Chậm giải ngân vốn xây dựng NTM, vì sao?
Đồng chí Trương Công Ngàn, Trưởng ban Xây dựng NTM tỉnh: Để khắc phục tình trạng giải ngân vốn xây dựng NTM chậm, các địa phương cần làm tốt công tác chuẩn bị; khắc phục tình trạng chậm, thụ động khi xác định sản phẩm tập trung sản xuất, khi phân bổ vốn mới chuẩn bị đầu tư. Đồng thời khắc phục việc không xây dựng kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí khi đề án đã được phê duyệt. Cần chọn một số xã để làm điểm, xã nào làm được thì huyện phân cấp, không làm được thì huyện phải hướng dẫn cụ thể. |
Tổng nguồn vốn tỉnh dành cho chương trình xây dựng NTM năm 2014 là 300 tỷ đồng. Theo Nghị quyết 07-NQ/TU của BTV Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh đã quyết định dành 30% (=90 tỷ đồng) cho 22 xã đặc biệt khó khăn. Số còn lại phân cho các địa phương khác theo phương thức chấm điểm mà UBND tỉnh đã đề ra.
Ngày 27-1-2014, Ban Xây dựng NTM cùng với Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, Sở NN&PTNT đã có Hướng dẫn liên ngành số 141/HD-KHĐT-TC-NN&PTNT-KHCN-BXDNTM sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Hướng dẫn số 695/HD-KHĐT-TC-NN&PTNT-BXDNTM ngày 13-4-2012 về nội dung và mức chi kinh phí phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn thuộc chương trình xây dựng NTM tỉnh giai đoạn 2012-2015. Theo đó, đối với các xã đặc biệt khó khăn, Chủ tịch UBND huyện được quyền căn cứ vào tình hình thực tiễn của mỗi xã để quyết định đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển sản xuất một cách linh hoạt chứ không theo tỷ lệ cố định. Với các xã còn lại, nguồn vốn đầu tư phải dành 50% cho phát triển sản xuất, 50% cho xây dựng hạ tầng.
Làm đất chuẩn bị cho trồng khoai tây ở xã Xuân Sơn, huyện Đông Triều. |
Quyết định số 3408/QĐ-UBND ngày 12-12-2013 của UBND tỉnh ban hành quy định hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật nông thôn phục vụ chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2013-2015 (thay thế Quyết định số 401/QĐ-UBND) đã gỡ khó nhiều cho các địa phương trong huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng. Bởi theo quyết định này, Chủ tịch UBND cấp huyện có thể quyết định chi đến 90% tổng nguồn vốn cho các công trình đầu tư hạ tầng ở các hạng mục: Hỗ trợ nguyên liệu, chi phí thuê máy móc, thậm chí là chi trả tiền thuê nhân công.
Đồng chí Trương Công Ngàn, Trưởng Ban Xây dựng NTM tỉnh cho biết, trước khi có Hướng dẫn liên ngành số 141, Ban Xây dựng NTM tỉnh và Sở KH&ĐT đã sớm có văn bản gửi các địa phương để lấy ý kiến vào việc phân bổ nguồn kinh phí xây dựng NTM. Trên cơ sở ý kiến của các địa phương, Ban đã phối hợp tham mưu xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh về phân bổ ngân sách trong lĩnh vực này. Vì thế, công tác tham mưu, chỉ đạo ở tỉnh là rất chủ động.
Thế nhưng, việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng NTM 6 tháng đầu năm nay rất chậm. Theo báo cáo của Ban Xây dựng NTM tỉnh, đến nay mới có 4 địa phương (Móng Cái, Quảng Yên, Đầm Hà, Đông Triều) phê duyệt danh mục công trình hạ tầng, dự án phát triển sản xuất; 2 địa phương (Vân Đồn, Hoành Bồ) phê duyệt danh mục dự án sản xuất nhưng chưa phê duyệt danh mục công trình hạ tầng; 2 địa phương (Bình Liêu, Hải Hà) đã có danh mục công trình hạ tầng, nhưng chưa phê duyệt danh mục dự án phát triển sản xuất; 2 địa phương (Ba Chẽ, Tiên Yên) đã phân bổ cho các xã và các xã đang lựa chọn danh mục các công trình hạ tầng và phát triển sản xuất.
Nhìn chung, các địa phương phân khai nguồn vốn hỗ trợ chậm, do vậy các công trình đều đang triển khai thực hiện nhưng tỷ lệ giải ngân thấp (đến hết tháng 5-2014, toàn tỉnh mới giải ngân 13.161 triệu đồng, đạt tỷ lệ 4,4%).
Theo lãnh đạo Ban Xây dựng NTM tỉnh, việc giải ngân chậm do các nguyên nhân sau đây. Thứ nhất là các địa phương chưa thực hiện đúng nguyên tắc, thiếu chủ động trong thực hiện Hướng dẫn liên ngành 695/HD-KHĐT-TC-NN&PTNT-BXDNTM. Trong hướng dẫn này nêu rõ: Tháng 6 hằng năm, các địa phương phải xây dựng danh mục các dự án đầu tư cho năm sau gửi liên ngành tỉnh. Thế nhưng hầu như không địa phương nào thực hiện mà cứ chờ có vốn về mới “tá hoả” lập dự án.
Thứ hai là năng lực quản lý, điều hành của cán bộ cấp xã, thậm chí cả cấp huyện còn yếu. Thời gian qua, tỉnh phân cấp mạnh cho các địa phương trong việc quyết định, thực hiện các chủ trương đầu tư. Thế nhưng cán bộ các địa phương chưa đổi mới cách làm mà yêu cầu của việc giải ngân vốn đòi hỏi phải đổi mới. Cán bộ xã vẫn quen nếp cũ là khi trên “rót” vốn về thì xã thông báo cho các hộ dân đăng ký trồng giống mới, vật nuôi mới, sau đó xã mua giống về và như vậy là thành mô hình, dân được hỗ trợ. Nay tỉnh đặt ra yêu cầu là chính các hộ dân phải lập dự án để cho sát nhu cầu của người dân và thực tiễn địa phương thì các xã chưa làm được việc tuyên truyền, hướng dẫn, giúp các hộ lập dự án nên nhiều địa phương không có mô hình, không có dự án để giải ngân.
Thứ ba là đầu tư cho sản xuất có tính chất mùa vụ, phụ thuộc thời tiết, thị trường. Tâm lý người dân, doanh nghiệp nhiều khi e ngại về đầu ra sản phẩm nên chưa mạnh dạn đầu tư cho sản xuất...
Theo lãnh đạo một số địa phương thì còn một nguyên nhân khác dẫn đến tiến độ giải ngân vốn xây dựng NTM chậm. Đó là, thời gian qua, ở một số địa phương có tình trạng lãnh đạo xã do lập, triển khai dự án không đúng quy định dẫn đến bị kiểm điểm sau thanh tra, kiểm tra, thậm chí bị khởi tố. Hơn nữa, thời gian chuẩn bị đại hội Đảng, bầu cử chính quyền đã đến gần nên nhiều cán bộ có tâm lý e ngại, thậm chí làm việc cầm chừng để đảm bảo an toàn. Đây có lẽ cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII. Vì thế, cần khắc phục ngay những hạn chế trong giải ngân vốn xây dựng NTM để đảm bảo toàn tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng NTM trong nhiệm kỳ này.
Ngọc Hà
theo baoquangninh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn