Cũng như các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, nông dân Long An đang lo lắng khi lúa Hè Thu sớm đã bắt đầu thu hoạch nhưng giá lúa đang ở mức rất thấp. Các doanh nghiệp thu mua lúa, xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh cũng đang rất khó khăn khi gạo xuất đi không được, giá xuất lại thấp, không còn chỗ để thu mua lúa.
Cả xã Hưng Điền B hiện có 1.000 ha lúa Hè Thu sớm. Việc giá lúa thấp liên tục từ vụ Đông Xuân vừa rồi kéo dài đến vụ Hè Thu này đang khiến nông dân lao đao.
Với giá thu mua lúa hiện nay, người nông dân gần như không có lãi. |
Anh Nguyễn Văn Mỵ, nông dân ấp Kinh Mới, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng vừa thu hoạch 2 ha lúa Hè Thu sớm, năng suất 6 tấn/ha, bán với giá 4.100 đồng/kg, trừ hết chi phí chỉ lãi được 4 triệu đồng/ha. Những hộ khác gần ruộng nhà anh Mỵ thu hoạch lúa năng suất 5 tấn/ha thì coi như không lãi mà còn mất công chăm sóc.
“Nếu tình trạng giá lúa thấp như hiện giờ kéo dài, Nhà nước không có hướng cho giá lúa tăng thì nông dân rất khó khăn. Theo thời giá này, nếu bán lúa tươi tại ruộng mà lúa thường 5.000 đồng/kg, lúa thơm khoảng 5.500 – 6.000 đồng/kg thì nông dân mới có lợi nhuận”, anh Mỵ chia sẻ.
Theo thông lệ hàng năm, những nông dân thu hoạch lúa Hè Thu sớm thường bán được giá cao. Nhưng năm nay không phải như vậy, giá lúa Hè Thu sớm đang giảm dần trong những ngày gần đây.
Trong tình cảnh giá lúa thấp như hiện nay, nông dân nào thu hoạch lúa Hè Thu sớm lại đang lo không bán được lúa hoặc bán giá thấp quá không đủ chi phí. Hộ nào đang xuống giống lúa Hè Thu chính vụ thì chán nản không muốn đầu tư nhiều.
Huyện Tân Hưng năm nay sản xuất 37.000 ha lúa Hè Thu, trong đó có 9.000 ha lúa Hè Thu sớm sắp thu hoạch đang lo ngại về giá thấp, diện tích còn lại nông dân đang xuống giống nhưng không mấy mặn mà. Chính quyền đang phải động viên nông dân đầu tư sản xuất vì lúa vẫn là cây chủ lực trong khi các cây khác chưa có đầu ra.
Ông Trần Tấn Tài, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng cho biết, hiện nay huyện đang tiếp tục chỉ đạo gieo sạ lúa Hè Thu chính vụ. Tuy nhiên, vấn đề giá lúa thấp khiến nông dân không phấn khởi, sẽ không tập trung đầu tư tối đa nên sẽ ảnh hưởng đến năng suất vụ hè thu này.
Cũng tại thời điểm này, giá lúa chưa có dấu hiệu nhích lên vì gạo xuất khẩu đang ùn ứ, giá gạo xuất khẩu cũng ở mức thấp. Long An có 17 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo, từ đầu năm đến nay đã xuất đi 270.000 tấn nhưng chưa hết hàng từ vụ Đông Xuân vừa rồi. Trong số đó, 14 doanh nghiệp được Chính phủ giao thu mua tạm trữ 87.000 tấn quy gạo trong đợt 20/2 - 30/3 hầu hết vẫn chưa xuất được, đang đối mặt với khó khăn về lãi suất ngân hàng nếu không bán được gạo trước tháng 5.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An nhận xét, hiện nay giá lúa xuống thấp có nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là đầu ra của hợp đồng xuất khẩu lớn chưa nhiều.
“Trong thời gian qua, các doanh nghiệp tập trung thu mua tạm trữ theo chỉ đạo của Chính phủ, tới thời điểm này một số doanh nghiệp chưa tìm được đầu ra, trong khi gạo đã chứa đầy trong kho rồi, nên lượng thu mua vào không được nhiều”, ông Hồng nói.
Cả tỉnh Long An hiện có 320.000 ha lúa Hè Thu 2013, sản lượng ước đạt 1,1 triệu tấn, trong đó có 25.000 ha Hè Thu sớm bắt đầu thu hoạch, chính vụ sẽ thu hoạch rộ vào cuối tháng 6, đầu tháng 7.
Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho rằng, ngành nông nghiệp tỉnh đã lo khâu sản xuất hiện nay cũng đang tiếp tục các khâu phân phối, tiêu thụ, xúc tiến thương mại cho nông dân, đây cũng là mong mỏi chung của ngành nông nghiệp cũng như nông dân trong tỉnh.
Ngay từ bây giờ, nếu các ngành chức năng không tìm được cách giải quyết việc tiêu thụ lúa gạo, người nông dân không chỉ đối mặt với giá lúa tiếp tục giảm mà còn rất khó khăn trong việc bán lúa. Trong khi đó, việc phơi sấy, bảo quản lúa vụ Hè thu ở ĐBSCL vốn đã rất gian nan từ nhiều năm nay./.
Minh Hạnh kinhtenonghton.com.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn