Nhờ vốn vay ưu đãi, người nông dân đã tạo lập và phát triển được các ngành nghề khác ngay chính tại quê nhà. Ảnh: Quang Tấn
Theo báo cáo của NHCSXH, tính đến hết quý I-2016, tổng nguồn vốn cho vay chương trình giải quyết việc làm đạt 6.858 tỷ đồng, bao gồm ngân sách Trung ương 4.261 tỷ đồng, Quỹ việc làm của địa phương 2.597 tỷ đồng, qua đó thu hút và tạo việc làm cho hơn 3 triệu lao động.
Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình ở những vùng nông thôn trong cả nước đã chủ động mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm được việc làm mới, ổn định, từng bước cải thiện và nâng cao cuộc sống.
Ở nhiều vùng, người nông dân đã tạo lập và phát triển được các ngành nghề khác ngay chính tại quê nhà. Chương trình cũng góp phần khôi phục ngành nghề truyền thống, hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình để mở rộng sản xuất, thu hút tạo việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt là lao động chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lao động nữ, người khuyết tật, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Cũng thông qua chương trình cho vay này, các hội, đoàn thể có điều kiện đi sâu, đi sát tới từng cơ sở hơn, từ đó gắn kết hoạt động kinh tế với nhiệm vụ chính trị của tổ chức mình, đẩy mạnh các phong trào thi đua làm kinh tế giỏi.
Theo đánh giá của chính quyền và các hội, đoàn thể tại địa phương, cơ chế quản lý, cho vay vốn từ chương trình giải quyết việc làm thời gian qua đã có nhiều đổi mới và tạo ra sự thông thoáng, hiệu quả hơn. Nhìn chung, các chủ cơ sở, dự án và hộ gia đình vay, sử dụng vốn đúng mục đích, hoàn trả vốn vay đúng thời hạn...
Tuy nhiên, nguồn vốn cho vay đến nay vẫn còn một số hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu nhằm tạo việc làm ổn định lâu dài.
Do vậy, NHCSXH mong muốn Nhà nước cần huy động và tạo thêm nguồn vốn bổ sung kịp thời, đáp ứng nhu cầu vay vốn của nhiều cá nhân, hộ gia đình hơn nữa.
Theo baohaiquan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn