Vĩnh Cửu là huyện đang có diện tích mì bị nhiễm bệnh khảm lá nhiều nhất tỉnh Đồng Nai. Nguyên nhân do nông dân sử dụng giống đại trà không chọn lọc khiến diện tích nhiễm bệnh tăng mạnh.
Diện tích cây mì bị dịch bệnh tăng mạnh |
Ông Dương Quang Vinh, Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Vĩnh Cửu cho biết: “Đến nay địa phương chúng tôi đã khoanh vùng diện tích bị dịch, khuyến cáo nông dân không sử dụng giống mì nhiễm bệnh để tái sản xuất”. Theo ông Vinh, dịch khảm lá mì trên địa bàn huyện đã tạm thời được khống chế, nhưng bị ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng củ thu hoạch năm nay.
Nông dân Trần Quốc Sang, trồng hàng chục ha mì tại xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu cho rằng, nhiều hộ có rẫy mì bị nhiễm bệnh khiến năng suất giảm gần một nửa, tỷ lệ chữ bột cũng bị ảnh hưởng. Đã thế giá bán củ mì tươi lại bị giảm càng khó khăn thêm. “Gia đình tôi thuê đất với giá chục triệu đồng/ha/năm để trồng mì. Nay mì bán ra chỉ được 2.000 đồng/kg, giảm cả ngàn đồng/kg so với vụ thu hoạch trước nên hầu như không còn lợi nhuận. Từ sau tết tôi đã phải thu hoạch sớm chấp nhận bán mì non chứ không còn bị thất nặng, vì mì càng để giá càng giảm”.
Cùng nỗi lo về giá, ông Hoàng Ngọc Tân, nông dân đang thu hoạch mì tại xã Xuân Thạnh (huyện Thống Nhất) lo lắng: “Hiện giá mì ngoại thị trường đã rớt xuống chỉ còn gần 2.000 đồng/kg. Ấy vậy mà nhiều doanh nghiệp còn tắt máy điện thoại, chẳng thèm đến thu mua khiến bà con chúng tôi buộc phải chở mì đi bán tỉnh khác rất vất vả, lỗ vốn”.
Người dân trồng mì đang gồng mình vượt qua “bão dịch, bão giá” |
Khoảng 2 tháng trở lại đây, một số doanh nghiệp lớn trong ngành chế biến mì đã tạm ngưng thu mua bởi hàng còn tồn nhiều. Nông dân trồng mì đành phải bán cho các lò sấy nhỏ giá vừa thấp vừa chậm được trả tiền.
Nhiều chủ vựa chuyên thu mua mì lát trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu cho biết, vụ mì trước có giá tốt, nông dân đua nhau trồng, doanh nghiệp cũng trữ hàng nhiều nhưng nay đầu ra gặp khó khiến hàng tồn ứ nhiều.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, năm 2018 toàn tỉnh trồng trên 13,8 ngàn ha mì. Vụ ĐX 2018 - 2019, toàn tỉnh trồng 1.152ha, trong đó giống nhiễm bệnh khảm lá là HL-S11, chiếm gần 32% diện tích.
Đoàn lãnh đạo Bộ NN-PTNT khảo sát thực tế các “điểm nóng” mì bị dịch bệnh |
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai bệnh khảm lá mì bắt đầu xuất hiện từ giữa năm 2018 và nhanh chóng lan thành dịch với diện tích gần 380ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Thống Nhất, Long Thành. Trong đó, trên 46ha mì nhiễm bệnh nặng buộc phải tiêu hủy.
Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Đồng Nai cho biết, đây là năm đầu tiên huyện Vĩnh Cửu bị bùng phát bệnh khảm lá mì với diện tích lớn, do nông dân chưa nhận thức được việc tự nhân giống, nếu tiếp tục lấy hom giống từ những cây mì đã bị bệnh sẽ khiến bệnh lây lan nhiều hơn, phát bệnh sớm hơn dẫn đến năng suất của vụ sau giảm rất nhiều và có khả năng mất trắng do dịch bệnh.
Hiện, các địa phương tại Đồng Nai đã triển khai các mô hình quản lý giống mì với diện tích 92ha, nhằm xây dựng nguồn giống mì sạch bệnh cung cấp cho nông dân. Đồng thời, tiếp tục duy trì hoạt động phòng chống bệnh khảm lá mì cấp huyện, xã; tổ chức nhân rộng mô hình sản xuất giống mì sạch bệnh; tăng cường công tác điều tra nhằm phát hiện sớm diện tích mì nhiễm bệnh và hướng dẫn nông dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn