TS. Nguyễn Thanh Mỹ giới thiệu với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao ở HTX Mỹ Đông 2. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Chuyến thăm mô hình sản xuất lúa thông minh của HTX Mỹ Đông nằm trong khuôn khổ Diễn đàn “Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp ứng phó với BĐKH ở ĐBSCL” trong bối cảnh vùng này đang chịu nhiều thách thức trong quá trình phát triển và biến đổi khí hậu, đang diễn ra sáng nay (16/4) tại tỉnh Đồng Tháp.
Đây là mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường của HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 và Công ty Rynan Smart Fertilizers đang được nhân rộng ở Đồng Tháp và Trà Vinh.
Thành lập từ tháng 5/2013, HTX Mỹ Đông 2 có 108 thành viên, diện tích sản xuất khoảng 570 ha. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp và đặc biệt, để cải tiến quy trình sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, vụ Đông Xuân năm 2017-2018, HTX phối hợp với Công ty cổ phần Rynan Fertilizers (Trà Vinh) thực hiện thí điểm mô hình sản xuất lúa thông minh trên diện tích 7,6 ha và nay đã mở rộng lên 170 ha.
Máy trồng lúa "3 trong 1" do Công ty Rynan sản xuất phục vụ sản xuất lúa. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Đây là mô hình canh tác lúa sử dụng máy cấy “3 trong 1”: Cấy lúa, bón phân (sử dụng phân tan chậm, chỉ bón 1 lần cho cả vụ) và phun thuốc diệt cỏ do Công ty Rynan sản xuất, cùng với đó là trang bị hệ thống cảm ứng mực nước thông minh để giúp nông dân theo dõi mực nước cần sử dụng cho lúa, tiết giảm chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới và giảm khí thải nhà kính.
Bằng phần mềm cài đặt trên điện thoại di động, TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Giám đốc Công ty Rynan có thể theo dõi được mực nước và điều khiển máy bơm hoạt động để bổ sung nước vào cánh đồng. Thao tác này sẽ do các xã viên vận hành ở bất kỳ nơi nào khi cần trong quá trình sản xuất lúa. Ngoài ra, phần mềm sản xuất lúa này cũng giúp cho các xã viên kiểm soát được độ mặn, kết nối việc mua bán giống và lúa gạo sau thu hoạch với các doanh nghiệp có nhu cầu.
Trước Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và bà con nông dân, ông Mỹ cho biết: “Làm lúa bình thường, chỉ riêng tiền thuê nhân công bón phân đã mất 150 đồng/công/vụ, số lượng phân sử dụng từ 50-60 kg/công/vụ... trong khi dùng phân bón thông minh thì số lượng phân sử dụng chỉ 37,5 kg/công/vụ và tiết kiệm được chi phí thuê nhân công. Năng suất lúa cả 2 mô hình gần tương đương nhau, nhưng chất lượng lúa sử dụng phân bón thông minh thì hơn hẳn, đồng thời giảm thời gian trực tiếp ra đồng của bà con để làm việc khác, gia tăng lợi nhuận 20% cho nông dân”.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương cho biết từ vài ha thí điểm ở Tháp Mười, mô hình này đã nhân rộng ra ở 3 huyện khác với diện tích khoảng 1.000 ha. Tỉnh sẽ đầu tư các hạng mục về cơ sở hạ tầng (kênh mương, giao thông nội đồng, điện, hệ thống tưới tiêu thông minh phục vụ cho sản xuất lúa). Công ty Rynan cung cấp thiết bị ứng dụng điều khiển chế độ tưới ngập khô xen kẽ theo công nghệ điện toán đám mây. Cùng với đó, công ty sẽ cung cấp giải pháp phần mềm quản lý tập trung cho cơ quan quản lý nhà nước và HTX.
Tính đến hết năm 2018, toàn vùng ĐBSCL có 1.803 HTX nông nghiệp, chiếm 13% tổng số HTX nông nghiệp của cả nước. Tính từ 2016 đến nay, ĐBSCL là một trong các vùng có số lượng các HTX nông nghiệp thành lập mới cao nhất cả nước với 552 HTX. Hoạt động của các HTX đã góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết được nhiều lao động có việc làm ổn định với mức thu nhập khá, phát triển nhiều ngành nghề mới và khai thác được tiềm năng, thế mạnh sẵn có ở địa phương, góp phần giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trải nghiệm các sản phẩm giá trị gia tăng từ sản phẩm nông nghiệp của các HTX của Đồng Tháp. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, thách thức hiện nay đối với hoạt động nông nghiệp của vùng là BĐKH, gây ra thiếu hụt nguồn nước ngọt, tăng chi phí sản xuất, giảm lợi nhuận của bà con nông dân, làm chậm lại, hoặc thậm chí có nguy cơ bị kéo lùi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương, đặc biệt vùng nguy cơ cao ở ĐBSCL.
Theo kịch bản BĐKH, nếu mực nước biển dâng cao 1 m, sẽ có khoảng 38,9% diện tích ĐBSCL, khoảng 10-12% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.
Các mô hình HTX thích ứng với BĐKH đã dần hình thành nhưng còn tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, chưa có cơ sở về khoa học, kỹ thuật và thị trường cũng như động lực và hỗ trợ đủ mạnh để nhân rộng, năng lực cán bộ quản lý còn hạn chế.
Trong điều kiện quá trình sản xuất nông nghiệp hiện nay vai trò của các HTX nông nghiệp với tư cách là tổ chức hỗ trợ nông dân và thành viên là rất quan trọng trong phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao và ứng phó với BĐKH.
Thành Chung/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn