Nhờ cụ Tấn, những con đường làng luôn lành lặn, sạch sẽ. |
Không khó khăn gì để đến nhà cụ Tấn, vì hầu hết người dân nơi đây đều biết rõ mồn một về tấm lòng và việc làm của cụ. Đến nhà cụ Tấn vào lúc giữa trưa, đúng lúc cụ vừa thăm ruộng về, trên vai gánh bó chè tươi, chân bước thoăn thoắt. Nhìn cụ, chúng tôi không tin cụ đã 88 tuổi, tay chân vẫn linh hoạt, nước da hồng hào, nụ cười sảng khoái. Trong ngôi nhà nhỏ được bao bọc bởi những vườn rau, quả xanh mơn mởn, những việc làm thầm lặng của cụ cho dân làng nơi đây được kể lại chi tiết...
Cụ Tấn bắt đầu làm công việc vá đường từ những năm kháng chiến chống Mỹ. Vào thời kỳ đó, địch ném bom như mưa, con đường vận chuyển vũ khí và lương thực của quân dân ta bị phá hủy, thấy vậy cụ vận động người dân đắp lại con đường cho bằng phẳng. Cứ thế, công việc sửa lại những con đường bị hư hại theo ông mãi cho đến khi chiến tranh kết thúc. Đất nước giải phóng, cụ Tấn vẫn không quên công việc thầm lặng này. Từ những con đường đất lầy lội, trũng nước mỗi khi mưa xuống đến những con đường bê tông mỗi khi xuất hiện ổ gà, ổ voi..., cụ vá lại ngay.
Nói về việc làm của mình, cụ Tấn khiêm tốn: "Đường ngổn ngang đất đá, ổ gà, ổ vịt mình đi không vấp ngã thì con, cháu mình cũng sẽ vấp ngã, nguy hiểm lắm. Nghĩ vậy nên tôi luôn tìm cách lấp lại những chỗ hư để bà con đi lại cho an toàn thôi chứ có chi mô, việc nhỏ thôi mà". Trong lúc cụ Tấn đang trò chuyện với chúng tôi, cụ Huỳnh Thị Ba (vợ cụ Tấn) từ trong bếp đi lên, góp chuyện: "Tôi có mua cái xẻng mới cho ông đó! Chừ ngồi đây chứ nghe ai nói chỗ mô đường hư cái ổng xách đồ đi làm liền con ơi! Nói già rồi, thôi đừng làm nữa mà ổng nói không lấp lại mấy cái chỗ hư rứa bà con đi té thì tội. Thấy ổng làm, bà nhìn sao đành nên cũng làm chung. Mưa vừa rồi, đường ra bến đò bị lở, bà con đi xe lên xuống bị té miết nên ổng với bà ra đẩy đất đắp lại. Không may bà té, giờ chân còn sưng đây".
Trong nhà cụ, những vật dụng như xe bò, cuốc, xẻng, rựa... luôn được chuẩn bị sẵn sàng. Có những đoạn bị hư hại nhẹ, cụ đi nhặt đất đá ngoài sông về sửa lại nhưng cũng có những đoạn đường cụ bỏ tiền túi ra để mua xi măng về vá lại. Không chỉ vá đường, cụ Tấn còn thu dọn sạch sẽ phân trâu, bò, rác thải, lá cây vương vãi trên đường. Trên những con đường dẫn ra ruộng cũng vậy, cụ Tấn thấy chỗ nào sạt lở thì đắp lại ngay. Vào mùa vụ, biết người dân địa phương ra ruộng nhiều nên cụ đã tìm ván đóng những cây cầu bắc qua khe, mương để bà con thuận lợi chuyển lúa, phân.
Đến nay, đã có hơn 20 chiếc cầu gỗ ở ruộng Khe Cát và Gành Chùa được cụ Tấn tự tay làm. Thậm chí thấy đồng khô nước, cụ cất công đi dẫn nước vào từng đám ruộng không câu nệ ruộng mình hay ruộng người khác. Bà Lê Thị Bảy (hàng xóm) cho hay: Việc làm của cụ Tấn rất có ý nghĩa, nhờ cụ mà bà con trong thôn đi lại dễ dàng, xóm làng sạch sẽ, là thôn văn hóa, văn minh nhiều năm liền, bà con chúng tôi rất quý trọng ông như một tấm gương để con cháu noi theo".
Hỏi cụ sao không nghỉ ngơi vì tuổi cao mà việc này lại nặng nhọc, cụ cười vang: "Sao nghỉ được con, còn sức thì vẫn cứ tiếp tục. Ông càng cảm thấy khỏe hơn khi được làm những gì mình thích lại có ích cho xã hội nữa". Với những việc làm thầm lặng của cụ Tấn, chúng tôi tin rằng mai đây con cháu thôn Tĩnh Yên sẽ luôn nhớ về hình ảnh lão ông cần mẫn vá đường cho dân.
Theo CAND
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn