Vào TPP, Việt Nam vẫn nhập 70% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi
Theo số liệu thống kê từ Cục chăn nuôi, năm 2014, Việt Nam đã nhập 11,7 triệu tấn nguyên liệu các loại để sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản. Trong đó có 5,368 triệu tấn nguyên liệu giàu năng lượng và gần 400 tấn nguyên liệu thức ăn bổ sung. Kim ngạch nhập khẩu là 4,8 tỷ USD. Trong khi đó, số liệu của Tổng cục Hải quan cho hay giá trị nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2015 đạt 2,25 tỷ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Thời gian gần đây, Việt Nam phải nhập tới 90% các loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm như khô dầu, đậu tương, bột thịt - xương, bột cá... Riêng khoáng vi lượng, vitamin nhập gần như 100%.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho hay, phụ thuộc tới gần 50% nguyên liệu nhập khẩu và nguyên liệu sản xuất trong nước giá thành cũng khá cao nên giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi cao hơn khoảng 10% so với nhiều nước trong khu vực Châu Á.
"Tuy nhiên, khi Việt Nam tham gia TPP, thuế xuất về 0% ngành chăn nuôi sẽ được hưởng lợi khi nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ các nước đối tác, góp phần giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi", ông Trúc nói.
Về vấn đề này, ông Lê Bá Lịch cho rằng, mặc dù năm 2014, nhập khẩu nguyên liệu đáng kể dùng trong chăn nuôi nhưng chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản trong nước không những đảm bảo đủ thực phẩm thịt, trứng, sữa, cá, tôm cho 91 triệu người Việt Nam mà nuôi trồng thủy sản còn tham gia xuất khẩu, cá tôm được 7,8 tỷ USD.
"Việc nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và để nuôi trồng thủy sản là vấn đề lâu dài. Rõ ràng ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm Việt Nam đang xuất siêu không phải nhập siêu. Năm 2014, Việt Nam nhập 4,8 tỷ USD nhưng xuất 7,8 tỷ USD", ông Lê Bá Lịch khẳng định.
Theo dự tính của Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi, khối lượng nguyên liệu nhập khẩu cho thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản chế biến công nghiệp tăng dần từ năm 2015 đến năm 2020. Cụ thể, năm 2015, dự kiến Việt Nam nhập khẩu khoảng 11,4 triệu tấn, năm 2016 nhập khẩu 12,3 triệu tấn, năm 2017 nhập khẩu 12,9 triệu tấn, năm 2018 nhập khẩu 13,5 triệu tấn, năm 2019 nhập khẩu 14,1 triệu tấn, năm 2020 nhập khẩu 14,5 triệu tấn.
Về giá thức ăn chăn nuôi, từ tháng 1 đến tháng 9/2015, giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp trong chăn nuôi gà vịt và thịt lợn ở Việt Nam thấp hơn so với Trung Quốc và Thái Lan. Đến tháng 9, bình quân giá thức ăn hỗn hợp cho thịt lợn là 8.800 đồng/kg (tương đương 0,9 USD/kg), giá thức ăn hỗn hợp cho thịt gà là 10.010 đồng/kg (tương đương 0,44 USD/kg). Trong khi đó, giá thức ăn hỗn hợp của Trung Quốc cao hơn 10-15%, của Thái Lan cao hơn 5-10%.
Nguyên nhân khiến giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam thấp hơn, theo ông Lịch, do Chính phủ cho phép nhập khẩu nguyên liệu miễn thuế nhập khẩu và thuế VAT với nhiều mặt hàng.
Tuy nhiên, ông Lịch cũng cho rằng, không chủ động sản xuất nguyên liệu sẽ khiến doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu gặp nhiều rủi ro.
Thứ nhất là rủi ro về sự không ổn định ngoại tệ, nhất là tỷ giá.
Thứ hai là rủi ro do giá cả nông sản trên thế giới lên xuống thất thường. Chẳng hạn như năm 2015, doanh nghiệp nhập khẩu ngô và gỗ tương đương với khối lượng lớn rất khó khăn do đầu năm giá khô đậu tương trên 600 USD/tấn, giá ngô 270-280 USD/tấn thì đến tháng 6, tháng 7 năm nay, giá bắt đầu xuống, sang tháng 9 giá ngô chỉ còn 205-210 USD/tấn, giá khô đậu tương chỉ còn trên 400 USD/tấn. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp thương mại lớn bị lỗ nặng.
Bên cạnh đó, rủi ro về tàu biển vận chuyển từ Mỹ, Achentina, Braxin, Ấn Độ về Việt Nam khiến doanh nghiệp gặp cướp biển, thời tiết, dẫn đến mất vốn.
"Tuy khó khăn như vậy nhưng chúng tôi vẫn khẳng định chúng ta chế biến thức ăn công nghiệp phục vụ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nhất thiết phải nhập khẩu nguyên liệu 60-70%", ông Lịch khẳng định.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn