Thừa Thiên Huế: Phong Hải được mùa tôm chân trắng
Niềm vui đầu xuân
Khá lâu người nuôi tôm ở Phong Hải mới có được nụ cười tươi, khi vụ thu hoạch tôm đầu năm thắng lợi. Giá tôm vụ này lại cao do nhu cầu tiêu thụ ở các nhà hàng, khách sạn, các tiệc cưới, liên hoan… rất lớn. “Có lẽ Tết này là vui nhất so với những năm trước. Tôm nuôi thất bát, thua lỗ, người dân chúng tôi phải “gồng mình” lo toan nhiều thứ để phục vụ nhu cầu trong những ngày Tết cổ truyền. Riêng Tết năm nay, gia đình nào cũng sung túc, có điều kiện mua sắm mọi thứ nhờ nuôi tôm có lãi”, ông Võ Kháng ở thôn Hải Thế trải lòng.
Với diện tích khoảng 2.500m2, ông Võ Kháng thả nuôi gần một triệu con tôm giống. Chưa đầy bốn tháng nuôi, tôm đã cho thu hoạch tỉa, sau đó chừng một tuần thu hoạch đại trà, sản lượng đạt hơn 7 tấn. Với giá bình quân khoảng 160 ngàn đồng mỗi cân, ông Kháng thu về khoảng 1,2 tỷ đồng. Ông Kháng nhẩm tính: “Một triệu tôm giống chi phí khoảng 80 triệu, thức ăn 400 triệu đồng, điện nước 30 triệu đồng, trả công người chăm sóc 20 triệu đồng… ước lãi khoảng 650 triệu đồng”. Trước khi thu hoạch tôm vụ này, hộ ông Kháng nợ khoảng 400 triệu đồng, nay không chỉ trả hết nợ mà còn bỏ túi mấy trăm triệu đồng.
Tương tự, ông Hoàng Chín ở thôn Hải Nhuận nuôi 2 hồ, khoảng 2.000m2/hồ, thả nuôi 1,5 triệu con giống, sản lượng đạt 12 tấn, thu được gần 2 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí giống, thức ăn, điện, công chăm sóc… lãi chừng một tỷ đồng. Hộ ông Chín mấy vụ gần đây thua lỗ liên tiếp nên cũng không tránh khỏi nợ nần. Vụ thu hoạch đầu xuân này đã cứu vãn, ông Chín trả hết nợ, có điều kiện tái đầu tư sản xuất.
Ông Phan Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Hải cũng tỏ ra phấn khởi trước vụ thu hoạch tôm đầu năm thắng lợi. Ông Khánh phấn khích: “Người nuôi tôm lo lắng bao nhiêu thì lãnh đạo địa phương lo bấy nhiêu! Hầu như nuôi tôm rất khó có “đường lùi”, nếu bỏ nuôi thì người dân không biết làm nghề gì để có thể thay thế để trả nợ. Cứ vào vụ nuôi, đội ngũ lãnh đạo xã đứng ngồi không yên, thường xuyên đi kiểm tra, nắm bắt tình hình và động viên người dân vượt qua khó khăn. “Vụ thu hoạch tôm đầu năm bội thu, nhiều hộ không chỉ trả hết nợ mà còn dư giả. Toàn xã thả nuôi khoảng 67 ha (92 nhóm hộ nuôi), có đến 65% hộ có lãi, còn lại hòa vốn, không có hộ thua lỗ”.
Tuân thủ khung lịch, quy trình
Ông Võ Kháng ở thôn Hải Thế cho rằng: “Người dân ngày càng có nhiều kinh nghiệm trong việc chọn mua giống chất lượng. Tuy nhiên vẫn lo ngại vì giống rất khó kiểm soát dịch bệnh, chất lượng, chủ yếu quan sát bằng mắt thường, chưa được sự kiểm tra bằng máy móc hiện đại trước khi thả nuôi. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao, tôm thường xảy ra dịch bệnh. Riêng vụ tôm vừa thu hoạch, có lẽ bà con “gặp may” nên quá trình nuôi không xảy ra dịch bệnh.
Ông Hoàng Chín còn cho rằng, vụ này ngoài yếu tố thời tiết thuận lợi người dân chấp hành tốt khung lịch thời vụ, tiến độ, thời điểm thả nuôi và thu hoạch đúng quy định. Nhiều vụ trước đây, người thả trước, kẻ thả sau nên thu hoạch không đồng loạt, dẫn đến ô nhiễm môi trường, xảy ra dịch bệnh do chất thải của các hồ thu hoạch trước. Điều này cho thấy môi trường được xem là yếu tố quyết định thành công vụ nuôi này. Có dịp vào hồ nuôi tôm, hệ thống kênh mương ở xã Phong Hải, hầu như không bốc mùi hôi như nhiều nơi khác. Các loại chất thải được người dân loại bỏ đúng quy định, không vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.
So với các vùng nuôi tôm trên cát ở Ngũ Điền (Phong Điền), xã Phong Hải được đánh giá cơ bản đáp ứng các điều kiện nuôi tôm trên cát. Ông Phan Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Hải khẳng định, từ khi huyện có chủ trương rà soát, quy hoạch lại hệ thống ao nuôi, bể lắng… chính quyền và người dân chấp hành rất nghiêm túc. Tuy chưa được đầu tư bài bản theo quy mô công nghiệp, nhưng phần lớn diện tích nuôi tôm tại địa phương đều có ao xử lý nước thải, hệ thống kênh nương cấp, thoát nước, xử lý môi trường. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân ngày càng cao, khi thải nước bẩn ra biển đều qua xử lý hóa chất theo quy định, hoặc lấy nước biển đưa vào hồ phải qua hệ thống lọc phèn, các loại tạp chất khác…
Trong khi ở xã Phong Hải được mùa, thì nhiều hộ nuôi tôm chân trắng ở vùng cát Ngũ Điền (Phong Điền) thua lỗ triền miên. Nhiều hộ trước đây nuôi từ 3-5 hồ nay chỉ còn 1 hồ, nhiều hồ bỏ hoang. Diện tích nuôi tôm trên cát Ngũ Điền giảm chỉ còn khoảng một nửa so với trước. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, nguyên nhân nuôi tôm chưa hiệu quả là do nguồn giống kém chất lượng; vùng nuôi, ao hồ quy hoạch chưa hợp lý, thiếu ao lắng, xử lý môi trường; hệ thống kênh mương, thủy lợi chưa đảm bảo… dẫn đến ô nhiễm môi trường, tôm thường xuyên bị dịch bệnh, chết.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn