Giá cao su thiên nhiên dự báo vẫn ở mức thấp kéo dài trong vài năm tới và hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng là những thách thức có thể gây khó khăn cho ngành cao su Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2017.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, sản lượng cao su thiên nhiên thế giới vẫn ở tình trạng cung vượt cầu, khoảng 300.000 - 500.000 tấn. Cao su nguyên liệu còn gặp nhiều khó khăn do giá sụt giảm mạnh với những biến động khó dự đoán... Bên cạnh đó, mức tiêu thụ cao su thiên nhiên trong nước để chế biến sản phẩm còn ít nên ngành cao su sẽ phải tiếp tục xuất khẩu nguyên liệu thô khoảng 70% tổng sản lượng cả nước trong nhiều năm tới.
Theo kế hoạch, 3 Công ty cổ phần cao su Lai Châu, Sơn La và Điện Biên sẽ mở miệng cạo mủ cao su trong năm 2016. Ảnh: Xuân Tư -TTXVN
Trước thực tế này, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) vừa làm việc với các đơn vị thành viên khu vực miền núi phía Bắc nhằm đẩy mạnh thâm canh chăm sóc vườn cây, tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý để ký hợp đồng ăn chia sản phẩm với các hộ dân góp đất trồng cao su; lên kế hoạch mở miệng cạo khai thác, triển khai các bước xây dựng nhà máy chế biến...
Coi trọng hiệu quả kinh tế
Ông Hứa Ngọc Hiệp - Phó Tổng Giám đốc VRG cho biết, các dự án đầu tư tại khu vực miền núi phía Bắc được Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương ủng hộ nên đã tạo mọi điều kiện để đẩy nhanh dự án. Theo ông Võ Nhật Duy, Tổng Giám đốc Công ty CPCS Sơn La, sau 8 năm đầu tư cây cao su tại Sơn La, hiện diện tích đất khai hoang đã trồng cao su là 7.022 ha. Trong đó có 500 ha có cao trình trên 600 mét nên tốc độ sinh trưởng kém, cây phát triển không đồng đều, mật độ thấp. Đối với Công ty CPCS Điện Biên có 300 hatrên tổng diện tích đã trồng là 3.764 ha; Công ty CPCS Lai Châu II có 5% trên tổng diện tích 4.645 ha... Hầu hết các đơn vị có diện tích cao su trồng vượt cao trình đều kiến nghị lãnh đạo VRG chỉ đạo hướng giải quyết là không tái canh vì không đảm bảo chất lượng vườn cây.
Chủ tịch Hội đồng thành viên VRG, Võ Sỹ Lực cho rằng, việc phát triển cao su lên miền núi phía Bắc là chủ trương đúng đắn, góp phần cải thiện đời sống người dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế xã hội. "Tuy nhiên chúng ta phải đặt hiệu quả kinh tế lên hàng đầu để giải quyết vấn đề xã hội một cách bền vững. Muốn làm được điều đó cần phải mạnh dạn dừng tái canh những diện tích cao su có cao trình trên 600 mét", ông Võ Sỹ Lực nhấn mạnh.
Xây dựng phương án ăn chia
Ông Võ Nhật Duy, Tổng Giám đốc Công ty CPCS Sơn La cho biết, trước đây phương án chia cổ tức là được Tập đoàn VRG và tỉnh Sơn La thống nhất và đã được tuyên truyền đến các hộ dân góp đất. "Tuy nhiên phương án này không phù hợp trong tình hình hiện nay nên đề nghị lãnh đạo Tập đoàn VRG trao đổi với tỉnh Sơn La cho áp dụng thí điểm theo hình thức ăn chia sản phẩm trong thời gian đầu, sau đó tùy theo tình hình sẽ triển khai theo phương án chính thức", ông Võ Nhật Duy kiến nghị.
Các doanh nghiệp và công nhân trồng cao su ở 14 tỉnh miền Nam Thái Lan ngày 25/10 đã dọa sẽ biểu tình đòi Thủ tướng Prayut Chan-ocha phải có chính sách hỗ trợ ngành này để tăng giá mủ cao su.
Ông Pairat Jaichum, Phó Chủ tịch hiệp hội các nhà trồng cao su tại 14 tỉnh miền Nam Thái Lan nói rằng hiệp hội này sẽ tổ chức một hội nghị toàn quốc trong 2 tuần tới để kiến nghị chính phủ cho hành động khẩn cấp hỗ trợ ngành cao su trong bối cảnh giá mủ cao su đã hạ xuống mức 30 baht/kg ở nhiều khu vực. Ông nói rằng các nhà trồng cao su muốn chính phủ hỗ trợ giá để mủ cao su tăng lên mức 65 baht/kg và yêu cầu Bộ Giao thông Thái Lan có chính sách sử dụng các sản phẩm cao su trong nước. Ông nhấn mạnh tình hình hiện đang rất khẩn cấp, đe dọa đến cuộc sống của hàng trăm nghìn công nhân ngành khai thác mủ cao su và họ sẽ biểu tỉnh trên toàn quốc nếu không được chính phủ hỗ trợ.
Trước đó, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha đã tuyên bố rằng chính phủ nước này sẽ không trợ giá cho ngành cao su vì điều đó đi ngược lại các cam kết của Thái Lan với các thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Công ty CPCS Điện Biên có phương án ký hợp đồng ăn chia sản phẩm với hộ dân góp đất trồng cao su. Tuy nhiên đến nay đơn vị này vẫn chưa ký được hợp đồng nào với hộ dân. Lý do chính là phần lớn các hộ dân đều chưa có sổ đỏ nên không có căn cứ để ký hợp đồng. Mặt khác, lãnh đạo tỉnh Điện Biên lại đề nghị ký kết hợp đồng góp quyền sử dụng đất của các hộ nông dân vào trồng cao su và ăn chia sản phẩm theo diện tích đo đạc quy chủ, tức là không tính theo diện tích cao su đứng. "Đề nghị lãnh đạo Tập đoàn VRG làm việc với tỉnh thống nhất ký kết hợp đồng góp quyền sử dụng đất theo diện tích đo đạc quy chủ của các hộ dân hay diện tích thực tế trồng cao su đứng để có phương án ăn chia sản phẩm cụ thể", ông Phan Văn Lợi kiến nghị. Còn Công ty CPCS Mường Nhé thì gặp không ít khó khăn do việc chậm cấp sổ đỏ cho hộ nông dân của chính quyền địa phương. Đây là cơ sở pháp lý để công ty ký kết hợp đồng ăn chia sản phẩm.
Chia sẻ khó khăn này, ông Võ Sỹ Lực, Chủ tịch Hội đồng thành viên VRG cho rằng đây là vấn đề cần phải giải quyết sớm vì một số diện tích sẽ đưa vào khai thác trong năm 2016. "Tôi sẽ làm việc với các tỉnh để đẩy nhanh tiến độ ký hợp đồng ăn chia sản phẩm giữa các đơn vị với hộ dân góp đất", ông Võ Sỹ Lực khẳng định. Tổng giám đốc VRG, Trần Ngọc Thuận cho rằng, năm 2016 các đơn vị khu vực Tây Bắc sẽ bước vào giai đoạn mới - giai đoạn kinh doanh. Các đơn vị cần chủ động đối mặt với những khó khăn, đặc biệt là khó khăn về đầu ra của sản phẩm, vì hiện nay giá cao su vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. "Các đơn vị cần phối hợp tốt với Ban Quản lý Kỹ thuật, Viện nghiên cứu Cao su để thẩm tra đánh giá vườn cây đưa vào kinh doanh sao cho hiệu quả nhất. Song song đó phải có kế hoạch linh hoạt để chế biến và tiêu thụ cao su", ông Trần Ngọc Thuận nhấn mạnh.
N.Cường (Báo Tin Tức)