Chiều ngày 21.10, trao đổi với một số cơ quan báo chí, ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, qua lấy mẫu giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm lĩnh vực nông lâm thủy sản trong tháng 8 và tháng 9 cho thấy, ở cả Hà Nội và TP.HCM đều phát hiện các chất hóa học và kháng sinh với tỉ lệ trung bình chiếm 7,6%.
Cụ thể, đối với thịt lợn, trong số 63 mẫu thịt lợn đã lấy giám sát trong tháng 8 và tháng 9, phát hiện một mẫu có dự lượng Sabutamol và 3 mẫu có dư lượng Sulfadinidine, 7 mẫu Salmonella vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Trong đó, tại Hà Nội có 5/35 mẫu thịt lợn phát hiện vết (tức là có dấu vết) chất Sabutamol và 1 mẫu có dư lượng Sabutamol vượt ngưỡng giới hạn cho phép (13,3ppm); 5/35 mẫu phát hiện Salmonella, chiếm 14,3%. Tại TP.HCM, các cơ quan chức năng cũng phát hiện 1/17 mẫu có vết Sabutamol nhưng không vượt giới hạn cho phép và 2/17 mẫu nhiễm Samonella.
Ngoài ra, ở Hà Nội còn phát hiện 5 mẫu có Sulfadimidine, trong đó có 3 mẫu vượt ngưỡng giới hạn cho phép.
Kết quả giám sát cũng cho thấy, các chất cấm, chất kháng sinh không chỉ bị phát hiện ở thịt lợn mà còn có cả ở thịt gà. Cụ thể, trong số 65 mẫu thịt gà có 9 mẫu phát hiện Salmonella, 11 mẫu có dư lượng kháng sinh Flofenicol và 11 mẫu có dư lượng Enrofloxacin. Trong đó ở Hà Nội có 4/30 mẫu phát hiện Salmonella, chiếm 6,7%; 6/30 mẫu phát hiện Flofenicol nhưng ở ngưỡng giới hạn cho phép; 6/30 mẫu phát hiện Enrofloxacin, trong đó có 2 mẫu vượt ngưỡng quy định của EU và 3 mẫu phát hiện mức cao hơn quy định của Nhật Bản. Tại TP.HCM có 5 mẫu phát hiện Salmonella; 5 mẫu phát hiện Flofenicol và 5 mẫu phát hiện Enrofloxacin nhưng đều ở dưới mức quy định của EU và Nhật Bản.
“Hiện ở Việt Nam chưa có quy định về tỉ lệ chất Flofenicol và Enrofloxacin nên Bộ NNPTNT đang đề nghị Bộ Y tế đưa ra các tiêu chuẩn quy định về mức giới hạn cho phép của các chất này”, ông Tiệp cho biết. Cũng theo ông Tiệp, ngoài việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát các chất cấm, chất kháng sinh trong chăn nuôi cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không dùng chất cấm, đặc biệt là chất vàng ô… bởi đó không chỉ là hành vi gian lận thương mại mà còn gây hại sức khỏe cho người tiêu dụng, cách làm ăn như thế là rất vô lương tâm, nguy cơ có thể làm phá sản cả ngành chăn nuôi của Việt Nam.
Ông Tiệp cho biết thêm, số liệu công bố của các cơ quan chức năng cho thấy trong 9 tháng đầu năm đã nhập tới 68 tấn Sabutamol - số lượng này là quá nhiều, cần phải làm rõ các doanh nghiệp nhập về có sản xuất thuốc hay không. Đồng thời, ngành y tế cũng phải kiểm soát thật chặt việc nhập khẩu các chất này của những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc tân dược.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn