TPP - cơ hội “vàng”
Việc Việt Nam tham gia Hiệp định TPP, theo các chuyên gia kinh tế, đây sẽ là cơ hội “vàng” cho các bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.
Từng giữ chức giám đốc điều hành một chi nhánh ngân hàng, Nguyễn Phương Lan sinh năm 1987 đã quyết định rẽ sang hướng đi mới, đó là cung cấp giải pháp trồng rau sạch cho các hộ gia đình.
Lan chia sẻ: “Với các lợi thế có thể kể đến như: Thuế suất giảm đến 90%, thậm chí nhiều dòng thuế về 0% tạo cơ hội cho DN cạnh tranh công bằng, tiếp cận, chào hàng với các đối tác trong khu vực TPP. TPP cũng giúp các DN khởi nghiệp tiếp thu, học tập những mô hình sản xuất tiên tiến, hiện đại từ các quốc gia trong khối nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu nông sản. Chẳng hạn, Nhật Bản có thể đầu tư vào Việt Nam để tận dụng những ưu thế của nông nghiệp nước ta, ngược lại Việt Nam sẽ tiếp thu công nghệ và đầu tư từ Nhật Bản để cung cấp các sản phẩm nông nghiệp như rau quả, hoa tươi, tôm… sang Nhật”.
Mô hình trồng rau sạch cho các hộ gia đình do Nguyễn Phương Lan cung cấp
“Điều kiện thiên nhiên thuận lợi cho phép Việt Nam có thể sản xuất nông nghiệp quanh năm. Trong khi đó các nước Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản… điều kiện không cho phép sản xuất nông nghiệp mùa đông. Do vậy TPP tạo khả năng cho ngành nông nghiệp Việt Nam tham gia tốt hơn vào chuỗi giá trị trong khu vực”- TS Nguyễn Hải An nhận định.
Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang có kế hoạch đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam, mang đến cơ hội cho nhiều startup và doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực này. Không chỉ các doanh nghiệp, Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng cho biết sẽ tăng hợp tác với các đối tác Việt Nam để xây dựng chuỗi giá trị, qua đó xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam.
Ông Tsuno Motonori - Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam xác nhận: “Cơ quan này sẽ tăng cường hỗ trợ tín dụng, dưới dạng vốn vay ODA cho nông nghiệp Việt Nam”.
Như vậy, tất cả đang mở ra cơ hội cho các nhà khởi nghiệp Việt trong lĩnh vực giàu tiềm năng này.
Vốn, an toàn vệ sinh thực phẩm yếu tố quyết định
Bên cạnh cơ hội “vàng” khởi nghiệp bằng nghề nông cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất cho những DN mới khởi nghiệp phát triển là thiếu hệ sinh thái khởi nghiệp, thủ tục hành trình còn rườm rà, chưa có hành làng pháp lý hoàn chỉnh cho thị trường khởi nghiệp phát triển...
Anh Ngô Thành Long, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì (Hà Nội) chia sẻ, khó khăn lớn nhất của người mới bắt đầu khởi nghiệp bằng nông nghiệp là nguồn vốn ban đầu. Bước vào làm kinh tế, ai cũng cần vốn - yếu tố quyết định. Còn lại kỹ thuật và những thứ khác là yếu tố “ăn theo”.
“Mô hình, kế hoạch lập ra rồi mà không có vốn thì người khởi nghiệp tài giỏi mấy cũng bó tay. Hơn nữa, khởi nghiệp bằng nghề nông đa phần là các bạn trẻ ở nông thôn. Họ có những thế mạnh như: Tính cần cù, chịu thương chịu khó và hiểu đất hiểu người. Tuy nhiên, họ thiếu thông tin, tiếp cận chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho mình luôn bị chậm. Nhiều khi chính sách vay vốn dành cho Thanh niên về đến thôn xã cả tháng, họ mới biết. Có trường hợp, khi biết, đi làm thủ tục vay đến ngày giải ngân đã hết hạn”, Long chia sẻ.
Với 100 tỷ đồng dành cho Startup Việt Nam, nhưng SSI chưa tìm được nơi giải ngân. Ông Nguyễn Khánh Quỳnh - Giám đốc đầu tư Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) cho biết: “Quỹ này khó giải ngân do các Startup trong lĩnh vực nông nghiệp, vì thường bị ảnh hưởng bởi các start-up trong lĩnh vực công nghệ, internet…trong vấn đề định giá (valuation).
Ngoài vấn đề vốn, hệ sinh thái khởi nghiệp, DN khởi nghiệp bằng nghề nông còn phải đối mặt với nhiều thách thức xuất phát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Từ Minh Thiện- Phó trưởng Ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, nhận định: “Nếu chúng ta không chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thì có thể các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam thậm chí còn không tiêu thụ được ngay tại thị trường trong nước chứ nói gì xuất khẩu. Vì vậy, các DN khởi nghiệp nên thay đổi lối tư duy lạc hậu là chú trọng vào sản lượng mà bỏ qua đầu tư vào chất lượng, an toàn thực phẩm…”.
Muốn thực hiện được điều ông Thiện nói, đầu tiên phải kể đến việc tiếp thu và ứng dụng công nghệ an toàn thực phẩm sao cho phù hợp với tình hình trong nước. Đây là một mảng công nghệ đặc thù và chuyên biệt, vì vậy đòi hỏi phải có nhân lực chuyên môn cao để vận hành, thẩm định và hỗ trợ chiến lược phát triển cho các dự án. Chưa kể, trước vấn nạn thực phẩm “vàng thau lẫn lộn” trên thị trường, các doanh nghiệp khởi nghiệp sau khi vượt qua giai đoạn triển khai ban đầu, cũng sẽ phải tiếp tục đương đầu với thách thức trong việc gây dựng niềm tin và với người tiêu dùng.
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng khởi nghiệp nông nghiệp là lĩnh vực đáng thử sức cho cộng đồng khởi nghiệp, bởi nếu thành công, nó sẽ có nhiều ý nghĩa vô cùng to lớn. Không chỉ người tiêu dùng được hưởng lợi, mà ngay cả nông dân, ngư dân và các đơn vị kinh doanh đang làm ăn chân chính cũng sẽ yên tâm hơn trong việc nỗ lực đem những sản phẩm an toàn, chất lượng ra thị trường.
Theo Tuổi trẻ Thủ đô
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn