cam kết trong nhiệm kỳ mới của mình. Nhưng ngành nông nghiệp cần được tái cơ cấu như thế nào, từ đâu…? Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi sâu thêm với TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn (ảnh), Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (cơ quan tư vấn chính sách vĩ mô của Bộ NN-PTNT) để làm rõ hơn về những nội dung cần phải triển khai…

* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, tái cơ cấu nông nghiệp không còn là câu chuyện mới, đến nay đã triển khai được gần 3 năm nhưng vẫn chưa rõ hình hài, vì sao?

 

* TS NGUYỄN ĐỖ ANH TUẤN: Từ khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu cho đến nay đã được gần 3 năm. Trung ương đã có chỉ đạo nhưng đến nay các địa phương mới chỉ chủ yếu dừng lại ở xây dựng đề án, ban hành chính sách. Khi triển khai xuống địa phương thì có nơi nhanh, có nơi chậm. Thậm chí có những địa phương còn mơ hồ, chưa hiểu tái cơ cấu thì cần phải làm những nội dung nào hoặc hiểu sai. Triển khai chậm vì bên cạnh khó khăn do còn trông chờ kinh phí, các địa phương cũng chưa tổ chức được bộ máy chỉ đạo. Trong khi đề án nêu rõ cần phải thành lập ngay ban chỉ đạo liên ngành ở Trung ương và ở các tỉnh, các huyện… để triển khai, không có người làm sao mà triển khai được. 



* Tại sao chúng ta cần phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp?

 Nông nghiệp là ngành đầu tiên của cả nền kinh tế triển khai đề án tái cơ cấu. Có hai lý do mà chúng ta phải tiến hành tái cơ cấu, đó là sau gần 30 năm tăng trưởng, gần đây tăng trưởng của nông nghiệp đã chậm lại. Các nguyên liệu đầu vào như đất đai, lao động, nguồn nước và thậm chí cả nguồn vốn nữa… đã chuyển sang rất nhiều ở các ngành phi nông nghiệp, đặc biệt là công nghiệp và kinh tế đô thị. Giá trị hạt lúa cũng giảm, năng suất không tăng thêm nữa. Do đó, thay vì chạy theo sản lượng và “tư duy số lượng”, giờ đây chúng ta cần phải tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị nông sản. Đây là quyết sách mạnh mẽ để tự lột xác và phù hợp với bối cảnh mới, đặc biệt là xu thế hội nhập. 

* Vậy theo ông, nông nghiệp sẽ tái cơ cấu từ đâu?

* Tái cơ cấu nông nghiệp không phải là “câu nói suông”, không được hiểu mơ hồ, chung chung mà để triển khai, điều quan trọng nhất là phải xác định mục tiêu chiến lược rõ ràng. Trung ương có chính sách đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, nhưng mỗi địa phương cũng phải xác định được những lợi thế riêng của mình để ưu tiên đầu tư và thu hút đầu tư vào nông nghiệp bằng các sản phẩm, mặt hàng, ngành hàng chiến lược và được coi là lợi thế của mình. 

Chọn lựa mặt hàng, ngành hàng chiến lược và không chạy theo phong trào mà còn phải căn cứ trên nhu cầu, tiềm năng của thị trường trong nước và xuất khẩu để tập trung vào trọng tâm, trọng điểm. Nếu có lợi thế về thủy sản thì dốc sức cho thủy sản. Nếu tiềm năng hơn về cây công nghiệp thì dồn lực và vốn cho cây công nghiệp. Nếu cứ rải mành mành, ôm nhiều, đầu tư dàn trải thì không sức đâu mà làm cũng không có hiệu quả. 

Có nhiều cách để làm nông nghiệp, đầu tư vào nông nghiệp, không nhất thiết phải “ôm” cây lúa. Tình hình hội nhập buộc chúng ta phải bỏ cái tư duy cũ là “sợ bị đói”, lúc nào lúa cũng phải đầy bồ thì tâm mới an. Sợ dân đói nên lâu nay từ nhà hoạch định chính sách đến nhà khoa học đều có “tư duy số lượng”, lúc nào cũng nghĩ phải làm ra những giống lúa có năng suất cao và giữ lúa để đảm bảo an ninh lương thực. Nhưng bây giờ lúa gạo không có nhiều giá trị lại gây ra nhiều phát thải, quy mô sản xuất nông hộ thì chi phí cao. Đói lương thực cũng không còn đáng ngại nữa, mỗi năm chúng ta đang xuất khẩu 30% sản lượng lúa gạo làm ra, trên 90% cà phê và khoảng 80%-90% điều và hồ tiêu... Bây giờ không thể tính chuyện mỗi hécta được bao nhiêu tấn lúa, lượng xuất khẩu được bao nhiêu, mà phải nghĩ cách nâng cao giá trị mỗi tấn lương thực xuất khẩu.

Tái cơ cấu nông nghiệp tức là phải thay đổi hẳn bản chất và mục tiêu nền nông nghiệp đi liền với thay đổi về chính sách, chẳng hạn như đầu tư công. Trước đây, 80% đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp là đầu tư cho thủy lợi, mà trong thủy lợi thì 80% là đầu tư cho cây lúa. Bây giờ chúng ta đã xác định lại, đầu tư thủy lợi để phục vụ ngành thủy sản và cây công nghiệp (như cà phê, tiêu, điều và trái cây xuất khẩu) mới có giá trị cao hơn và bền vững hơn. 

* Nhưng ai là người có thể làm thay đổi những mục tiêu đó?

* Chủ trương, chính sách về tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị thì Nhà nước làm và cũng đã có đủ rồi. Nhưng theo tôi, chìa khóa để tái cơ cấu nông nghiệp chính là doanh nghiệp và Nhà nước phải làm cách nào để kéo được doanh nghiệp vào. Nếu không có doanh nghiệp vào thì khó mà tái cơ cấu nông nghiệp được. 

Tại sao? Bởi vì tái cơ cấu chính là thay đổi bản chất một nền nông nghiệp từ manh mún nhỏ lẻ, dựa trên quy mô nông hộ 
 sang một nền nông nghiệp hiện đại và quy mô lớn, do các doanh nghiệp thực hiện. Doanh nghiệp là ông chủ trên cánh đồng hoặc liên kết với nông dân để sản xuất quy mô lớn. Chính doanh nghiệp mới có điều kiện đưa khoa học công nghệ mới vào nông nghiệp và thực sự chịu trách nhiệm với đồng tiền mà họ đầu tư, sản phẩm của mình. Để có lợi nhuận, doanh nghiệp phải tính kế nâng cao chuỗi giá trị nông sản. Doanh nghiệp mạnh thì nông dân có nhiều công ăn việc làm. Nói một cách dễ hiểu hơn, Nhà nước nên lo cho tốt chính sách, triển khai những chủ trương đúng, triệt để cải cách thủ tục hành chính, thực hiện các dự án đầu tư công, dịch vụ công, quản lý chất lượng theo hướng phục vụ doanh nghiệp và nông dân. Còn lại, để doanh nghiệp làm. Trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp cũng đã ghi rõ: đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm để dẫn dắt các chuỗi giá trị đối với thị trường toàn cầu và thị trường trong nước. 

* Điều khó khăn nhất hiện nay là làm cách nào để nhà nước thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp?

* Thực ra hiện nay chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã có, nhưng còn ì ạch và chưa hoàn chỉnh vì Nhà nước chưa bắt trúng được nhu cầu và thực sự đảm bảo cho doanh nghiệp, chưa làm doanh nghiệp cảm thấy hào hứng hoặc yên tâm, trong khi sản xuất nông nghiệp lại chứa đựng những rủi ro hơn do thiên tai và thị trường. 

Để làm nông nghiệp, doanh nghiệp cần phải có quỹ đất lớn thì mới có nơi “dụng võ”. Muốn có trang trại, gia trại mà không tạo điều kiện để doanh nghiệp và nông dân có quỹ đất lớn, thay đổi chính sách đất đai, cho phép tích lũy, dồn điền đổi thửa, giảm bớt thủ tục rườm rà khi thuê mướn đất thì khó thoát khỏi quy mô sản xuất nông hộ như hiện nay. Rồi không chỉ có chính sách đất đai, từ giấy đăng ký sản xuất, kinh doanh đến thủ tục xuất nhập khẩu… phải tháo gỡ hết các bất cập, làm sao thuận lợi nhất cho doanh nghiệp mới thu hút được. 

Đặc biệt, phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp nông thôn một cách xứng đáng và cần phải có nguồn lực cụ thể, không nói suông được. Hiện nay, đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp thấp quá, tổng vốn đầu tư cả xã hội dành cho nông nghiệp chỉ chiếm có 5%-6% (gồm cả nhà nước và tư nhân). Để triển khai tái cơ cấu mà chỉ yêu cầu các địa phương xem xét bù đắp ngân sách trong khi hầu như các địa phương nông nghiệp là địa phương nghèo thì sẽ giậm chân tại chỗ. Làm gì cũng phải đầu tư, phải có gà thì mới có trứng, khi lãi mẹ đẻ lãi con thì bù lại cho ngân sách, không thể ngồi trông được.

* Xin cảm ơn ông!

Theo VĂN PHÚC/sggp.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: nông nghiệp

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 120

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 118


Hôm nayHôm nay : 49494

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1162536

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 72845245