Vẫn cùng vợ băm bèo, chuối để trộn cám cho đàn gà khoảng 120 con lớn nhỏ, ông Võ Văn Hiên (45 tuổi, ở thôn Vạn An, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa) bộc bạch: "Những con gà lớn hơn chiếm gần 1/3 tổng đàn sẽ được xuất bán trong Tết dương lịch đến; số nhỏ hơn còn lại là để bán trong dịp Tết cổ truyền. Với tình hình cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại khá nặng do mưa lũ vừa qua như vậy, cho nên giá bán gà dịp Tết âm lịch năm nay chắc sẽ cao hơn cùng dịp năm trước".
Gà ta được nhiều người dân vùng quê chọn nuôi để kiếm tiền sắm Tết cho gia đình.
Theo ông Hiên, đã nhiều năm nay để kiếm tiền mua sắm trong dịp Tết cho gia đình, vợ chồng ông Hiên đầu tư mua giống gà ta (còn gọi là gà kiến) từ 100-150 con, với giá khoảng 20.000 đồng/con và thả nuôi trong vườn của mình.
Nhờ tận dụng phế phẩm nông nghiệp và rau, bèo tự trồng và chăm sóc kĩ, thực hiện tiêm phòng đầy đủ, nên số gà nuôi lớn nhanh và ít bị dịch bệnh.
Gà được thả nuôi theo kiểu truyền thống là thả tự do trong vườn nhà.
"Với thời gian nuôi khoảng 5 tháng, trọng lượng gà đạt từ 1,4-1,8 kg/con. Trừ các khoản chi phí, với giá bán trên thị trường từ 100.000-110.000 đồng/kg hơi, thì lợi nhuận từ bán gà mang về khoảng 60.000 đồng/con. Riêng dịp Tết sắp đến nếu không gặp rủi ro bất ngờ, thì cũng kiếm được hơn 6 triệu đồng", ông Hiên nhẩm tính.
Cũng như ông Hiên, bà Nguyễn Thị Ly (50 tuổi, ở xã Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ) không giấu giếm: "Với 200 con gà ta đang nuôi để xuất bán trong dịp Tết này, nếu "trời thương" thì ít nhất tôi cũng lời được 10 triệu đồng".
Số lượng gà thả nuôi thường chỉ từ 100-200 con/hộ.
Trong dịp Tết nhu cầu tiêu thụ gà ta nuôi theo kiểu truyền thống trên thị trường rất lớn. Giá cả cao, nguồn thức ăn chủ yếu là tận dụng, sẵn có của gia đình.... nên lợi nhuận từ vật nuôi này thường cao hơn so với các con khác. Do đó nhiều người chọn cách này tạo thêm nguồn thu để kiếm tiền mua sắm trong dịp Tết.
Theo Công Xuân/Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn