Tích cực hướng dẫn cách lựa chọn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sát sao trong công tác quản lý, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT) đã góp phần tác động, làm thay đổi tập quán canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân. Hiện nay, tỷ lệ nông dân sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học trong sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng 60%, giảm 30% số lần sử dụng thuốc và tuân thủ thời gian cách ly khi thu hoạch, chi phí dành cho thuốc bảo vệ thực vật giảm 50%...
|
Nông dân phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) chăm sóc rau an toàn. |
Hằng năm, Bộ NN&PTNT đều ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam. Từ danh mục này, các địa phương, đơn vị chức năng nắm bắt được tổng hoạt chất và tên thương phẩm của thuốc để tuyên truyền, hướng dẫn nông dân cách lựa chọn và sử dụng thuốc.
Tuy nhiên, thuốc bảo vệ thực vật có hàng trăm hoạt chất thuốc trừ sâu và bệnh được dùng trên rau với hàng nghìn tên thương phẩm, nên đã gây khó khăn cho nông dân trong việc lựa chọn đúng loại thuốc và sử dụng.
Ngoài ra, nguy cơ thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu từ các tỉnh biên giới, các tỉnh giáp ranh xâm nhập vào địa bàn Hà Nội với số lượng không thể kiểm soát, khiến công tác quản lý của cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, kỹ năng kiểm tra và đề xuất xử lý vi phạm của nhân viên bảo vệ thực vật cấp xã vẫn còn hạn chế.
Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết: Để hướng dẫn nông dân trồng rau sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng kỹ thuật, Chi cục đã triển khai nhiều biện pháp như cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn; kiểm tra quá trình sản xuất rau an toàn; mở các lớp tập huấn an toàn thực phẩm, các lớp IPM…
Tại những vùng rau trọng điểm như xã Văn Đức (huyện Gia Lâm), xã Tráng Việt (huyện Mê Linh), xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ)… Chi cục chỉ đạo Trạm bảo vệ thực vật huyện phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành điều tra, rà soát các loại thuốc bảo vệ thực vật đang được bà con sử dụng; tuyên truyền, tập huấn cho bà con cách phân biệt thuốc được phép sử dụng và không được phép sử dụng, đồng thời ban hành hướng dẫn danh mục thuốc sử dụng trên rau, bảo đảm đúng quy định hiện hành, phù hợp với vùng, hiệu quả trong phòng trừ và có độ độc thấp.
Từ năm 2017 đến nay, Chi cục tổ chức 20 lớp tập huấn, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho 1.222 chủ cửa hàng; tổ chức 4 lớp bồi dưỡng chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật, an toàn lao động trong vận chuyển thuốc cho 282 cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật tại các huyện Sóc Sơn, Phú Xuyên; phát 13.000 tờ rơi cảnh báo về các loại thuốc bảo vệ thực vật không được phép kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam cho nông dân các vùng trồng rau, hoa trọng điểm và treo tại các cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; cấp phát 900 bộ tài liệu cho cán bộ các xã, phường, thị trấn và nhân viên bảo vệ thực vật cấp xã nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Trên địa bàn thành phố hiện có 110 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, 39 doanh nghiệp phân bón, 92 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng và 1.779 cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt. Theo ông Nguyễn Mạnh Phương, nhằm xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, từ đầu năm 2018 đến nay, Chi cục phối hợp với UBND cấp xã kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật với 1.174 cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phát hiện và chuyển hồ sơ để UBND xã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 136 trường hợp; hoàn thiện hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 19 cơ sở với các hành vi: Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng, thuốc không có tên trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, không lưu hồ sơ kết quả thử nghiệm của từng lô phân bón sản xuất đã xuất xưởng... với tổng số tiền gần 140 triệu đồng.