Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 64,6 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tương đương tỷ lệ bao phủ 71,4% dân số sau 5 tháng Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ 1-1-2015.
Như vậy, để đạt mục tiêu 75% tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên dân số cả nước trong năm 2015, Bảo hiểm xã hội Việt Nam còn phải tăng 3,6% (tương ứng với khoảng 3 triệu người), nhưng để thực hiện không hề đơn giản bởi nhiều trở ngại từ thực tiễn.
Đó là tình trạng nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế tại các doanh nghiệp vẫn diễn ra khá phổ biến, chiếm trên 40%. Bên cạnh đó, do tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại lao động bị cắt giảm theo mùa vụ nên ảnh hưởng tới việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.
Còn theo báo cáo mới đây của Vụ bảo hiểm y tế - Bộ Y tế, các thủ tục hành chính vẫn còn gây phiền hà cho người dân khi tham gia bảo hiểm y tế.
Những người thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình hay nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, đặc biệt là sinh viên các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề cũng có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế thấp (có địa phương có tới 20% học sinh, sinh viên chưa tham gia bảo hiểm y tế).
Nhóm tham gia theo hộ gia đình cũng chưa đạt được mục tiêu đề ra theo kế hoạch phát triển đối tượng năm 2015.
Để tăng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề ra giải pháp là tiếp tục củng cố đại lý thu trên địa bàn để tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế; tổ chức nhiều đại lý thu để tạo tính cạnh tranh khi phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề nghị các tỉnh, thành phố huy động mọi nguồn lực và ngân sách địa phương hỗ trợ 30% mức đóng bảo hiểm y tế cho hộ gia đình cận nghèo, 50% mức đóng bảo hiểm y tế cho hộ gia đình nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình; trình cấp thẩm quyền phê duyệt danh sách các xã đảo, huyện đảo để có cơ sở lập danh sách mua bảo hiểm y tế cho người dân…
Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và gia tăng hiệu quả sử dụng quỹ, ngăn ngừa lạm dụng bảo hiểm y tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đổi mới phương pháp giám định, chất lượng giám định; đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin trong giám định bảo hiểm y tế.
Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt NamNhững tin mới hơn
Những tin cũ hơn