Còn nhiều tiềm năng
Tại Diễn đàn chuyên đề nông nghiệp trong khuôn khổ ViEF (Diễn đàn Kinh tế Việt Nam) vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, thời gian qua với sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp, “thặng dư ngành nông nghiệp dự kiến vượt 9 tỷ USD trong năm nay”.
Theo ông Dũng, trong ngành nông nghiệp, nếu chúng ta chỉ sản xuất ra nhưng không chế biến thì cũng không thể tiêu thụ tốt, đặc biệt là với những bất cập trong quản lý vật tư đầu vào, yếu tố thị trường, tính liên kết các trục sản phẩm cấp quốc gia, địa phương và làng xã còn nhiều hạn chế.
TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, cơ hội để mở rộng thị trường nông sản của Việt Nam là còn lớn. Theo ông, với tốc độ tăng dân số hiện nay, năm 2035, Việt Nam có nửa số dân chuyển sang dân số thành thị và còn tăng liên tục.
Đi kèm với công nghiệp hóa, thu nhập của người dân về nông sản cũng tăng lên rõ rệt. Thống kê lại các số liệu về cán cân thương mại trong nhiều năm qua cho thấy, nông sản Việt Nam ngay từ khi hội nhập đã xuất siêu, năm 2018 dù có thể gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn dương về xuất khẩu. Điều này chứng minh rằng, thế mạnh của Việt Nam là một cường quốc về nông sản.
Giải pháp mở rộng thị trường
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch điều hành Cấp cao Central Group (Thái Lan) cho rằng, Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi, diện tích đất canh tác trù phú trải dài từ Bắc vào Nam. Nông nghiệp được coi là “chìa khoá” cho sự phát triển quốc gia. Những năm gần đây, với quyết tâm đổi mới, bên cạnh sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước, Việt Nam còn xuất khẩu lượng lớn nông sản, đã vươn lên thành một trong 5 quốc gia xuất khẩu trên thế giới với một số ngành hàng nông nghiệp điển hình như gạo, cà phê, tiêu đen, hạt điều, cao su miền Nam, rau củ quả Đà Lạt...
Với nhiều năm tích luỹ kinh nghiệm làm việc với nông dân Việt Nam, đại diện Central Group đề xuất, Việt Nam cần xây dựng và phát triển mô hình đầu tư canh tác quy mô lớn. Bởi hiện nay, sản xuất còn nhỏ lẻ, làm theo quy mô hộ gia đình, diện tích canh tác còn giới hạn, các cánh đồng mẫu lớn chưa phổ biến, chưa tận dụng được chi phí đầu tư thấp, dẫn đến giá thành sản phẩm cao.
“Ở các nước phát triển, chi phí đầu tư vào cơ sở vật chất, khấu hao trên từng sản phẩm giảm rất nhiều, nhà đầu tư có nhiều cơ hội đa dạng hoá sản phẩm, phát triển theo hướng chuyên nghiệp hoá. Ở Thái Lan, 500 con gà trở xuống là chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình, ở Việt Nam 90% như vậy, kém Thái Lan 10 lần”, ông khẳng định.
Ngoài vấn đề tuân thủ quy chuẩn quốc tế cho các sản phẩm nông sản, theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao, thì việc nghiên cứu thị trường cũng rất quan trọng cho việc mở rộng thị trường cho các mặt hàng nông sản nước ta. “Tôi muốn nhấn mạnh chúng ta chỉ cần lập một nhóm nghiên cứu thị trường làm thiết thực và tổ chức những nhóm chuyên gia trẻ đi các hội chợ quốc tế uy tín, hai giải pháp này theo tôi nếu làm được sẽ rất có lợi cho người dân”, bà Hạnh đề xuất.
Ông Vũ Trường Ca - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Lina Network thì cho rằng, dù nông nghiệp Việt Nam đang được Chính phủ đẩy mạnh hỗ trợ, có nhiều chính sách giúp đỡ người nông dân, nhưng chúng ta vẫn luôn gặp phải tình huống được mùa mất giá, được giá mất mùa, hay mất mùa và mất luôn cả giá, và thường xuyên phải tiến hành giải cứu. Với nhận định như trên, ông Ca cho rằng, thị trường cần phải có sản phẩm minh bạch, bất biến, an toàn, chuẩn hoá, truy xuất mọi lúc mọi nơi. Vì thế trước khi sản xuất ra, chúng ta cần phải tìm hiểu xem thị trường cần gì.
Được biết, Diễn đàn chuyên đề nông nghiệp là phiên đầu tiên mở màn cho Diễn đàn Kinh tế Việt Nam diễn ra từ tháng 6 cho đến hết cuối năm nay. Phiên toàn thể 2018 diễn ra vào đầu tháng 12/2018, dự kiến Thủ tướng Chính phủ trực tiếp tham dự và đối thoại với khu vực kinh tế tư nhân.
Theo Gia Khánh/ Báo Pháp luật
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn